Tiêu điểm

Lương tăng, điện cũng muốn lên giá... gây áp lực cho lạm phát 2024

(VNF) - Bà Nguyễn Thu Oanh - Vụ trưởng Vụ Thống kê giá, Tổng cục Thống kê cho rằng, nếu không có gì đột biến, lạm phát năm nay được kiểm soát dưới ngưỡng Quốc hội cho phép, nhưng vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Lương tăng, điện cũng muốn lên giá... gây áp lực cho lạm phát 2024

Còn nhiều rủi ro trong kiểm soát lạm phát.

Dự báo lạm phát dưới ngưỡng cho phép

Theo dự báo của nhiều chuyên gia, lạm phát năm nay chỉ khoảng 3,2-3,5%, tức dưới mục tiêu Quốc hội đề ra và bà Oanh cho rằng, việc đưa ra dự báo khá lạc quan như vậy là có cơ sở và thực tế cho thấy đà lạm phát đang giảm dần.

Quay trở lại một năm trước đây, cũng vào dịp Tết Nguyên đán, hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu gặp rất nhiều khó khăn. Tháng 1/2023, CPI tăng tới 4,89%, đến tháng 2/2023, CPI tăng 4,31% so với cùng kỳ và bình quân 2 tháng tăng 4,6%. Kết thúc quý I/2023, CPI tăng 4,18%. Áp lực kiểm soát lạm phát 3 tháng đầu năm 2023 rất lớn, nhưng bằng nhiều giải pháp hữu hiệu, Chính phủ đã nỗ lực giảm dần tốc độ tăng CPI và kết thúc năm 2023, CPI chỉ còn tăng 3,25%, thấp xa so với mục tiêu Quốc hội cho phép là tăng 4,0-4,5%.

“Có được kết quả như vậy là do trong năm, nhiều giải pháp được tích cực triển khai như giảm mặt bằng lãi suất cho vay, ổn định thị trường ngoại hối; giảm thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống 8% từ ngày 1/7/2023; giảm thuế môi trường với nhiên liệu bay; miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, tiền sử dụng đất, hỗ trợ doanh nghiệp”, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá nhận xét.

Theo đó, những giải pháp trên tiếp tục được thực hiện ngay từ đầu năm 2024, nên áp lực lạm phát những tháng đầu năm nay không “căng” như năm ngoái. Vì vậy, nhiều chuyên gia dự báo, CPI năm nay chỉ tăng khoảng 3,2-3,5%, tức là dao động quanh mức tăng 3,25% của năm 2023.

Bên cạnh đó, theo bà Oanh, hai nền kinh tế đầu tàu thế giới là Hoa Kỳ và Trung Quốc năm 2023 tăng trưởng cao hơn dự đoán, nhưng năm 2024 khó có khả năng tăng mạnh. Các nền kinh tế lớn trên thế giới cũng tương tự. Vì thế, tổng cầu năm nay khó có khả năng tăng mạnh, khiến giá nguyên vật liệu, nhiên liệu, đặc biệt là giá xăng dầu, cũng khó tăng.

Ngân hàng trung ương các nước đầu tàu kinh tế thế giới như Hoa Kỳ, EU, Anh đã tạm dừng tăng lãi suất, nhưng hiện tại, lãi suất ở những nền kinh tế này vẫn cao nhất trong mấy chục năm trở lại đây và chưa có dấu hiệu giảm để kiểm soát lạm phát. Lãi suất cao, cầu đầu tư và tiêu dùng giảm khiến lạm phát trên thế giới khó có thể tăng mạnh như năm 2023.

Nhiều ý kiến cho rằng, xung đột ở Biển Đỏ, cộng với căng thẳng ở Ukraine và đặc biệt là các nước OPEC+ tiếp tục cắt giảm sản lượng, sẽ khiến giá dầu năm nay tăng mạnh. Tuy nhiên, bà Oanh cho hay, điều này khó xảy ra, vì sức khỏe kinh tế thế giới yếu, nên nhu cầu thấp. Khi nhu cầu thấp, thì xung đột ở Biển Đỏ và Ukraine có làm giảm nguồn cung xăng dầu cũng không tác động nhiều. Trường hợp OPEC+ cắt giảm sản lượng, thì Hoa Kỳ tăng khai thác dầu đá phiến đề bù đắp. Hơn nữa, OPEC+ đã nhiều lần cắt giảm sản lượng khai thác, nhưng giá dầu không được cải thiện. Điều đó cho thấy, giải pháp này không phát huy hiệu quả như mong muốn, nên khó có thể cắt giảm mạnh hơn nữa.

Tiềm ẩn nhiều rủi ro

Mặc dù dự báo lạm phát năm nay vẫn nằm trong tầm kiểm soát, nhưng bà Oanh cũng cảnh báo vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro: “Bởi, Việt Nam là quốc gia có độ mở nền kinh tế rất lớn, bất cứ động thái nào của thế giới cũng ngay lập tức tác động tới Việt Nam, cả tiêu cực lẫn tích cực. Trên khía cạnh kiểm soát lạm phát, lạm phát thế giới giảm tác động tích cực đến Việt Nam, vì không chịu tác động lạm phát chi phí đẩy. Tuy nhiên, việc kiểm soát lạm phát không bao giờ được chủ quan”.

Cụ thể, theo bà Oanh, cuộc chiến giữa Israel và Hamas đã lan rộng và chưa tìm ra “ánh sáng cuối đường hầm” tác động mạnh đến việc khai thác dầu thô. Tương tự, xung đột ở Biển Đỏ vẫn căng thẳng. Nếu căng thẳng tiếp tục leo thang, làm đứt tuyến đường vận tải huyết mạch của thế giới, thì sẽ khiến chi phí vận chuyển hàng hải cũng như chi phí logistics tăng mạnh. Khi đó, nhu cầu tiêu thụ nguyên nhiên vật liệu, hàng hóa tiêu dùng có giảm thì giá cả vẫn tăng.

Năm 2023, thế giới chịu ảnh hưởng, tác động tiêu cực bởi biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan. Sự xuất hiện của El Nino khiến hoạt động sản xuất nông nghiệp ở nhiều nước trên thế giới bị thất bát, nhiều cường quốc xuất khẩu lương thực, mía đường đã tạm dừng xuất khẩu vô thời hạn. Các nước phải nhập khẩu thì đua nhau “tích cốc phòng cơ”, khiến giá lương thực, đường và hàng loạt sản phẩm nông nghiệp khác tăng chóng mặt. Năm 2024 sự khắc nghiệt của thiên nhiên, thời tiết được dự báo còn khốc liệt hơn, khi thời tiết ở châu Âu giữa mùa Đông vẫn có ngày nóng như mùa hè. Việt Nam là một trong số ít quốc gia chủ động được lương thực, thực phẩm, rau củ quả, cà phê, hạt tiêu, hạt điều, trà... Nhưng nếu giá thị trường thế giới tăng, thì giá trong nước cũng tăng theo.

Về áp lực trong nước, bà Oanh cho biết, năm nay Chính phủ quyết tâm đẩy mạnh đầu tư công ngay từ những tháng đầu năm. Vì thế, giải ngân vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước tháng 1/2024 tăng 12,5% so với cùng kỳ năm 2023 và là mức tăng cao nhất từ trước đến nay. Đầu tư công tăng kéo theo đầu tư tư nhân tăng, giá vật liệu xây dựng và các loại vật dụng, hàng hóa, nguyên liệu liên quan đến xây dựng cũng tăng nếu cung không đủ cầu.

Năm ngoái, EVN đã 2 lần tăng giá điện, vào tháng 5 (tăng 3%) và tháng 11 (tăng 4,5%). Đợt tăng giá vào tháng 11/2023 chưa tác động ngay tới CPI, nhưng đến tháng 1/2024 đã tác động khi giá điện bình quân tháng này tăng 1,29% - thuộc mặt hàng tăng giá cao nhất. Năm 2024, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Bộ Công thương đã có kế hoạch trình Chính phủ tiếp tục tăng giá điện, cộng với 2 đợt tăng giá trong năm 2023, sẽ tác động mạnh đến CPI, đặc biệt là vào những tháng hè, khi nhu cầu sử dụng điện tăng cao do nắng nóng.

Cùng với đó, học phí năm 2023-2024 ở khu vực công lập tạm thời chưa tăng theo Nghị định 81/2021/NĐ-CP, nhưng năm học 2024-2025 thì chưa biết có tăng hay không.

Ngoài ra, khác với mọi năm, lương tối thiểu vùng và lương cơ sở được điều chỉnh lệch thời điểm (ngày 1/7 và 1/1), còn năm 2024, cải cách tiền lương mới và tăng lương tối thiểu vùng (tăng 6%) vào cùng một thời điểm là ngày 1/7/2024, nên tạo ra áp lực rất lớn. Ít nhất là viện phí của cơ sở công lập sẽ tăng khi thực hiện cải cách tiền lương.

Tin mới lên