Ngân hàng

Lợi nhuận Vietcombank năm 2020: Móng chắc, nhà cao

(VNF) - Nếu coi lợi nhuận là một công trình thì nhìn vào bên trong cấu phần lợi nhuận của Vietcombank, có thể thấy "công trình" này được hình thành từ nền móng rất chắc chắn. Trên nền móng chắc chắn ấy, Vietcombank có cơ hội xây "nhà cao" trong năm 2020 nhờ cả dư địa cũ lẫn yếu tố mới.

Lợi nhuận Vietcombank năm 2020: Móng chắc, nhà cao

Lợi nhuận Vietcombank năm 2020: Móng chắc, nhà cao

Cấu phần lợi nhuận tỷ USD của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) vừa được hé lộ trong báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2019.

Năm 2019, tổng thu nhập hoạt động của Vietcombank đạt 45.732 tỷ đồng, tăng trưởng 16,4% so với năm 2018.

Đi sâu hơn, mảng tín dụng - nguồn thu trụ cột của Vietcombank - tiếp tục ghi nhận tăng trưởng ổn định khi đem về 34.577 tỷ đồng thu nhập lãi thuần, tăng 21,7% so với năm 2018. Mức chênh giữa tăng trưởng thu nhập lãi và chi phí lãi là không nhiều (21,2% so với 20,7%), phần nào chịu ảnh hưởng bởi quyết định hạ trần LDR đối với các ngân hàng quốc doanh từ 90% xuống 85% cũng như các đợt cắt giảm lãi suất.

Nhớ lại, năm 2018, tăng trưởng thu nhập lãi của Vietcombank ở mức 21%, tuy nhiên tăng trưởng chi phí lãi lại chỉ tăng 13,4%. Mức chênh lớn này giúp thu nhập lãi thuần tăng tới 29,5%, góp phần tạo nên tăng trưởng lợi nhuận kỷ lục 61,1%.

Trở lại với năm 2019, các hoạt động phi tín dụng đem về tổng cộng 11.155 tỷ đồng lãi thuần cho Vietcombank, tăng vỏn vẹn 2,6% so với năm 2018. Mức tăng thấp này một phần bởi nền cao của năm 2018 do có nguồn thu lớn từ thoái vốn tại MB và Eximbank, một phần do khoản mục "hoạt động khác" (chủ yếu là thu nhập từ các khoản cho vay đã xử lý bằng dự phòng) ghi nhận lãi thuần giảm 5,1%.

Dù vậy, mảng dịch vụ - trụ cột trong các hoạt động phi tín dụng - vẫn tăng trưởng ổn định khi đem về 4.309 tỷ đồng lãi thuần, tăng trưởng 24,4%. Trong khi đó, mảng ngoại hối bất ngờ ghi nhận mức tăng ấn tượng 49%, đạt 3.378 tỷ đồng lãi thuần.

Nhờ tỷ lệ chi phí hoạt động trên tổng thu nhập hoạt động (CIR) không thay đổi đáng kể, nên tăng trưởng lợi nhuận thuần của Vietcombank ở mức tương đương tăng trưởng tổng thu nhập hoạt động, đạt mức tăng 16,5% trong năm qua, lên 29.913 tỷ đồng.

Sau khi trừ đi chi phí dự phòng, Vietcombank đạt lợi nhuận trước thuế 23.122 tỷ đồng trong năm 2019, tăng 26,6% so với năm 2018, trở thành ngân hàng Việt Nam đầu tiên vượt mốc 1 tỷ USD lợi nhuận.

Nếu coi lợi nhuận là một công trình thì nhìn vào bên trong cấu phần lợi nhuận của Vietcombank, có thể thấy "công trình" này được hình thành từ nền móng rất chắc chắn.

Trên nền móng chắc chắn ấy, Vietcombank có cơ hội xây "nhà cao" trong năm 2020 nhờ cả dư địa cũ lẫn yếu tố mới.

Trong bối cảnh mảng tín dụng nhiều khả năng sẽ tiếp tục giữ đà tăng trưởng năm 2020 tương tự mức tăng của năm 2019 do dư địa LDR hạn chế hơn và các ngân hàng quốc doanh như Vietcombank sẽ phải tiếp tục đi đầu trong việc hạ lãi suất thì ở mảng phi tín dụng, cụ thể là mảng dịch vụ, dự kiến sẽ ghi nhận tăng trưởng đột biến về lãi thuần nhờ thương vụ hợp tác bán bảo hiểm độc quyền với FWD Group.

Theo nguồn tin từ Bloomberg, Vietcombank có thể sẽ nhận một khoản trả trước từ FWD Group lên tới 400 triệu USD (tương đương khoảng 9.000 tỷ đồng). Báo cáo tài chính quý IV/2019 của ngân hàng này chưa cho thấy tín hiệu ghi nhận khoản trả trước này hoặc nếu có thì mới chỉ ghi nhận rất ít.

Nguồn tiền khổng lồ này chính là "yếu tố mới" giúp thúc đẩy mạnh mẽ lợi nhuận năm 2020 của Vietcombank.

Ngoài ra, các khoản phí bảo hiểm ghi nhận đều đặn cũng sẽ giúp lãi thuần từ dịch vụ của ngân hàng này tăng mạnh trong năm nay, tạo nên nền lãi thuần cao hơn đáng kể các năm trước đó.

Bên cạnh yếu tố mới, dư địa cũ đến từ trích lập dự phòng cũng có thể trở thành động lực cho tăng trưởng lợi nhuận năm 2020 của Vietcombank.

Suốt từ năm 2013 đến nay, tỷ lệ nợ xấu của Vietcombank đã liên tục giảm, chốt năm 2019 chỉ còn 0,78%. Đáng chú ý, tỷ lệ bao phủ nợ xấu đã tăng lên mức 182%, cho thấy áp lực trích lập dự phòng hiện rất ít.

Thực tế thì đầu năm 2019, tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng này cũng ở mức thấp (0,98%) và tỷ lệ bao phủ nợ xấu cao (165%) nhưng Vietcombank vẫn tiếp tục mạnh tay trích lập dự phòng với tỷ lệ 22,7% lợi nhuận thuần và quyết liệt dùng dự phòng xóa nợ xấu. Điều này hàm ý rằng lãnh đạo Vietcombank vẫn đang "để dành" dư địa giảm trích lập dự phòng để điều tiết lợi nhuận các năm tới.

Tựu trung, với dư địa cũ lẫn yếu tố mới, cùng nền móng tăng trưởng chắc chắn, lợi nhuận năm 2020 của Vietcombank dự kiến sẽ tiếp tục ở mức cao vượt hẳn so với các ngân hàng còn lại, với tăng trưởng lợi nhuận nhiều khả năng sẽ cao hơn đáng kể mức 26,6% của năm 2019 - dù đây đã là mức cao trong top đầu các ngân hàng thương mại Việt Nam.

Tin mới lên