Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi): Tiết giảm chi phí, đột phá hiệu quả

Lê Ngà - 30/05/2023 08:52 (GMT+7)

(VNF) - Ông Đậu Anh Tuấn, Phó tổng thư ký, Trưởng Ban Pháp chế (VCCI), nhận định việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) sẽ giúp tiết kiệm cho xã hội nhiều chi phí hơn so với giao dịch truyền thống trong khi tạo ra những đột phá mang lại hiệu quả lớn.

VNF

- Luật Giao dịch điện tử năm 2005 được đánh giá là có những bất cập, hạn chế, không phù hợp với thực tiễn, ông có thể phân tích chi tiết?

Ông Đậu Anh Tuấn: Luật Giao dịch điện tử được ban hành từ năm 2005 đã tạo hành lang pháp lý cho giao dịch điện tử trong hoạt động của các cơ quan nhà nước, hoạt động dân sự, kinh doanh, thương mại… Tuy nhiên, luật này đã tồn tại 17 năm, đứng trước nhu cầu phát triển của nền kinh tế cũng như sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ, nên đã bộc lộ những bất cập, hạn chế. Thứ nhất, phạm vi điều chỉnh tương đối hẹp. Luật Giao dịch điện tử 2005 không áp dụng với các lĩnh vực tư pháp, đất đai, xây dựng, tài chính. Việc loại trừ này không còn phù hợp với thực tiễn ứng dụng và phát triển giao dịch điện tử hiện nay, gây cản trở ứng dụng công nghệ trong triển khai các dịch vụ công trực tuyến và các giao dịch điện tử trong lĩnh vực trên.

Thứ hai, các quy định về giá trị pháp lý và độ tin cậy cho một số yếu tố quan trọng trong giao dịch điện tử như thông điệp dữ liệu, chữ ký điện tử, hợp đồng điện tử, tài khoản giao dịch điện tử, hệ thống thông tin phục vụ giao dịch điện tử… chưa được quy định cụ thể và rõ ràng tại Luật Giao dịch điện tử 2005, gây khó khăn cho việc áp dụng. Thứ ba, Luật Giao dịch điện tử 2005 chưa có quy định về giá trị pháp lý của việc chuyển đổi từ bản giấy sang bản điện tử và ngược lại. Việc này có thể dẫn đến các vướng mắc liên quan đến thực hiện thủ tục hành chính, thực hiện giao dịch trên môi trường điện tử với các tài liệu giấy.

Đồng thời, các tổ chức, doanh nghiệp cũng e dè trong việc phát hành các văn bản, chứng chỉ điện tử (chẳng hạn, bằng đại học, chứng chỉ điện tử) vì giá trị chứng minh của bản điện tử chưa rõ ràng. Thứ tư, các cơ quan nhà nước hiện nay đang nắm giữ một lượng dữ liệu khổng lồ, tuy nhiên chưa có văn bản cấp luật điều chỉnh vấn đề này, dẫn đến các dữ liệu bị phân mảnh giữa các bộ ngành, không đồng bộ, thiếu cập nhật. Việc này gây ra sự phức tạp, khó khăn cho người dân, doanh nghiệp khi làm thủ tục hành chính.

- Qua những lần lấy ý kiến cho dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), theo ông, đâu là những nội dung trọng tâm cần được sửa chữa, bổ sung, hoàn thiện?

Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) đã bổ sung nhiều nội dung quan trọng. Các nội dung này liên tục được chỉnh lý. Tuy vậy, một số nội dung vẫn cần hoàn thiện thêm, chẳng hạn công nhận hình thức chuyển đổi đơn giản từ văn bản giấy sang bản điện tử. Thực tế hiện nay, người dân, doanh nghiệp khi thực hiện thủ tục hành chính có thể nộp cho cơ quan nhà nước bản sao (“scan”) và kèm theo bản chính để đối chiếu sau đó. Tuy nhiên, dự thảo chưa có quy định rõ ràng về vấn đề này.

Tiếp đó là ở công nghệ sử dụng khi chuyển đổi từ bản điện tử sang văn bản giấy, dự thảo yêu cầu phải có chữ ký, con dấu (nếu có) của cá nhân, tổ chức ở văn bản giấy được chuyển từ bản điện tử. Thực tế, các tổ chức, doanh nghiệp cũng có thể sử dụng các phương thức khác, chẳng hạn như hệ thống thông tin xác thực. Đối với trường hợp sử dụng chữ ký điện tử nước ngoài, dự thảo luật vẫn tương đối hạn chế các trường hợp được sử dụng chữ ký điện tử nước ngoài, chẳng hạn yêu cầu chỉ được sử dụng chữ ký nước ngoài khi chữ ký điện tử của doanh nghiệp cung cấp trong nước không được cung cấp ở quốc gia đó. Việc này có thể sẽ tạo thêm rào cản với các giao dịch xuyên biên giới và gia tăng chi phí cho doanh nghiệp.

- Như vậy, dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) đã giải quyết được cơ bản những vướng mắc tồn tại lâu nay?

Luật Giao dịch điện tử đã được lấy ý kiến nhiều lần, với nhiều đối tượng liên quan. Dự thảo luật cũng đã mở rộng phạm vi áp dụng của hoạt động giao dịch điện tử tới tất cả hoạt động của đời sống xã hội. Theo đó, luật không loại trừ việc áp dụng giao dịch điện tử, từ đó tạo một khung pháp luật thống nhất về hoạt động giao dịch điện tử trong các lĩnh vực. Dù vậy, luật cũng không quy định bắt buộc tất cả lĩnh vực phải điện tử hóa mà cho phép luật chuyên ngành quy định. Lý do là một số giao dịch có tính đặc thù, có thể vẫn bắt buộc các bên trong giao dịch trực tiếp thực hiện thủ tục (có thể ví dụ như thủ tục đăng ký kết hôn).

Dự thảo luật đã bổ sung quy định về sử dụng, công nhận chữ ký điện tử nước ngoài. Quy định này sẽ giảm chi phí giao dịch xuyên biên giới cho tổ chức, cá nhân; thúc đẩy hoạt động giao dịch điện tử xuyên biên giới. Ngoài ra, dự thảo luật cũng bổ sung một loại hình dịch vụ mới là dịch vụ tin cậy. Trong giao dịch điện tử, các bên trong giao dịch không trực tiếp gặp mặt, không thực sự “biết” người giao dịch cùng mình là ai. Do đó, tạo dựng niềm tin chính là vấn đề quan trọng nhất trong giao dịch điện tử. Các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ tin cậy là một nhân tố tạo niềm tin giữa các bên trong giao dịch, từ đó tháo gỡ rào cản, thúc đẩy người dân, doanh nghiệp tự tin giao dịch trên môi trường điện tử.

Dự thảo luật cũng bổ sung quy định về giá trị pháp lý của việc chuyển đổi giữa bản giấy và bản điện tử, quy định về chứng thư điện tử. Do đó, quy định này được coi là một bước đột phá lớn để thúc đẩy các hoạt động giao dịch điện tử khi việc giao dịch có thể thực hiện hoàn toàn, từ đầu đến cuối bằng phương tiện điện tử. Cuối cùng, dự thảo luật đã bổ sung quy định về cơ sở dữ liệu, việc chia sẻ, kết nối dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước. Nếu quy định này triển khai thành công, việc thực hiện thủ tục hành chính của người dân, doanh nghiệp sẽ đơn giản hơn nhiều. Chẳng hạn, người dân không cần phải mang chứng minh thư nhân dân/căn cước công dân, thẻ bảo hiểm y tế hay bằng lái xe đi thực hiện thủ tục hành chính nữa, mà tất cả có thể tích hợp trên cùng một tấm thẻ (hoặc tích hợp trên điện thoại).

Ông Đậu Anh Tuấn, Phó tổng thư ký, Trưởng Ban Pháp chế (VCCI)

- Ông đánh giá như thế nào về những tác động của Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) khi được thực thi?

Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) sẽ có tác động rất lớn đến hoạt động trên môi trường điện tử của cơ quan nhà nước, người dân và doanh nghiệp. Các quy trình thực hiện giao dịch điện tử được luật hóa một cách rõ ràng sẽ đảm bảo giá trị pháp lý cho giao dịch điện tử. Bằng cách đó, luật sẽ tạo một hành lang pháp lý hoàn thiện, đầy đủ, thuận lợi cho việc chuyển đổi các hoạt động từ môi trường thực sang môi trường số trong tất cả các ngành, lĩnh vực. Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) sẽ hỗ trợ tích cực công cuộc chuyển đổi số quốc gia, hỗ trợ Việt Nam chủ động, tích cực tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

- Ngoài các tác động nêu trên, một cách trực tiếp nhất là Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) sẽ giúp tiết kiệm cho xã hội nhiều chi phí so với giao dịch truyền thống?

Đúng vậy. Dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) sẽ tạo ra một khung pháp luật thống nhất về hoạt động giao dịch điện tử để thực hiện chuyển đổi giao dịch từ môi trường thực sang môi trường số. Tôi cho rằng việc này sẽ tiết kiệm rất nhiều chi phí giao dịch, chẳng hạn các bên trong giao dịch không cần gặp mặt trực tiếp để thực hiện giao dịch.

Ví dụ, các giao dịch bất động sản, tài chính liên quan đến nhiều chủ thể khác nhau, thậm chí là các bên thứ ba như công chứng, luật sư… thì giao dịch điện tử có thể giúp các bên không cần phải mất thời gian hẹn gặp, chờ đợi đối phương mà có thể thực hiện giao dịch bất cứ lúc nào và gửi cho đối tác phê duyệt. Thời gian giao dịch là rất nhanh chóng bởi các bên có thể thực hiện giao dịch ở bất cứ đâu với một vài thao tác đơn giản trên thiết bị điện tử. Chi phí sử dụng chữ ký số hiện nay cũng tương đối rẻ, với nhiều nhà cung cấp khác nhau.

- Có một lo ngại là khi Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) mở rộng phạm vi điều chỉnh đến gần như tất cả lĩnh vực của đời sống thì làm thế nào để đảm bảo được an toàn thông tin cá nhân?

Khi chuyển đổi giao dịch từ môi trường thực sang môi trường điện tử, vấn đề đảm bảo an toàn thông tin cá nhân luôn được các bên hết sức quan tâm. Chính sách và pháp luật cũng đã có nhiều quy định điều chỉnh vấn đề này. Cụ thể, Chính phủ đã ban hành Nghị định 13/2023/NĐ-CP về bảo vệ dữ liệu cá nhân. Nghị định được coi là khung khổ pháp lý toàn diện, cụ thể về vấn đề này; trong đó quy định về trách nhiệm của các tổ chức thu thập, phân tích, xử lý dữ liệu cá nhân cũng như quyền của cá nhân với dữ liệu của mình. Các quy định này sẽ đảm bảo các doanh nghiệp không thể tuỳ ý thu thập, bán hoặc trao đổi dữ liệu cá nhân của người dùng khi chưa được phép của họ.

Bên cạnh đó, Luật An toàn thông tin mạng, Luật An ninh mạng cũng quy định về đảm bảo an toàn thông tin mạng, an ninh mạng trong giao dịch điện tử. Ngoài ra, công nghệ tại thời điểm hiện tại đã sẵn sàng, chữ ký số khó giả mạo hơn chữ ký tay, nhận dạng khuôn mặt bằng máy chính xác hơn nhận dạng khuôn mặt bằng mắt thường. Do đó, an toàn thông tin cá nhân sẽ được đảm bảo an toàn hơn.

- Dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) sẽ tiếp tục được Quốc hội thảo luận, xem xét thông qua tại kỳ họp tới. Để luật đi vào cuộc sống đạt hiệu quả cao, theo ông, các tổ chức, doanh nghiệp và người dân cần chuẩn bị những gì?

Luật Giao dịch điện tử cung cấp nhiều lựa chọn về công nghệ thực hiện giao dịch cho tổ chức, người dân. Tuy nhiên, khi có nhiều sự lựa chọn, người dân, doanh nghiệp cũng có thể bối rối, khó khăn khi lựa chọn. Vì vậy, việc quan trọng cần làm là người dân, doanh nghiệp cần có sự hiểu biết nhất định về công nghệ được sử dụng giao dịch điện tử.

Theo đó, người dân, doanh nghiệp cần biết công nghệ được sử dụng là gì, mức độ an toàn của công nghệ này đến đâu và chi phí sử dụng của công nghệ này là bao nhiêu. Mỗi công nghệ đều có một chi phí khác nhau, giá cả cũng khác nhau. Chẳng hạn, công nghệ sinh trắc học (vân tay, mống mắt) có cách sử dụng đơn giản, gần như không mất chi phí, tuy nhiên mức độ an toàn cũng có giới hạn. Chữ ký số sẽ mất chi phí nhất định, nhưng lại có mức độ an toàn cao nhất và được công nhận tự động giá trị pháp lý.

Việc hiểu rõ về công nghệ và giá trị pháp lý của nó sẽ giúp người dân, doanh nghiệp có sự lựa chọn phù hợp khi thực hiện giao dịch. Ví dụ, khi thực hiện các giao dịch quan trọng hoặc lần đầu tiên giao dịch với đối tác, người dân, doanh nghiệp nên thận trọng, cân nhắc sử dụng chữ ký số để đảm bảo an toàn trong giao dịch. Tuy nhiên, với các giao dịch có giá trị bình thường và thường xuyên thực hiện, doanh nghiệp, người dân có thể xem xét sử dụng các công nghệ đơn giản hơn, như mã khóa dùng một lần (OTP) hoặc sinh trắc học.

Một điểm khác mà người dân, doanh nghiệp cần lưu ý là nâng cao hiểu biết về cách thức bảo mật của công nghệ và nâng cao ý thức tự bảo vệ mình, từ đó tránh để lọt các thông tin nhạy cảm về mã khóa như OTP vào tay kẻ xấu. Việc này sẽ tránh các vụ việc lừa đảo, chiếm đoạt tài sản như đã xảy ra thời gian qua.

Ý kiến (0)
Cùng chuyên mục
Cổ phần hoá vẫn ì ạch, 85 DN chờ phê duyệt phương án cổ phần hoá

Cổ phần hoá vẫn ì ạch, 85 DN chờ phê duyệt phương án cổ phần hoá

(VNF) - Tính đến tháng 4/2024, 85 doanh nghiệp đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt Đề án cơ cấu lại doanh nghiệp. Tuy nhiên, chưa có doanh nghiệp nào được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa.

Long An: Khu đô thị 9.200 tỷ tìm nhà đầu tư

Long An: Khu đô thị 9.200 tỷ tìm nhà đầu tư

(VNF) - Dự án khu đô thị Bình An Đức Hòa được thực hiện tại xã Đức Hòa Hạ, huyện Đức Hoà, tỉnh Long An. Dự án có tổng vốn đầu tư hơn 9.292 tỷ đồng.

Giá vé máy bay 'neo' cao: Bộ GTVT ra chỉ đạo nóng

Giá vé máy bay 'neo' cao: Bộ GTVT ra chỉ đạo nóng

(VNF) - Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) yêu cầu Cục Hàng không kiểm tra ngay công tác bán vé, thực hiện kê khai, niêm yết giá, công khai, minh bạch thông tin về giá vé của các hãng hàng không.

Vietcombank tiếp tục là ngân hàng sáng tạo và kinh doanh hiệu quả

Vietcombank tiếp tục là ngân hàng sáng tạo và kinh doanh hiệu quả

(VNF) - Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) tiếp tục được đánh giá là ngân hàng sáng tạo và kinh doanh hiệu quả nhất Việt Nam năm 2024, ghi nhận năm thứ hai liên tiếp Vietcombank dẫn đầu ngành ngân hàng.

Tổng giám đốc Samsung: ‘DN công nghệ cao toàn thế giới cạnh tranh, tìm cơ hội đầu tư vào Việt Nam’

Tổng giám đốc Samsung: ‘DN công nghệ cao toàn thế giới cạnh tranh, tìm cơ hội đầu tư vào Việt Nam’

(VNF) - "Việt Nam đang ngày càng chứng tỏ tầm quan trọng của mình trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Các doanh nghiệp công nghệ cao trên toàn thế giới đang cạnh tranh tìm kiếm cơ hội đầu tư vào Việt Nam, do đó nhu cầu về nhân tài công nghệ cao cũng gia tăng đột biến".

Nhờ ‘game’ hợp nhất, CII lãi 323 tỷ trong quý I, bằng 60% kế hoạch năm

Nhờ ‘game’ hợp nhất, CII lãi 323 tỷ trong quý I, bằng 60% kế hoạch năm

(VNF) - Công ty Cổ phần Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP. HCM (HoSE: CII) ghi nhận khoản lãi sau thuế lên tới 323 tỷ đồng trong quý I/2024, hoàn thành 60% kế hoạch năm dự kiến. Tuy nhiên, kết quả này không đến từ hoạt động kinh doanh chính mà tới từ hoạt động hợp nhất Năm Bảy Bảy vào CII.

Kiến nghị bắt buộc thanh toán không dùng tiền mặt khi mua bán vàng

Kiến nghị bắt buộc thanh toán không dùng tiền mặt khi mua bán vàng

(VNF) - Tổng cục Thuế kiến nghị Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu quy định bắt buộc thanh toán không dùng tiền mặt đối với các giao dịch kinh doanh vàng, đồng thời xử lý các cơ sở kinh doanh vàng không xuất hóa đơn điện tử kịp thời cho người mua.

AstraZeneca thừa nhận vaccine Covid có thể gây đông máu, Bộ Y tế nói gì?

AstraZeneca thừa nhận vaccine Covid có thể gây đông máu, Bộ Y tế nói gì?

(VNF) - Công ty dược phẩm nổi danh AstraZeneca gần đây đã khiến thế giới hoang mang khi lần đầu thừa nhận vaccine Covid-19 của mình có thể gây ra tác dụng phụ hiếm gặp là bệnh huyết khối kèm theo hội chứng giảm tiểu cầu (TTS).

Kiên quyết không 'cứu' dự án BOT thua lỗ do lỗi của doanh nghiệp

Kiên quyết không 'cứu' dự án BOT thua lỗ do lỗi của doanh nghiệp

(VNF) - Nội dung này được Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh trong thông báo kết luận về giải pháp xử lý khó khăn, vướng mắc tại một số dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức hợp đồng BOT.

Doanh số bán iPhone giảm ở hầu hết các thị trường, đặc biệt là Trung Quốc

Doanh số bán iPhone giảm ở hầu hết các thị trường, đặc biệt là Trung Quốc

(VNF) - Theo kết quả kinh doanh mới nhất vừa được Apple công bố, doanh số bán iPhone đã giảm ở hầu hết các thị trường trên toàn cầu.

Toàn cảnh tuyến cao tốc nghìn tỷ được ví là 'đường tránh' quốc lộ

Toàn cảnh tuyến cao tốc nghìn tỷ được ví là 'đường tránh' quốc lộ

(VNF) - Nằm trên trục cao tốc Bắc - Nam phía đông, tuyến cao tốc Cam Lộ - Hòa Liên có chiều dài 163km, trong đó, đoạn Cam Lộ - La Sơn dài khoảng 98,3km và đoạn La Sơn - Hoà Liên dài khoảng 64,9km.