Tài chính quốc tế

Nhật Bản chi mạnh tay 113 tỷ USD hỗ trợ người dân ứng phó lạm phát

(VNF) - Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida ngày 2/11 cho biết chính phủ sẽ chi hơn 17 nghìn tỷ yên (113 tỷ USD) cho một gói biện pháp nhằm giảm bớt tác động kinh tế do lạm phát gia tăng, trong đó sẽ bao gồm cắt giảm thuế.

Nhật Bản chi mạnh tay 113 tỷ USD hỗ trợ người dân ứng phó lạm phát

Trong hơn một năm qua, lạm phát do giá nguyên liệu thô tăng cao đã ở trên mức mục tiêu 2% của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản.

Theo tuyên bố của ông ông Kishida, để thực hiện gói này, chính phủ sẽ soạn thảo ngân sách bổ sung 13.100 tỷ yên (87 tỷ USD) cho năm tài chính hiện tại. Nếu tính cả chi tiêu của chính quyền địa phương và các khoản vay do nhà nước hậu thuẫn, quy mô của gói sẽ có tổng trị giá 21,8 nghìn tỷ yên (145 tỷ USD).

"Nền kinh tế Nhật Bản đang ghi nhận cơ hội lớn để chuyển sang một giai đoạn mới lần đầu tiên trong ba thập kỷ, khi thoát khỏi vòng xoáy giảm phát. Đó là lý do chúng ta cần giúp các doanh nghiệp tăng lợi nhuận và doanh thu để từ đó tăng lương", ông Kishida nêu rõ.

Theo Reuters, chính phủ Nhật đang xem xét chi hơn 17 nghìn tỷ yên (113 tỷ USD) cho gói này, bao gồm việc cắt giảm tạm thời thuế thu nhập và thuế dân cư cũng như trợ cấp để hỗ trợ người dân hóa đơn xăng dầu và tiện ích.

Trong hơn một năm qua, lạm phát do giá nguyên liệu thô tăng cao đã ở trên mức mục tiêu 2% của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ). Tình trạng này đã gây áp lực lên tiêu dùng và làm mờ triển vọng của một nền kinh tế vốn đang chậm phục hồi sau những vết sẹo do Covid-19 để lại.

Chi phí sinh hoạt tăng cao một phần được cho là nguyên nhân khiến xếp hạng tín nhiệm của ông Kishida suy giảm.

Theo một cuộc thăm dò mà Nikkei và TV Tokyo thực hiện từ ngày 27-29/10, tỷ lệ ủng hộ của công chúng đối với nội các ông Kishida giảm xuống mức 33%, tức giảm 9 điểm phần trăm so với kết quả thăm dò tháng 9. Đây là mức thấp nhất kể từ khi ông nhậm chức vào tháng 10/2021.

Trong bối cảnh lương tăng chậm chưa bù đắp được gánh nặng giá tiêu dùng leo thang trong những tháng gần đây, Thủ tướng Kishida đã khẳng định chính phủ sẽ giảm nhẹ áp lực giá cả bằng cách hoàn lại cho các hộ gia đình một phần khoản tăng thêm từ nguồn thu thuế.

Tuy nhiên, các nhà phân tích nghi ngờ liệu khoảng 5 nghìn tỷ yên (33 tỷ USD) được chi cho việc cắt giảm thuế và thanh toán thuế có tác động nhiều đến việc thúc đẩy tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế của Nhật Bản hay không.

Ông Takahide Kiuchi, cựu thành viên hội đồng quản trị của BOJ và hiện là nhà kinh tế tại Viện nghiên cứu Nomura, cho rằng các biện pháp này sẽ chỉ giúp GDP Nhật Bản tăng 0,19% trong năm nay.

Nền kinh tế Nhật Bản tăng trưởng 4,8% hàng năm trong quý II, ghi nhận mức tăng lớn nhất trong hơn hai năm, do việc chấm dứt các lệnh phong tỏa vì đại dịch đã thúc đẩy tiêu dùng. Tuy nhiên, mức lương thực tế giảm trong tháng 7 làm tăng thêm nghi ngờ về dự đoán của ngân hàng trung ương rằng nhu cầu trong nước có thể giúp đất nước đi trên con đường phục hồi ổn định.

Theo dữ liệu chính thức, chỉ số giá tiêu dùng cốt lõi của Nhật Bản trong tháng 9 đã tăng 2,8% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn mức tăng 3,1% trong tháng 8. Song giá thực phẩm, không bao gồm đồ tươi sống, lại tăng tới 8,8%.

Xem thêm >> Dầu thô Nga bị áp giá trần: Hiệu quả bằng 0?

Tin mới lên