Lộ diện 2 cổ đông ngoại muốn mua 220 triệu cổ phiếu HBC

Bảo Duy - 20/11/2023 19:42 (GMT+7)

(VNF) - Hội đồng quản trị (HĐQT) Công ty Cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HoSE: HBC) vừa thông qua quyết định triển khai chi tiết phương án phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ.

VNF
Lộ diện 2 cổ đông ngoại muốn mua 220 triệu cổ phiếu Hòa Bình (HBC).

Theo đó, Hòa Bình dự kiến phát hành thêm gần 252,5 triệu cổ phiếu. Trong đó, công ty dự kiến chào bán riêng lẻ 220 triệu cổ phiếu với giá chào bán thấp nhất là 12.000 đồng/cổ phiếu và giá chào bán cao nhất là 14.500 đồng/cổ phiếu, tổng số tiền dự kiến huy động được là từ 2.640 tỷ đồng - 3.190 tỷ đồng.

Mục đích chào bán nhằm mục đích thanh toán các khoản nợ vay của công ty với các tổ chức tín dụng, trong đó, hơn 1.754 tỷ đồng là trả gốc và lãi cho Ngân hàng BIDV, gần 998 tỷ đồng trả cho Ngân hàng VietinBank, số còn lại là trả gốc và lãi cho Ngân hàng MSB, NCB, VPBank và SeABank.

Thời gian dự kiến chào bán là từ quý IV năm nay - quý I/2023, cổ phiếu sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 1 năm kể từ ngày kết thúc đợt chào bán.

Theo danh sách mà HBC công bố, có hai nhà đầu tư nước ngoài dự kiến tham gia đợt chào bán đợt này là Tumaz and Tumaz Enterprises Ltd mua 100 triệu cổ phiếu và Primetech VN Development and Investment Joint Stock Company mua 120 triệu cổ phiếu. Nếu việc mua cổ phiếu diễn ra thành công, tương ứng tỷ lệ sở hữu của 2 doanh nghiệp này tại Hòa Bình là 18,99% và 22,79% vốn.

Bên cạnh 220 triệu cổ phiếu riêng lẻ, HBC cũng dự kiến chào bán gần 32,5 triệu cổ phiếu để hoán đổi nợ.

Ở kế hoạch cũ, công ty muốn phát hành tối đa 274 triệu cổ phiếu với giá tối thiểu 12.000 đồng/cổ phiếu, bao gồm 220 triệu cổ phiếu chào bán riêng lẻ và 54 triệu cổ phiếu để hoán đổi nợ.

Lý giải về việc giảm lượng cổ phiếu chào bán trên, HBC cho biết, kể từ ngày nghị quyết phát hành được ĐHĐCĐ thông qua cho đến nay vì một số lý do như HBC đã thanh toán nợ cho một số chủ nợ hay một số chủ nợ thay đổi ý định hoán đổi nợ,... do đó HĐQT công ty đã điều chỉnh số lượng cổ phiếu phát hành để hoán đổi nợ.

Nếu hai đợt phát hành trên thành công, vốn điều lệ của HBC cũng dự kiến tăng từ 2.741 tỷ đồng lên 5.266 tỷ đồng.

Về tình hình kinh doanh, HBC mới đây đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2023. Không có gì bất ngờ khi báo cáo này tiếp tục thể hiện kết quả kinh doanh tồi tệ của HBC, bởi ngành xây dựng nói chung và HBC vẫn đang đắm chìm trong cơn khủng hoảng nặng nề nhất một thập niên qua.

Theo báo cáo, doanh thu thuần quý III/2023 của HBC chỉ đạt 1.893 tỷ đồng, giảm 50% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận gộp chỉ 40 tỷ đồng, giảm tới 86%. Tương ứng, biên lợi nhuận gộp đạt 2,11%.

Với khoản lợi nhuận gộp ít ỏi, trong khi chi phí hoạt động vẫn neo ở mức rất cao, HBC lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh tới 163 tỷ đồng, đánh dấu quý lỗ thuần thứ 4 liên tiếp.

Hệ quả là HBC chịu lỗ trước thuế 164 tỷ đồng và lỗ sau thuế 170 tỷ đồng trong quý III/2023, đánh dấu quý lỗ sau thuế thứ 4 liên tiếp.

Lũy kế 9 tháng năm 2023, doanh thu thuần của HBC đạt 5.356 tỷ đồng, giảm 51%; lợi nhuận gộp đạt 227 tỷ đồng, giảm 67% so với cùng kỳ năm trước, tương ứng biên lợi nhuận gộp 4,23%.

Chi phí tài chính và chi phí quản lý là hai “cơn sóng” lớn trong 9 tháng, với mức tăng lần lượt 17% và 59%, đã cuốn phăng toàn bộ thu nhập của HBC, khiến công ty lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh 872 tỷ đồng.

Kết 9 tháng, HBC lỗ trước thuế 866 tỷ đồng, lỗ sau thuế 883 tỷ đồng. Khoản lỗ này đã nâng tổng lỗ lũy kế của công ty lên mức 2.980 tỷ đồng, lớn chưa từng có trong lịch sử doanh nghiệp.

Cùng chuyên mục
Tin khác