Tài chính

Lợi nhuận quý III: Tăng đột biến ở 2 'ông lớn' dầu khí, phân hóa mạnh ở nhóm ngân hàng

(VNF) - Trong khi 2 "ông lớn" dầu khí là BSR và PLX có thể ghi nhận lợi nhuận quý III/2023 tăng trưởng hàng trăm phần trăm so với cùng kỳ năm ngoái thì 2 "ông lớn" ngành điện có thể thua lỗ.

Lợi nhuận quý III: Tăng đột biến ở 2 'ông lớn' dầu khí, phân hóa mạnh ở nhóm ngân hàng

Lợi nhuận quý III: Tăng đột biến ở 2 'ông lớn' dầu khí, phân hóa mạnh ở nhóm ngân hàng

Trong báo cáo ước tính kết quả kinh doanh quý III/2023 vừa công bố, Công ty Chứng khoán SSI cho biết trong 33 công ty thuộc danh sách theo dõi, có 19 công ty dự kiến tăng trưởng lợi nhuận dương và 14 công ty dự kiến sụt giảm lợi nhuận.

Gây ấn tượng hàng đầu trong số các công ty ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận dương là 2 "ông lớn" ngành dầu khí, đó là Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (UPCoM: BSR) và Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (HoSE: PLX). Theo ước tính của SSI, lợi nhuận ròng của BSR trong quý III/2023 ước đạt khoảng 3 nghìn tỷ đồng, tăng gấp đôi so với quý trước và tăng gấp 6 lần so với cùng kỳ nhờ sản lượng tiêu thụ tăng 8% so với cùng kỳ, giá dầu tăng cũng như chênh lệch giá crack trong quý gần đây.

Bên cạnh đó, SSI kỳ vọng lợi nhuận trước thuế của PLX có thể đạt 1,7 nghìn tỷ đồng trong quý III/2023 (tăng hơn 5 lần so với cùng kỳ và 60% so với quý trước) nhờ khả năng ghi nhận khoản thu nhập bất thường từ việc thoái vốn khỏi PG Bank (UPCoM: PGB), cũng như kết quả kinh doanh cốt lõi tăng lên nhờ sản lượng tiêu thụ ổn định và giá xăng dầu tăng trong tháng 7 và tháng 8/2023.

Cũng tăng đột biến là trường hợp của Tập đoàn Hòa Phát (HoSE: HPG). SSI ước tính HPG có thể đạt 2,1 nghìn tỷ đồng lợi nhuận ròng trong quý III/2023, tăng khoảng 60% so với quý trước và phục hồi đáng kể so với mức lỗ 1,8 nghìn tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái, nhờ sản lượng tiêu thụ tăng 11% so với quý trước và giá than giảm. Tuy nhiên, lợi nhuận trong quý IV/2023 của công ty có thể bị ảnh hưởng tiêu cực do nguyên liệu đầu vào tăng.

Cùng với đó là trường hợp của Tổng công ty Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí (HoSE: PVD), ước tính đạt lợi nhuận 155 tỷ đồng, đi ngang so với quý trước đó và cải thiện so với khoản lỗ 51% cùng kỳ năm ngoái.

Không ít doanh nghiệp dự kiến ghi nhận lợi nhuận tăng trên 50% trong quý III, có thể kể đến: Tổng công ty Viglacera (HoSE: VGC) tăng 83%, Tổng công ty Bưu chính Viettel (UPCoM: VTP) tăng 70%, Công ty Đường Quảng Ngãi (UPCoM: QNS) tăng 70%.

Nhiều ngân hàng cũng được SSI ước tính ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận dương, đều tăng hai chữ số. Cụ thể, SSI kỳ vọng Ngân hàng TMCP Á Châu (HoSE: ACB) sẽ ghi nhận lợi nhuận trước thuế khoảng 4,8 - 5 nghìn tỷ đồng (tăng 7% - 12% so với cùng kỳ) trong quý III/2023, với mức tăng trưởng tín dụng là 8,5% so với đầu năm. Cả năm 2023 ước đạt 20 nghìn tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong năm 2023 (tăng 17% so với năm 2022).

Với Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (HoSE: CTG), mặc dù tăng trưởng tín dụng vào cuối tháng 9 dự kiến sẽ ở mức khoảng 11-12% so với cùng kỳ (tăng 9-10% so với đầu năm) và NIM giảm so với cùng kỳ, SSI vẫn dự báo tăng trưởng lợi nhuận trước thuế trong quý III/2023 sẽ đạt 20-22% so với cùng kỳ do chi phí dự phòng giảm từ mức cao của cùng kỳ năm 2022.

Trong khi đó, SSI ước tính Ngân hàng TMCP Phát triển TP. HCM (HoSE: HDB) sẽ đạt 2,9 - 3,1 nghìn tỷ đồng lợi nhuận trước thuế (tăng 7 đến 14% so với cùng kỳ) trong quý III/2023 nhờ khoản lãi từ việc bán cổ phiếu VJC. Đà tăng trưởng huy động tiếp tục được duy trì trong quý III/2023 với mức tăng trưởng khoảng 50% so với đầu năm, trong khi tăng trưởng tín dụng là 11%-12% so với đầu năm.

Đối với Ngân hàng TMCP Quân đội (HoSE: MBB), tăng trưởng tín dụng mạnh (khoảng 14% so với đầu năm), NIM duy trì ổn định và chất lượng tài sản cải thiện nhẹ là những động lực chính giúp lợi nhuận quý III/2023 có thể đạt khoảng 7,3 - 7,5 nghìn tỷ đồng (tăng 16 - 19% so với cùng kỳ).

Mạnh mẽ nhất phải kể đến Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (HoSE: STB). SSI kỳ vọng lợi nhuận trước thuế sẽ đạt 2,4 - 2,5 nghìn tỷ đồng trong quý III/2023 (tăng 57% đến 63% so với cùng kỳ), nhờ tăng trưởng tín dụng đạt 8,5%. NIM đi ngang so với quý trước, trong khi tỷ lệ nợ xấu dự kiến đạt khoảng 2%.

Ngoài ra, Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (HoSE: VCB) được kỳ vọng lợi nhuận trước thuế trong quý III/2023 đạt khoảng 9 nghìn tỷ đồng (tăng 18% so với cùng kỳ và giảm 4% so với quý trước).

Lợi nhuận ngân hàng phân hóa mạnh

Mặc dù nhiều ngân hàng ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận hai chữ số nhưng ở chiều ngược lại, nhiều ngân hàng cũng được ước tính lợi nhuận sẽ giảm hai chữ số. Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (HoSE: BID) có thể lọt vào nhóm này. SSI ước tính lợi nhuận trước thuế của ngân hàng này sẽ giảm khoảng 10-12% so với cùng kỳ do gánh nặng trích lập dự phòng. 

Trong khi đó, Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (HoSE: MSB) ước đạt lợi nhuận trước thuế 1,3-1,4 nghìn tỷ đồng, giảm khoảng 6-13% so với cùn kỳ do NIM giảm. Tăng trưởng tín dụng dự kiến sẽ ở mức cao (15% - 16% so với đầu năm), trong khi tăng trưởng huy động chỉ ở mức khoảng 7%.

Với Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (HoSE: TCB), SSI cho rằng NIM của TCB tiếp tục gặp áp lực trong quý III/2023 do cơ chế linh hoạt lãi suất áp dụng với một số khách hàng. Trong khi đó, chi phí vốn chưa có nhiều cải thiện khi ngân hàng phải giảm tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn xuống dưới 30% kể từ ngày 1/10/2023. Tỷ lệ này của ngân hàng là 31,6% tại thời điểm cuối tháng 6 năm 2023. Theo đó, SSI dự báo lợi nhuận trước thuế của TCB đạt khoảng 5,7-5,9 nghìn tỷ đồng trong quý III/2023 (giảm 12-15% so với cùng kỳ).

Đối với Ngân hàng TMCP Tiên Phong (HoSE: TPB), lợi nhuận trước thuế quý III/2023 dự kiến đạt khoảng 1,45 đến 1,6 nghìn tỷ đồng (giảm 25-32% so với cùng kỳ) do mức nền lợi nhuận cao trong năm trước. 

Ngoài ra, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (HoSE: VPB) dù dự kiến đạt tốc độ tăng trưởng tín dụng tăng khá mạnh khoảng 18-20% so với đầu năm, lợi nhuận trước thuế dự kiến đạt 3,3 nghìn tỷ đồng (giảm 27% so với cùng kỳ). Tuy nhiên, so với quý trước thì mức lợi nhuận này tăng 38% do hoạt động kinh doanh của FE Credit có thể có cải thiện bắt đầu từ tháng 8 đến tháng 9/2023.

Bi đát hơn là 2 doanh nghiệp thuộc ngành điện. SSI ước tính quý III/2023, Công ty Điện lực Nhơn Trạch 2 (HoSE: NT2) sẽ lỗ khoảng 110-130 tỷ đồng do tiến hành đại tu (từ 7/9 đến tháng 10), mức độ hạn chế của công ty trong việc tham gia thị trường điện cạnh tranh (CGM) và NT2 gặp sự cố kỹ thuật ở tổ máy ST4 vào tháng 8, khiến tổ máy phải ngừng hoạt động trong 1 tuần.

Bên cạnh đó, Tổng công ty Điện lực Dầu khí (HoSE: POW) có thể lỗ 50 tỷ đồng trong quý III/2023, so với khoản lãi 224 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái.

Các doanh nghiệp khác ghi nhận lợi nhuận suy giảm, theo SSI, còn có: Công ty Thế giới số (HoSE: DGW) giảm 26%, Tập đoàn Hóa chất Đức Giang (HoSE: DGC) giảm 34%, Công ty Sợi Thế Kỷ (HoSE: STK) giảm 40%, Công ty Vận tải và Xếp dỡ Hải An (HoSE: HAH) giảm 50%.

Tin mới lên