Tiêu điểm

Luật Đất đai sửa đổi: 'Hoàn thiện theo tinh thần kỹ lưỡng nhất, không chạy theo tiến độ'

(VNF) - Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đang chỉ đạo khẩn trương hoàn thiện dự thảo Luật theo tinh thần kỹ lưỡng nhất, không chạy theo tiến độ mà phải bảo đảm cao nhất về chất lượng để trình Quốc hội.

Luật Đất đai sửa đổi: 'Hoàn thiện theo tinh thần kỹ lưỡng nhất, không chạy theo tiến độ'

Ảnh: Minh Tú

Trước thềm kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khoá XV, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hải Phòng đã tiếp xúc cử tri quận Đồ Sơn.

Liên quan tới dự án Luật Đất đai (sửa đổi), cử tri quận Đồ Sơn bày tỏ quan tâm đến vấn đề giá đất được xác định theo nguyên tắc thị trường và thu hồi đất; đề nghị Quốc hội nghiên cứu, tiếp thu và ban hành Luật đáp ứng nguyện vọng của nhân dân. Cử tri cũng đề nghị sau khi Quốc hội thông qua, Chính phủ cần khẩn trương ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành, đảm bảo ngắn gọn, dễ nhớ, dễ hiểu, dễ thực hiện.

Trong đó, cần khắc phục một số tồn tại, vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện thu hồi đất giải phóng mặt bằng để xây dựng cơ sở hạ tầng và các công trình khác hiện nay, dẫn đến tình trạng hệ thống thủy lợi phục vụ nông nghiệp cũ bị phá vỡ, ảnh hưởng tới sản xuất nông nghiệp tại các khu vực nông nghiệp lân cận.

Trong chính sách thu hồi đất giải phóng mặt bằng, ngoài việc bồi thường phần đất bị thu hồi thì cần có nguồn kinh phí để khôi phục hạ tầng về thủy lợi, giao thông nội đồng cho vùng sản xuất bị ảnh hưởng, chia cắt do giải phóng mặt bằng.

Tiếp thu các ý kiến của cử tri về dự án Luật Đất đai (sửa đổi), công tác quản lý đất đai, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh đây là dự án luật có phạm vi điều chỉnh rộng, nhiều nội dung chính sách phức tạp, tác động sâu rộng đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng, đối nội, đối ngoại, nhất là tác động trực tiếp đến quyền, lợi ích của người dân và của doanh nghiệp, thu hút sự quan tâm đông đảo của các tầng lớp nhân dân trong nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài và các tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam, đòi hỏi phải đầu tư nhiều thời gian, công sức và trí tuệ tập thể.

Theo chương trình, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua dự thảo Luật này theo quy trình tại 3 kỳ họp. Tuy nhiên, hiện nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội vẫn đang quyết liệt chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra, các cơ quan liên quan phối hợp chặt chẽ, khẩn trương hoàn thiện dự thảo Luật theo tinh thần kỹ lưỡng nhất, không chạy theo tiến độ mà phải bảo đảm cao nhất chất lượng dự thảo Luật trình Quốc hội xem xét, thông qua.

Tin mới lên