Maldives: ‘Thiên đường của các thiên đường’ chìm trong khủng hoảng chính trị

Lê Anh - 08/02/2018 10:16 (GMT+7)

(VNF) – Vốn được mệnh danh là "thiên đường biển đảo" với những khu nghỉ dưỡng tuyệt đẹp thu hút khách du lịch quốc tế, quốc đảo Maldives đã không còn thanh bình vì khủng hoảng chính trị liên tiếp trong thời gian gần đây.

VNF
Quốc đảo Maldives nằm trên Ấn Độ Dương được mệnh danh là "thiên đường nghỉ dưỡng".

Tình hình bất ổn chính trị của Maldives đã khiến giới chức một số nước phải ban bố cảnh báo đi lại tới thiên đường nghỉ dưỡng này vào đúng mùa nghỉ lễ.

Du lịch chiếm 20% GDP

Quốc đảo Maldives nằm phía tây nam Ấn Độ với 1.192 đảo san hô tập trung thành 26 nhóm đảo, trong đó khoảng 200 đảo có người sinh sống.

Trong số 200 hòn đảo lớn nhỏ được khai thác ở Maldives, gần 90% trong số đó được dành riêng cho các khu nghỉ mát sang trọng. Do đó, du khách sẽ có cơ hội được trải nghiệm những dịch vụ du lịch đẳng cấp nhất thế giới.

Top 10 đảo đẹp nhất ở Maldives.

Một trong những yếu tố quan trọng góp phần tạo nên sự nổi tiếng của thiên đường biển đảo Maldives chính là nền văn hóa rất riêng của một vùng biển Ấn Độ Dương đầy nắng, gió và cát...Bản sắc Maldives là sự pha trộn nhiều nền văn hóa khác nhau do việc nhập cư của rất nhiều cư dân trên khắp thế giới, đặc biệt là khu vực ven biển Sri Lanka và Nam Ấn Độ.

Maldives được đánh giá là nơi có mức sống cao nhất trong khu vực. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trên đầu người tại Maldives là hơn 10.000 USD. Ngành kinh tế lớn nhất của Maldives là du lịch, chiếm 20% GDP và hơn 60% trao đổi ngoại hối của quốc đảo này.

Theo Maldives Times, với số lượng du khách quốc tế tới đây vượt 1,3 triệu người, năm 2017 được đánh giá là năm thành công của ngành du lịch Maldives. Số lượng du khách tới Maldives năm 2017 tăng 8,04% so với năm 2016.

Tiềm năng phát triển kinh tế lớn

Năm 2017, Maldives trở thành một trong những quốc gia nhỏ nhất hành tinh nhận đánh giá tín dụng từ tổ chức Moody’s và Fitch. Cả hai tổ chức đều nhận định Maldives có "triển vọng ổn định" nhờ thâm hụt ngân sách giảm, kinh tế tăng trưởng, vốn đầu tư cho cơ sở hạ tầng tăng, chính trị ổn định. Thu nhập bình quân đầu người của Maldives tăng gần gấp đôi trong 4 năm qua, đạt mức 12.000 USD/người.

Dân số Maldives trẻ và có học vấn cao. 99% dân số biết chữ và chính phủ khuyến khích thanh niên học ở nước ngoài bằng những chính sách hỗ trợ thiết thực.

Lượng du khách tới Maldives mỗi năm đạt trung bình 1,2 triệu người, nhưng chính phủ muốn tăng con số đó lên 7 triệu trong 5-7 năm tới.

Trong một cuộc phỏng vấn với báo Gulf News, ông Mohammad Saeed, Bộ trưởng Phát triển Kinh tế Maldives, tuyên bố năng lượng tái sinh có thể là một mũi nhọn mới của đất nước. Với lượng ánh sáng mặt trời dồi dào, năng lượng mặt trời có thể trở thành một lĩnh vực tiềm năng lớn để đầu tư.

Bên cạnh đó, Maldives cũng thực thi nhiều giải pháp để thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) - như tạo điều kiện để nhà đầu tư vào mảng du lịch hưởng lãi cao, cho phép pháp nhân nước ngoài sở hữu 100% vốn doanh nghiệp trong nước, loại trừ nạn quan liêu, nhũng nhiễu để tăng hiệu quả kinh doanh.

Chìm trong khủng hoảng chính trị

Quốc đảo Maldives trên Ấn Độ Dương đang chìm trong một cuộc khủng hoảng chính trị sau khi Tổng thống nước này từ chối tuân thủ phán quyết của Tòa án Tối cao trao trả tự do cho các tù nhân chính trị và phục chức cho những nghị sĩ đối lập.

Tổng thống Maldives Abdulla Yameen thay vào đó ban bố tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc, điều binh sĩ tới Tòa án Tối cao và ra lệnh bắt giữ một người tiền nhiệm.

Trong thông báo phát trên sóng truyền hình quốc gia, ông Yameen khẳng định mọi hoạt động vẫn diễn ra bình thường, đồng thời kêu gọi người dân Maldives giữ bình tĩnh. Tuy nhiên, ông cho rằng Tòa án Tối cao đã hành động "vội vã" và những việc ông làm chỉ nhằm mục đích ngăn chặn "một cuộc đảo chính".

Tổng thống Maldives Abdulla Yameen  ban bố tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc ngày 5/2.

Ông Yameen lên nắm quyền ở Maldives vào năm 2013 sau một cuộc bầu cử nhiều tranh cãi, trong đó các đối thủ của ông cho rằng kết quả đã được sắp đặt. Kể từ đó, Tổng thống Yameen liên tục bị cáo buộc làm xói mòn nền dân chủ, đàn áp những người bất đồng chính kiến và bỏ tù các lãnh đạo đối lập.

Năm 2016, Maldives rút khỏi Khối Thịnh vượng Chung vì những tranh cãi về vấn đề nhân quyền và Maldives bị cáo buộc gây rạn nứt các thể chế dân chủ.

Khủng hoảng chính trị ở Maldives đang ngày càng trở nên trầm trọng.

Cuộc khủng hoảng chính trị lên tới đỉnh điểm vào tuần trước khi Tòa án Tối cao Maldives, trong một phán quyết bất ngờ, ra lệnh thả 9 tù nhân chính trị, đồng thời khôi phục chức vụ cho 12 nhà lập pháp từng bị sa thải vì rời bỏ đảng của ông Yameen. Phán quyết trên sẽ giúp phe đối lập chiếm đa số ghế ở hội đồng lập pháp.

Tổng thống Yameen từ chối tuân thủ phán quyết. Hôm 5/2, ông điều quân đội tới chiếm quyền kiểm soát Tòa án Tối cao ở thủ đô Male.

Ông Yameen đã ban bố tình trạng khẩn cấp kéo dài 15 ngày và bắt giữ hai thẩm phán Tòa án Tối cao với cáo buộc tham nhũng.

Tòa án Tối cao Maldives ngày 6/2 thay đổi quyết định trao trả tự do cho 9 tù nhân chính trị, vài giờ sau khi hai thẩm phán bị bắt.

Các diễn biến trên đã khiến khủng hoảng chính trị ở Maldives trở nên trầm trọng hơn. Giới chức một số nước đã ban bố cảnh báo đi lại tới thiên đường nghỉ dưỡng này vào đúng mùa nghỉ lễ.

Bộ Ngoại giao Việt Nam chiều 6/2 phát đi thông báo cho biết chính phủ Maldives đã ban bố tình trạng khẩn cấp 15 ngày do khủng hoảng chính trị. Lực lượng an ninh Maldives đã được triển khai tại thủ đô Male để ứng phó với các diễn biến chính trị.

Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao khuyến cáo công dân Việt Nam không nên đến Maldives trong thời gian này cho đến khi chính phủ Maldives gỡ bỏ tình trạng khẩn cấp.

Các công dân Việt Nam đang làm việc, học tập hoặc du lịch tại Maldives nên tránh đến các địa điểm tập trung đông người, nhạy cảm, đồng thời thường xuyên theo dõi cảnh báo của các cơ quan chức năng địa phương để đảm bảo an toàn.

Trường hợp khẩn cấp, công dân Việt Nam có thể liên hệ theo đường dây nóng: Đại sứ quán Việt Nam tại Sri Lanka (kiêm nhiệm Maldives), số điện thoại: +94.11.2696050 hoặc Tổng đài Bảo hộ Công dân: +84.981.84.84.84.

>> Triều Tiên ‘rục rịch’ duyệt binh lớn, Mỹ sẽ ‘giáng đòn chí tử’?

Cùng chuyên mục
Tin khác
Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.