Tiêu điểm

'Luật Báo chí cần tạo điều kiện để phát triển kinh tế báo chí'

(VNF) - Theo các chuyên gia và lãnh đạo các cơ quan báo chí, Luật Báo chí chưa có những quy định chặt chẽ về kinh tế báo và vai trò của báo chí trong việc làm kinh tế.

'Luật Báo chí cần tạo điều kiện để phát triển kinh tế báo chí'

Luật Báo chí 2016 đã có những quy định cụ thể, tạo hành lang pháp lý cho việc phát triển kinh tế báo, cụ thể tại Điều 21 “Loại hình hoạt động và nguồn thu của cơ quan báo chí”; Điều 37 “Liên kết trong hoạt động báo chí”. Tuy nhiên, các quy định này vẫn chưa đầy đủ, chưa cụ thể, dẫn đến việc các cơ quan báo chí lúng túng trong hoạt động.

Cụ thể, khoản 1, Điều 21 Luật Báo chí 2016 quy định: “Cơ quan báo chí hoạt động theo loại hình đơn vị sự nghiệp có thu. Tạp chí khoa học hoạt động phù hợp với loại hình của cơ quan chủ quản”. Đơn vị sự nghiệp có thu là một loại đơn vị sự nghiệp công lập có nguồn thu sự nghiệp, được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thành lập và là đơn vị dự toán độc lập, có con dấu và tài khoản riêng, tổ chức của bộ máy kế toán thực hiện theo quy định của của Luật Kế toán. Tuy nhiên, do được định danh là đơn vị sự nghiệp nên các cơ quan báo chí phải thực hiện đúng các quy định về kinh tế, tài chính như các đơn vị sự nghiệp khác, đơn cử như mức thuế thu nhập doanh nghiệp 10% - 20%, trong khi vẫn phải thực hiện chức năng thông tin tuyên truyền theo nhiệm vụ chính trị.

Các tạp chí của các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, viện nghiên cứu (không thuộc cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội) không phải là đơn vị sự nghiệp công lập. Tuy nhiên, Luật Báo chí chưa quy định loại hình của các tạp chí khoa học, mà chỉ quy định chung chung “hoạt động phù hợp với loại hình của cơ quan chủ quản”, dẫn đến khó khăn cho các tạp chí trong việc phát triển kinh tế.

Vấn đề phân định rõ ràng loại hình đơn vị sự nghiệp có thu của các cơ quan báo chí với loại hình (có thể coi là doanh nghiệp) đối với các tạp chí có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Nếu coi các tạp chí là doanh nghiệp thì các tạp chí sẽ thực hiện theo các quy định của pháp luật kinh tế, và có thể, sẽ có những mâu thuẫn đối với quy định của Luật Báo chí. Bên cạnh đó, việc coi các tạp chí là doanh nghiệp sẽ dẫn tới việc khó kiểm soát, chỉ đạo nội dung tuyên truyền. Tuy nhiên, nếu không phải là doanh nghiệp thì các tạp chí hoạt động theo mô hình gì? Đây là vấn đế tối quan trọng trong việc chấn chỉnh tình trạng “báo hóa” tạp chí, “báo hóa” trang thông tin điện tử tổng hợp, “báo hóa” mạng xã hội của báo chí nói chung trong thời gian qua.

Khoản 2, Điều 21 Luật Báo chí 2016 quy định: Nguồn thu của cơ quan báo chí gồm: nguồn thu do cơ quan chủ quản báo chí cấp; thu từ bán báo, bán quyền xem các sản phẩm báo chí, quảng cáo, trao đổi, mua bán bản quyền nội dung; thu từ hoạt động kinh doanh, dịch vụ của cơ quan báo chí, các đơn vị trực thuộc cơ quan báo chí; nguồn thu từ tài trợ hợp pháp của tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước. Tuy nhiên, đã 7 năm trôi qua kể từ khi Luật Báo chí ra đời, chưa có văn bản nào giải thích và hướng dẫn thực hiện các quy định này, đặc biệt là các quy định về hoạt động kinh doanh, dịch vụ của các cơ quan báo chí và các đơn vị trực thuộc. Điều 37 Luật Báo chí 2016 mới chỉ quy định về liên kết trong hoạt động báo chí, chưa hề có quy định về hoạt động kinh doanh, dịch vụ của các cơ quan báo chí.

Nói về liên kết, xã hội hóa, việc này trong hoạt động báo chí nói chung và hoạt động phát thanh nói riêng nhằm huy động các nguồn từ các tổ chức, đơn vị bên ngoài tham gia vào quá trình sản xuất các sản phẩm báo chí, giúp cho các cơ quan báo chí trung ương và địa phương giảm tải nguồn kinh phí, tăng thêm nguồn lực cả vật chất, phương tiện và nhân lực trong quá trình sản xuất. Đây là điều rất cần thiết và đã giúp cho các cơ quan báo chí có thêm nguồn lực để tăng năng lực sản xuất và có những sản phẩm báo chí đạt chất lượng.

Khoản 1 Điều 37 “Liên kết trong hoạt động báo chí” quy định: “Cơ quan báo chí được phép liên kết trong hoạt động báo chí với cơ quan báo chí khác, pháp nhân, cá nhân có đăng ký kinh doanh phù hợp với lĩnh vực liên kết theo quy định của pháp luật”. Xét thấy, nếu chỉ được phép liên kết với pháp nhân, cá nhân có đăng ký kinh doanh thì điều này giới hạn phạm vi liên kết của cơ quan báo chí, đặc biệt trong lĩnh vực quảng cáo, sản xuất chương trình, sản xuất sản phẩm báo chí như quy định tại điểm b, c, d và đ, khoản 1 điều này.

Đối với khoản 2, Điều 37 quy định các lĩnh vực được phép liên kết, điểm a mới có quy định về thiết kế, trình bày, in, quảng cáo, phát hành báo chí, chưa có những quy định liên kết trong các công đoạn sản xuất của phát thanh, truyền hình. Đây là điều gây khó khăn cho việc phát triển của báo nói, báo hình.

Các quy định tại khoản 3, 4, 5, 6 Điều 37 Luật Báo chí năm 2016 về liên kết trong hoạt động báo chí quy định trách nhiệm của cơ quan báo chí trong việc liên kết còn chung chung, chưa quy định cụ thể về hình thức (hợp đồng liên doanh hay hợp tác kinh doanh...), chưa có quy định cụ thể về trình tự, thủ tục cũng như hành lang pháp lý cần thuân thủ khi tiến hành liên kết; chưa có quy định cụ thể về những điều kiện, năng lực và những cam kết cần phải có của đối tác liên kết nên dẫn đến hiện tượng doanh nghiệp ép báo chí sản xuất theo nội dung của mình hoặc can thiệp quá sâu vào công đoạn sản xuất, thậm chí là cả ở khâu kiểm duyệt… Khi có những quy định rõ, cụ thể thì sẽ đảm bảo tính khách quan và định hướng trong sản xuất báo chí khi có liên kết.

Một vấn đề nữa liên quan đến kinh tế báo chí, đó là việc đặt hàng sản xuất. Luật Báo chí làm rõ hơn chính sách hỗ trợ, đặt hàng của nhà nước đối với các cơ quan báo chí phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin thiết yếu, ưu tiên hỗ trợ đối với cơ quan báo chí chủ lực, cơ quan báo chí có ảnh hưởng lớn, hoạt động có hiệu quả cao, góp phần xây dựng tổ hợp truyền thông mạnh, có sức lan tỏa và ảnh hưởng rộng rãi trong xã hội, các cơ quan báo chí phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin thiết yếu.

Việc đặt hàng cần được quy định rõ trong luật và các bộ, ngành sớm xây dựng cơ chế, quy định mức kinh phí hỗ trợ, đặt hàng các cơ quan báo chí tham gia truyền thông chính sách như: các chính sách mới, chương trình mục tiêu quốc gia, công tác phòng chống thiên tai, dịch bệnh... Từ đó các cơ quan báo chí có cơ sở xây dựng các đề án tuyên truyền phù hợp, hiệu quả.

Luật Báo chí là cơ sở quan trọng để các cơ quan báo chí và nhà báo hoạt động. Với vấn đề mới và quan trọng như kinh tế báo chí rất cần quy định cụ thể, nếu được có thể quy định thành một chương trong luật. Chỉ khi có những quy định cụ thể thì các cơ quan báo chí mới phát huy được vai trò làm kinh tế của mình và làm kinh tế báo một cách lành mạnh góp phần tạo môi trường báo chí xanh như chúng ta mong muốn.

Tin mới lên