Tài chính quốc tế

M&A suy giảm trên toàn châu Á, thấp nhất trong vòng một thập kỷ

(VNF) - Hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A) ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương đã giảm xuống mức thấp nhất một thập kỷ trong 3 tháng đầu năm nay do môi trường địa chính trị và kinh tế vĩ mô đầy biến động khiến các nhà giao dịch thận trọng.

M&A suy giảm trên toàn châu Á, thấp nhất trong vòng một thập kỷ

Vụ mua lại Toshiba là một trong những thương vụ M&A nổi bật trong quý I năm nay.

Giá trị của các giao dịch M&A liên quan đến các công ty châu Á đạt tổng cộng 176 tỷ USD trong quý đầu tiên của năm 2023, thấp hơn 34% so với cùng kỳ năm 2022 và là mức thấp nhất kể từ năm 2013, dữ liệu của Refinitiv cho thấy.

Úc là thị trường lớn duy nhất trong khu vực chứng kiến ​​sự tăng trưởng M&A trong quý đầu tiên, với tổng giá trị các thương vụ tăng 3,5% lên 36,6 tỷ USD.

Các lĩnh vực tài nguyên thiên nhiên và năng lượng đặc biệt sôi động, với thương vụ sáp nhập tiềm năng trị giá 18,5 tỷ USD của Newcrest Mining Ltd với Newmont Corp và thương vụ mua lại Origin Energy Ltd của Brookfield Asset Management Ltd trị giá 10,2 tỷ USD, đẩy tổng giá trị giao dịch trong nước lên 192%.

Paul Rathborne, người đứng đầu bộ phận ngân hàng đầu tư tại MA Moelis Australia, cho biết: “Đồng AUD thấp hơn khiến Úc trở nên hấp dẫn với các nhà giao dịch ở ngoài nước Mỹ. Úc được coi là một nơi tương đối ổn định và lành tính để đầu tư vào thời điểm hiện tại. Bạn sẽ luôn có mức đầu tư tốt cho một số loại hình kinh doanh nhất định".

Ông Rathborne cũng nói thêm rằng các công ty niêm yết tại Úc được các quỹ nước ngoài quan tâm khi họ giao dịch với mức chiết khấu đáng kể so với các doanh nghiệp tương đương ở châu Âu.

Theo dữ liệu của Refinitiv, hoạt động M&A tại Trung Quốc, thị trường giao dịch lớn nhất châu Á, đã giảm tới 22% xuống mức thấp nhất một thập kỷ trong quý đầu tiên. Tổng giá trị các thương vụ giảm xuống còn 64 tỷ USD.

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng lạc quan đánh giá các giao dịch lớn có thể xảy ra trong nửa cuối năm nay, nếu có bằng chứng rõ nét hơn về sự phục hồi kinh tế của quốc gia này.

Tại Nhật Bản, thỏa thuận nổi bật trong quý là Toshiba Corp chấp nhận lời đề nghị mua lại 15 tỷ USD từ một tập đoàn do Japan Industrial Partners đứng đầu, trở thành thương vụ M&A lớn thứ 3 toàn cầu trong năm nay.

Dữ liệu cho thấy các giao dịch châu Á được hỗ trợ bởi vốn cổ phần tư nhân, động lực giao dịch chính của khu vực, đã giảm 33% xuống còn 36 tỷ USD.

Các công ty cổ phần tư nhân có thể sẽ tiếp tục đối mặt với những thách thức tài chính ngắn hạn nhưng sẵn sàng triển khai số vốn chưa sử dụng kỷ lục của họ khi thời điểm thích hợp, các cố vấn kinh tế cho biết.

Tom Kidd, đối tác tại Bain & Co, có trụ sở tại Singapore, nhận định: “Đây có lẽ là thời điểm tốt để các nhà đầu tư thực hiện các giao dịch trong thời kỳ suy thoái. Tôi nghĩ trong 12-18 tháng tới, bạn sẽ thấy rằng một số giao dịch được thực hiện trong khoảng thời gian này, lợi nhuận cuối cùng sẽ khá tốt".

Theo các chuyên gia kinh tế, các điều kiện không thuận lợi như việc tăng lãi suất của Fed, chiến sự Nga-Ukraine, căng thẳng Trung-Mỹ tiếp tục là những lý do hàng đầu khiến thị trường mua bán và sáp nhập kém sôi động.

Ngoài ra, những rủi ro tới từ ngành ngân hàng toàn cầu trong tháng 3, đặc biệt là vụ phá sản của Silicon Valley Bank (SVB) và màn "giải cứu" Credit Suisse đã làm tăng thêm tâm lý tiêu cực ngay cả khi không ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình giao dịch ở châu Á.

"Với những yếu tố này, chúng tôi có những khách hàng đang tạm dừng các giao dịch của họ hoặc tiến hành với tốc độ chậm hơn. Chúng tôi cũng khuyến khích khách hàng tiếp tục quy trình với tốc độ chậm rãi, nhưng hãy sẵn sàng thực hiện một giao dịch khi có những dấu hiệu rõ ràng"m Keoy Soo Earn, đối tác quản lý khu vực tư vấn tài chính tại Deloitte Đông Nam Á, cho biết.

Xem thêm >> Thương vụ M&A lớn thứ 3 toàn cầu năm nay: Toshiba 'bán mình' với giá 15 tỷ USD

Tin mới lên