Thâm nhập khu đất xây dựng Tổ hợp Hòa Xuân hơn 3.500 tỷ ở Đà Nẵng
(VNF) - Khu đất sắp đấu giá để thực hiện dự án Tổ hợp, thể thao giải trí và thương mại Hòa Xuân có diện tích rộng 101 ngàn m2.
Đã từ rất lâu, thị trường thức ăn chăn nuôi là một trong những miếng bánh thơm ngon nhất tại Việt Nam. Theo Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), nước ta đứng đầu trong nhóm nước tiêu thụ thịt heo lớn nhất thế giới, đứng thứ ba ở khu vực châu Âu và chỉ sau Trung Quốc, Hàn Quốc.
Chính nhu cầu tiêu thụ luôn neo ở mức cao đã không chỉ thúc đẩy sự phát triển của ngành chăn nuôi heo thịt mà còn tạo động lực cho ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi liên tục tăng trưởng trong những năm qua.
Cùng với đó, các hoạt động đẩy mạnh nuôi tôm, cá tra, cá basa xuất khẩu của nước ta cũng tác động mạnh mẽ đến nhu cầu tiêu thụ thức ăn chăn nuôi nội địa, giúp lĩnh vực này trở thành mảnh đất màu mỡ mà các doanh nghiệp trong và ngoài nước đều thèm muốn.
Thế nhưng, thực tế đáng lo ngại là trong những năm qua, trên một nửa thị phần sản xuất thức ăn chăn nuôi lại nằm trong tay các doanh nghiệp ngoại, phần còn lại được chia nhỏ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước.
Và đến nay, các doanh nghiệp nước ngoài đang ngày càng muốn chiếm trọn miếng bánh hảo hạng này. Nhìn nhận về câu chuyện thị phần thị phần thức ăn chăn nuôi, GS.TS Nguyễn Duy Hoan từng chia sẻ trên báo giới rằng: "Ngoài các tập đoàn lớn đến từ Mỹ, Thái Lan, Trung Quốc... đã có mặt tại Việt Nam từ trước thì gần đây, một số tập đoàn từ Singapore, Hà Lan, Đức... cũng bày tỏ mong muốn đầu tư vào lĩnh vực thức ăn chăn nuôi ở nước ta. Cho nên, sự cạnh tranh giành thị phần sẽ ngày càng trở nên khốc liệt".
Trở lại với Tập đoàn Hòa Phát của tỷ phú Trần Đình Long, không rõ vì sự hấp dẫn của thị trường thức ăn chăn nuôi hay xuất phát từ khao khát giành lại thị phần của doanh nghiệp nước ngoài ngay trên sân nhà, mà đã khiến "ông lớn" ngành thép đưa ra một quyết định táo bạo, có phần mạo hiểm khi rót hàng nghìn tỷ đồng để "khởi nghiệp" lại ở ngành được cho là giàu tiềm năng nhưng cũng lắm thử thách này.
Sự hấp dẫn của ngành thức ăn chăn nuôi là không thể phủ nhận, đặc biệt ở những năm đầu của thập niên 2010, đã có không ít các doanh nghiệp, tập đoàn lớn tiến quân vào mảng kinh doanh này. Tuy nhiên, tổng giám đốc Trần Tuấn Dương từng khẳng định việc Hòa Phát "lấn sân" không phải là chạy theo, đua theo các đại gia khác để "hợp mốt", mà thực chất tập đoàn đã nghiên cứu kĩ lưỡng từ nhiều năm về trước.
Ông Dương bày tỏ sự kì vọng và quyết tâm của Hòa Phát vào thức ăn chăn nuôi, mặc dù thừa nhận là tỷ suất lợi nhuận không cao, áp lực cạnh tranh lớn nhưng nếu thành công, ông Dương cho rằng chỉ 10 năm nữa, tỷ trọng đóng góp doanh thu của thức ăn chăn nuôi sẽ tương đương với mảng thép của Hòa Phát trong tương lai.
Trong cuộc phỏng vấn cuối năm 2015, ông Dương cũng nhận định lĩnh vực thức ăn chăn nuôi đang bị chiếm lĩnh dưới tay doanh nghiệp nước ngoài, cho dù số lượng doanh nghiệp Việt Nam là áp đảo hơn. Việc các doanh nghiệp nội có đủ tiềm lực tài chính tham gia sâu vào thị trường mới có thể giúp cán cân trở nên cân bằng.
Hòa Phát khi đó đặt lộ trình sẽ đạt được 10% thị phần và đứng trong top 5 nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi lớn nhất Việt Nam. Tập đoàn sẽ nhập khẩu 70% nguyên liệu sử dụng cho nhà máy, còn lại 30% sẽ dùng trong nước.
Để hiện thực hóa kế hoạch của mình, trong năm 2015 Hòa Phát đã thành lập liên tiếp hai pháp nhân mới là Công ty TNHH MTV Thương mại và Sản xuất thức ăn chăn nuôi Hòa Phát (tiền thân của Công ty TNHH Thức ăn chăn nuôi Hòa Phát Hưng Yên) và Công ty TNHH MTV Thức ăn chăn nuôi Hòa Phát Đồng Nai với tổng vốn điều lệ 500 tỷ đồng.
Một năm sau đó, tập đoàn tiếp tục có thêm pháp nhân mới là Công ty Cổ phần Phát triển Nông nghiệp Hòa Phát với vốn điều lệ lên đến 2.500 tỷ đồng và tuyên bố mục tiêu xây dựng một hệ sinh thái khép kín dẫn với ba mảng trọng yếu là Feed - Farm - Food (3F). Trong đó tính đến năm 2022, mảng thức ăn chăn nuôi sẽ đạt công suất 1 triệu tấn.
Và đến nay, sau nửa thập kỉ, Hòa Phát đã hoàn thành và vận hành 2 nhà máy thức ăn chăn nuôi với tổng công suất 600.000 tấn/năm tại Hưng Yên, Đồng Nai. Đối với chăn nuôi bò thịt, Hòa Phát vận hành trại chăn nuôi bò thịt công nghệ cao tại tỉnh Thái Bình, Đồng Nai và Quảng Bình với giống bò Úc...
Nhìn lại giai đoạn mới bước chân vào ngành thức ăn chăn nuôi, có thể nói năm 2016 là khoảng thời gian Hòa Phát thực sự nghiêm túc với lĩnh vực này. Thông qua hoạt động chuyển nhượng nội bộ, lĩnh vực chăn nuôi đã được tập đoàn "quy về một mối" dưới sự điều phối của "sếu đầu đàn" là Phát triển Nông nghiệp Hòa Phát.
Mặc dù không thuyết minh cụ thể về tỷ trọng đóng góp của thức ăn chăn nuôi trong tổng doanh số hợp nhất, tuy nhiên theo tài liệu của VietnamFinance, "tân binh" chủ chốt là Thức ăn chăn nuôi Hòa Phát Hưng Yên đã ghi nhận doanh thu khá ấn tượng ở năm đầu thành lập.
Theo đó, khi mảng thức ăn chăn nuôi đã đi vào hoạt động và bắt đầu tạo ra doanh thu vào năm 2016, Thức ăn chăn nuôi Hòa Phát Hưng Yên ngay lập tức đem về gần 1.540 tỷ đồng cho tập đoàn với quy mô vốn điều lệ 300 tỷ đồng và tổng tài sản xấp xỉ 570 tỷ đồng.
Dường như các chi phí vận hành, cũng như nguyên liệu đầu vào là bài toán khó mà tập đoàn chưa thể giải ngay, cho nên lợi nhuận gộp lúc bấy giờ chỉ bằng 6% doanh thu, kéo khoản lãi sau thuế xuống mức khiên tốn gần 43 tỷ đồng.
Trong khoảng thời gian này, Thức ăn chăn nuôi Hòa Phát Đồng Nai cũng bắt đầu ghi nhận doanh thu, mặc dù chỉ vẻn vẹn 10,6 tỷ đồng và lỗ ròng 1,4 tỷ đồng sau khi trừ các chi phí vận hành. Kết quả này cũng dễ hiểu, khi nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi thứ 2 của tập đoàn đặt tại khu công nghiệp Long Khánh (tỉnh Đồng Nai) vẫn đang trong quá trình hoàn thiện.
Ở năm kế tiếp, ngay khi nhà máy được đưa vào hoạt động, doanh thu của Thức ăn chăn nuôi Hòa Phát Đồng Nai tăng phi mã lên mức gần 400 tỷ đồng, lợi nhuận nhờ đó cũng đạt con số dương mặc dù chỉ hơn 5,7 tỷ đồng.
Trái ngược với đó là kết quả kinh doanh của Thức ăn chăn nuôi Hòa Phát Hưng Yên lại tụt giảm mạnh, doanh thu "bốc hơi" 33% xuống còn 1.024 tỷ đồng, lợi nhuận bào mòn chỉ còn gần 4 tỷ đồng, tương ứng mức giảm đến 90% so với năm trước.
Mặc dù doanh thu của hai pháp nhân này tăng trưởng không đáng kể so với năm trước, tuy nhiên theo Hòa Phát thì sản lượng tiêu thụ thức ăn chăn nuôi năm 2017 đã ghi nhận tăng tới 140% so với cùng kỳ, góp phần giúp cho tổng doanh thu mảng nông nghiệp đạt trên 3.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế hơn 47 tỷ đồng, tăng đồng đều trên 70% so với 2016.
Đến cuối năm 2018, doanh thu của Thức ăn chăn nuôi Hòa Phát Hưng Yên vẫn chưa thể hồi phục, giảm tiếp 26% xuống mức 756 tỷ đồng. May mắn thay, nhờ tiết giảm nguyên liệu đầu vào hiệu quả, doanh nghiệp có lợi nhuận tăng trưởng gấp ba lần và đạt gần 17 tỷ đồng.
Thức ăn chăn nuôi Hòa Phát Đồng Nai giai đoạn này tiếp tục dao động ngược pha với Hòa Phát Hưng Yên, bất chấp doanh số tăng phi mã, gấp hai lần cùng kỳ lên mức 730 tỷ đồng nhưng xét về lợi nhuận, lại ghi nhận sự tụt giảm kỉ lục với lãi sau thuế 612 triệu đồng, chỉ bằng 1/9 lần thực đạt năm trước.
Bức tranh của lĩnh vực thức ăn chăn nuôi Hòa Phát trở nên tươi tắn hơn vào năm 2019. Thời điểm này, doanh thu của Thức ăn chăn nuôi Hòa Phát Đồng Nai đã chinh phục ngưỡng 1.050 tỷ đồng và lãi đột biến 58 tỷ đồng. Tổng tài sản qua đó cũng nảy nở lên mức 665 tỷ đồng.
Tương tự, Thức ăn chăn nuôi Hòa Phát Hưng Yên cũng hồi phục doanh thu về mức 1.004 tỷ đồng và doanh nghiệp đạt lãi kỉ lục 66,8 tỷ đồng. Không chỉ cao hơn 4 lần năm trước, con số này cũng là kết quả tích cực nhất kể từ khi doanh nghiệp được thành lập.
Đây là kết quả đáng hoan nghênh của Hòa Phát, bởi lẽ 2019 là năm tương đối vất vả đối với ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi, do chịu sự biến động chung của ngành chăn nuôi như giá nguyên liệu thô đầu vào và thị trường tiêu thụ, thời tiết diễn biến thất thường... Đặc biệt là tác động mạnh của dịch tả lợn châu Phi khiến nhu cầu tiêu thụ gặp nhiều khó khăn, do người chăn nuôi thua lỗ, e ngại tái đàn.
Có thể thấy, thức ăn chăn nuôi thời gian qua chiếm tỷ trọng không đáng kể trong kết quả kinh doanh hợp nhất của "ông lớn" ngành thép, tuy nhiên nếu nhìn nhận với vai trò là hạt nhân quan trọng thúc đẩy lĩnh vực nông nghiệp - đang là nguồn thu lớn thứ hai chỉ sau mảng thép cốt lõi thì thức ăn chăn nuôi của Hòa Phát đã và đang làm khá "tròn vai".
Theo nhận định của một số chuyên gia, Hòa Phát chọn thức ăn chăn nuôi làm điểm khởi đầu để có thể dựa vào lợi thế về kinh nghiệm sản xuất và tiềm lực tài chính, áp dụng sản xuất ở quy mô lớn, do sản xuất thức ăn chăn nuôi "gần" với sản xuất công nghiệp: đầu tư nhà xưởng, máy móc, nhập khẩu nguyên liệu đầu vào, phối trộn, đóng bao và dưa ra tiêu thụ ở kênh phân phối.
Trong chuỗi giá trị sản xuất thức ăn chăn nuôi, Hòa Phát nắm công đoạn chế biến thức ăn từ các nguyên liệu ngũ cốc và phụ gia. Chủ động nguồn thức ăn phục vụ cho việc mở rộng hoạt động chăn nuôi sau này.
Hướng đi này đã gặt hái được những thành công nhất định. Tính đến cuối năm 2019, doanh thu mảng nông nghiệp của Hòa Phát đã đạt hơn 8.000 tỷ đồng, gấp 5,5 lần so với năm 2016; lợi nhuận sau thuế đạt 558 tỷ đồng, gấp 21 lần so với trước đó 4 năm.
Mảng nông nghiệp chiếm tỷ trọng 12% trong tổng doanh thu hợp nhất và 7% về lợi nhuận sau thuế năm 2019. Với tâm lí lạc quan, năm 2020 tập đoàn đặt mục tiêu doanh thu nông nghiệp sẽ đóng góp 10.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế khoảng 1.200 tỷ đồng, tiếp tục giữ ví trí thứ hai sau mảng thép.
Được biết, trong năm vừa qua Hòa Phát ghi nhận doanh thu hợp nhất đạt 90.100 tỷ đồng (tăng 42% so với năm trước) và báo lãi sau thuế 13.500 tỷ đồng (tăng 78%). Mảng nông nghiệp đã hoàn thành chỉ tiêu với mức tăng trương 32% so với cùng kỳ.
Bước sang năm 2021, theo đánh giá của Công ty Chứng khoán Phú Hưng, tăng trưởng của mảng nông nghiệp Hòa Phát năm nay sẽ không có được đà tăng ấn tượng giống như năm ngoái, bởi lẽ các sản phẩm nông nghiệp dự kiến trở nên ổn định hơn trong năm và Hòa Phát cũng đã đạt gần hết công suất sản xuất...
(VNF) - Khu đất sắp đấu giá để thực hiện dự án Tổ hợp, thể thao giải trí và thương mại Hòa Xuân có diện tích rộng 101 ngàn m2.