Thị trường

Masan 'go global': Sẽ bán gia vị, nước mắm ra thế giới

(VNF) - Tại cuộc họp đại hội đồng cổ đông tổ chức sáng 24/4, Công ty Cổ phần Tập đoàn Masan đã có thông tin về chiến lược "Go Global" nhằm đưa các thương hiệu, sản phẩm chiến lược của tập đoàn ra nhiều thị trường trên thế giới.

Masan 'go global': Sẽ bán gia vị, nước mắm ra thế giới

Ông Trương Công Thắng, Tổng giám đốc The CrownX chia sẻ tại sự kiện.

Cụ thể, ông Trương Công Thắng, Tổng giám đốc The CrownX thông tin Masan Consummer hướng tới mục tiêu doanh thu 80.000-100.000 tỷ đồng giai đoạn 2023-2027, với thị trường trong nước chiếm 85% và nước ngoài chiếm 15%.

"Hiện nay, "global bussiness" (mảng xuất khẩu) mới chiếm từ 3 - 4% trong tổng doanh thu, Masan Consumer đặt mục tiêu đến 2027, doanh thu xuất khẩu sẽ chiếm 15% trong tổng doanh thu. Trong đó, thị trường nước ngoài được xây dựng thương hiệu với các sản phẩm chủ lực Omachi, Vinacafe, Chinsu", đại diện Masan cho biết.

Theo ông Thắng, nhãn hiệu Chinsu đã ra mắt tại thị trường Nhật Bản vào hồi tháng 3/2023 và sản phẩm này cũng sẽ tham dự các hội chợ, các thị trường như: Hàn Quốc, Mỹ và Châu Âu,...

Ông Thắng nhận định công ty sẽ phải lựa chọn nhãn hiệu và ngành hàng phù hợp, tập trung các sản phẩm mang yếu tố Việt Nam để ra nước ngoài. Do đó, các sản phẩm phải thử khi du lịch Việt Nam như đồ ăn, gia vị, cafe sẽ là mặt hàng xuất khẩu chiến lược của doanh nghiệp.

"Sản phẩm về đồ uống và hoá mỹ phẩm rất khó có thể đưa ra thế giới nhưng các sản phẩm của Chinsu, Omachi, Vinacafe sẽ được đẩy mạnh đưa ra thị trường nước ngoài, Masan chỉ làm những sản phẩm Việt Nam có lợi thế", ông Thắng khẳng định.

Về giá sản phẩm, lãnh đạo Masan chia sẻ giá trị bán các sản phẩm ra thị trường nước ngoài tương đối cao. Chẳng hạn, nước mắm Chinsu đã bán được trên Amazon với giá lên đến 10 USD và từ đó có thể xâm nhập vào các nền tảng bán hàng khác để đưa thương hiệu ra nước ngoài.

"Trung Quốc nằm trong lộ trình chung tổng thể của 3 thương hiệu Chinsu, Omachi và Vinacafe", ông tiết lộ và thông tin thêm ngành hàng cafe có triển vọng tốt nhất, phở cũng là mặt hàng gần gũi, còn nước mắm chưa có vị thế tốt tại quốc gia này.

Ông Thắng cũng cho biết, sắp tới, Masan Consumer sẽ cung cấp cho người tiêu dùng toàn cầu các sản phẩm bún, cháo, phở, hủ tiếu... Việt Nam mà không cần phải đun nấu, giữ nguyên toàn bộ hương vị, với công nghệ mới của Masan.

Hiện sản phẩm đã nhận được đơn đặt hàng xuất sang Nhật Bản. Bên cạnh đó, thương hiệu Phúc Long cũng có chiến lược 'go global' khi đang có những bước đầu tiên để xây dựng quy trình bán hàng trên toàn cầu, chuẩn hóa các chuẩn mực chất lượng và vận hành sản phẩm.

Chia sẻ thêm, Tổng giám đốc The Crown cho hay năm 2023, các ngành hàng của Masan Consumer đặt mục tiêu tăng trưởng 2 con số và có thể giữ được trong 2-3 quý tới. Từng ngành hàng có tốc độ và mục tiêu tăng trường khác nhau, trong đó, lĩnh vực nước uống, hoá mỹ phẩm sẽ phát triển nhiều, bia cũng sẽ có sự bùng nổ trong một thời điểm nhất định, thức ăn tiện lợi như mì Omachi sẽ hướng đến việc gia tăng tị phần từ 15% lên đến 30%.

Bên cạnh đó, tập đoàn cũng sẽ tìm hiểu về nhu cầu của người tiêu dùng chưa được đáp ứng tốt nhất, tiếp tục hành trình đưa ra sản phẩm chất lượng, tốt hơn về hình thức mà người tiêu dùng sẵn sàng trả tiền. Đối với các sản phẩm nằm trong nhu cầu tối thiểu, công ty sẽ tiết giảm chi phí không cần thiết để đưa giá bán hợp lý nhất.

Tin mới lên