Lợi nhuận hàng không ‘bay cao’: Hết thời khó khăn, lãi nghìn tỷ mỗi tháng

Hải Đường - 10/05/2024 11:00 (GMT+7)

(VNF) - Lợi nhuận các doanh nghiệp ngành hàng không tiếp tục ghi nhận những kết quả tích cực sau khi phục hồi trong năm 2023. Dường như ngành hàng không đã đi qua giai đoạn khó khăn và có nhiều động lực tăng trưởng trong thời gian tới.

Lợi nhuận “bay cao”

Sau khi phục hồi lợi nhuận trong năm 2023, ngành hàng không tiếp tục đà tăng trưởng trong quý I/2024 với kết quả kinh doanh tích cực. Hai hãng hàng không trên sàn là Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines, HoSE: HVN) và Công ty Cổ phần Hàng không Vietjet (HoSE: VJC) đều báo lãi hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng với mức tăng trưởng ấn tượng so với cùng kỳ.

Với Vietnam Airlines, hãng bay lãi sau thuế 4.441 tỷ đồng trong quý I, trong khi cùng kỳ lỗ 37 tỷ đồng. Đây là khoản lãi kỷ lục mà doanh nghiệp này ghi nhận trong một quý kể từ khi thành lập. Theo đó, sự trở lại lại của các tuyến bay quốc tế cũng góp công vào bức tranh kinh doanh tích cực của Vietnam Airlines.

Lợi nhuận của Vietnam Airlines ghi nhận mức cao kỷ lục trong quý I/2024

Bên cạnh đó, công ty mẹ, Pacific Airlines và các công ty con kinh doanh đều kinh doanh có lãi so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, Vietnam Airlines ghi nhận khoản thu nhập khác hợp nhất đột biến phần lớn đến từ việc xóa nợ theo thỏa thuận trả tàu bay của công ty con Pacific Airlines và tiền phạt thu được.

Tương tự Vietnam Airlines, Vietjet cũng ghi nhận kết quả tích cực nhờ phục hồi mạnh mẽ đường các đường bay quốc tế. Theo đó, lợi nhuận sau thuế trong quý I của hãng bay này đạt 539 tỷ đồng, tăng gấp 3 lần mức thực hiện cùng kỳ năm 2023 nhờ vận tải hành khách quốc tế tăng trưởng mạnh, cùng với việc thực hiện hiệu quả các chương trình gia tăng doanh thu phụ trợ và tối ưu chi phí hoạt động.

Vietjet cho biết đã mở mới gần 15 đường bay quốc tế và quốc nội, nâng tổng số đường bay lên 140 đường bay, bao gồm 103 đường bay quốc tế và 37 đường bay quốc nội.

Không nằm ngoài xu hướng, “ông lớn” Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam (UPCoM: ACV) cũng thiết lập mức lợi nhuận kỷ lục mới trong quý I/2024. Thị trường hàng không quốc tế phục hồi, ACV thu về hơn 2.920 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế trong 3 tháng đầu năm, tăng 79% so với mức thực hiện cùng kỳ năm 2023.

Đây cũng là mức lợi nhuận cao nhất (theo quý) mà doanh nghiệp này từng ghi nhận trong lịch sử hoạt động.

Bên cạnh cảng hàng không và các hãng bay, các doanh nghiệp dịch vụ hàng không cũng hưởng lợi không nhỏ từ việc phục hồi các đường bay quốc tế. Công ty cổ phần Dịch vụ Hàng không Taseco (HoSE: AST) và Công ty cổ phần Dịch vụ Hàng không Sân bay Đà Nẵng (HNX: MAS) là 2 doanh nghiệp có mức tăng lợi nhuận tính bằng lần.

Theo đó, AST báo lãi sau thuế quý I tăng gấp gần 2,5 lần so với cùng kỳ, đạt 50 tỷ đồng nhờ gia tăng số lượng điểm kinh doanh đưa vào hoạt động, chuyển đổi mô hình kinh doanh một số quầy hàng để phát huy tối đa hiệu quả. Tương tự, MAS ghi nhận lãi sau thuế tăng gấp 9 lần trong quý I so với cùng kỳ năm 2023, đạt hơn 1,9 tỷ đồng nhờ sản lượng khách đi và đến các sân bay miền Trung tăng cao.

Các doanh nghiệp khác như Công ty cổ phần Dịch vụ Hàng không Sân bay Tân Sơn Nhất (UPCoM: SAS), Công ty Cổ phần Phục vụ Mặt đất Sài Gòn (HoSE: SGN), Công ty Cổ phần Suất ăn Hàng không Nội Bài (UPCoM: NCS) và Công ty Cổ phần Dịch vụ Hàng hóa Nội Bài (HoSE: NCT) đều đạt được mức tăng trưởng lợi nhuận 2 chữ số trong quý I so với cùng kỳ năm 2023.

Giai đoạn khó khăn đã đi qua

Theo Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam, ngành hàng không đã đi qua thời khó khăn và có nhiều động lực tăng trưởng trong thời gian tới như giá dầu ổn định, nhu cầu du lịch, vận chuyển hàng hoá hồi phục, tăng giá trần vé máy bay nội địa và triển vọng dài hạn nhờ sân bay quốc tế Long Thành.

Yuanta cho biết, lượng khách quốc tế đang duy trì đà hồi phục và xu hướng di chuyển bằng đường hàng không đang tăng cao. Trong quý I/2024, khách quốc tế đến Việt Nam tăng 72% so với cùng kỳ, đạt 4 triệu lượt người. Xu hướng du lịch bằng đường hàng không tăng hơn so với trước dịch khi tỷ lệ di chuyển bằng đường không ở mức 87-89% trong giai đoạn 2022-2023, cao hơn hẳn mức 80% năm 2019.

(Ảnh minh hoạ)

Lượng khách du lịch từ Trung Quốc kỳ vọng hồi phục về mức trước dịch vào cuối năm 2024. Từ đầu năm 2024 đến nay, lượng khách Trung Quốc tới Việt Nam đang tăng lên đáng kể, chiếm 19,2% trong quý I. Cùng với đó, Yuanta cho rằng chính sách thị thực mới có hiệu lực từ tháng 9/2023 tiếp tục là động lực thúc đẩy tăng trưởng du lịch trong năm 2024.

Trong nước, lượng khách du lịch nội địa tăng 9% so với cùng kỳ trong quý I và được kỳ vọng tiếp tục tăng mạnh trong quý II và quý III sắp tới trước khi hạ nhiệt vào dịp cuối năm nhờ nhu cầu du lịch vào mùa hè tăng cao.

Sản lượng hàng hoá vận chuyển qua đường hàng không cũng dự kiến hồi phục theo sự hồi phục chung của các nền kinh tế lớn.

Về tăng giá trần vé máy bay nội địa, Yuanta cho rằng chính sách này sẽ tạo điều kiện cho các hãng hàng không bù đắp các chi phí đầu vào đặc biệt là giá nhiên liệu. Điều này cũng giúp cho các hãng bay có dư địa điều chỉnh giá vé trên các đường bay nội địa. Tuy nhiên, các hàng không sẽ phải cân đối giá vé để bảo đảm hiệu quả hoạt động cũng như quyền lợi khách hàng. Yuanta dự báo giá vé vẫn sẽ tuân theo cơ chế thị trường.

Về triển vọng dài hạn khi sân bay quốc tế Long Thành đi vào hoạt động từ cuối năm 2026, Yuanta cho rằng các doanh nghiệp hàng không từ được hưởng lợi từ năm 2027.

Cổ phiếu “nổi sóng”

Khi bức tranh lợi nhuận ngành hàng không dần hiện lên những mảng sáng trong quý I, cổ phiếu của nhiều doanh nghiệp đã ghi nhận nhiều phiên tăng giá liên tiếp, thậm chí tăng trần.

Cổ phiếu ACV ghi nhận chuỗi tăng giá liên tiếp trong 7 phiên, từ mức 81.800 đồng/cổ phiếu (25/4) tăng lên mức 99.800 đồng/cổ phiếu (tương đương mức tăng 22%). Trong vòng 6 tháng, thị giá của ACV đã tăng trên 40%. Vốn hoá của doanh nghiệp cũng vượt mốc 200.000 tỷ đồng, lọt top 4 doanh nghiệp có vốn hoá lớn nhất trên sàn.

Cổ phiếu HVN của Vietnam Airlines cũng thiết lập các chuỗi tăng giá trong 4 phiên liên tiếp, với 2 phiên tăng trần trong thời gian gần đây. HVN đóng cửa phiên 9/5 ở mức giá 20.800 đồng/cổ phiếu, tăng 88% trong vòng 6 tháng.

Hoà chung niềm vui với ngành, VJC cũng đưa thị giá chạm đỉnh 1 năm sau ở mức giá 118.600 đồng/cổ phiếu trong phiên 7/5 sau khi loanh quanh ở mức vùng giá từ 101.000 – 106.000 đồng/cổ phiếu suốt mấy tháng qua.

Cổ phiếu của những doanh nghiệp dịch vụ hàng không cũng thiết lập những chuỗi tăng giá trong xu hướng tăng của ngành như AST, SAS, SGN.

Trong năm 2023, cổ phiếu ngành hàng không ghi nhận mức giảm 18%, kém tích cực hơn so với chỉ số VN-Index (tăng 12%) chủ yếu do cổ phiếu ACV có diễn biến kém tích cực ((ACV chiếm 58% vốn hóa của ngành). 

Giới phân tích cho rằng hạn chế của cổ phiếu ngành hàng không là tính thanh khoản thấp, nên ít hấp dẫn với nhà đầu tư. Ngay cả khi có thông tin về việc tăng trần vé máy bay nội địa từ 1/3/2024, diễn biến cổ phiếu cũng chưa ghi nhận diễn biến tích cực ngay lập tức.

Tuy nhiên, khi bức tranh về lợi ngành dần hé lộ, việc cổ phiếu ngành hàng không “dậy sóng” là một tín hiệu tích cực cho toàn ngành.

Báo động hàng không: Chỉ còn 170 máy bay, hãng bay không tìm thuê được

Báo động hàng không: Chỉ còn 170 máy bay, hãng bay không tìm thuê được

Thị trường
(VNF) - Tính đến ngày 2/5/2024, tổng số tàu bay của các hãng hàng không Việt Nam là 199 chiếc, trong đó số lượng tàu bay đang khai thác thực tế dao động từ 165-170 chiếc.
Cùng chuyên mục
Tin khác