Masan kỳ vọng doanh thu tăng hai chữ số, lợi nhuận khởi sắc trong nửa cuối năm 2020

Thanh Long - 18/04/2020 17:05 (GMT+7)

(VNF) - Dựa vào hoạt động kinh doanh 3 tháng đầu năm, Masan kỳ vọng doanh thu thuần hợp nhất năm 2020 của tập đoàn sẽ tăng trưởng mạnh mẽ ở mức hai chữ số, đồng thời lợi nhuận sẽ khởi sắc trong nửa cuối năm.

VNF
Masan kỳ vọng doanh thu tăng hai chữ số, lợi nhuận khởi sắc trong nửa cuối năm 2020

Giành chiến thắng bằng cách thay đổi quy tắc cuộc chơi

"Chúng tôi không giành chiến thắng bằng cách sao chép việc người khác đang làm, hoặc chỉ làm tốt hơn, mà chúng tôi muốn giành chiến thắng bằng cách thay đổi các quy tắc của cuộc chơi", lời khẳng định ấn tượng của Tập đoàn Masan trong báo cáo thường niên vừa công bố.

Cùng với công ty liên kết là ngân hàng Techcombank, Masan đang hoạt động trong những ngành kinh doanh bao gồm thực phẩm và đồ uống đóng gói, thực phẩm và thịt tươi sống, sản phẩm chăm sóc cá nhân và gia đình và dịch vụ tài chính; đây là những lĩnh vực lần lượt chiếm 13%, 14%, 2% và 22% chi tiêu của người tiêu dùng Việt Nam.

"Xuyên suốt lịch sử của tập đoàn, chúng tôi đã tập trung vào các ngành hàng tiêu dùng có quy mô thị trường lớn, không ngừng tái định nghĩa chúng để mở rộng thị trường. Giá trị thị trường chúng tôi có thể tiếp cận hiện nay tại Việt Nam là trên 60 tỷ USD mỗi năm", phía Masan cho biết.

Tập đoàn này tin rằng vị thế dẫn đầu và quy mô kinh doanh sẽ giúp Masan đáp ứng những nhu cầu lớn chưa được phục vụ đúng mức, những nhu cầu lớn chưa được thỏa mãn.

"Một ví dụ về “nhu cầu lớn chưa được thỏa mãn” là chuỗi giá trị thịt đang vận hành kém hiệu quả tại Việt Nam. Chúng tôi tin rằng thật phi lý khi người tiêu dùng Việt Nam với thu nhập trung bình chỉ bằng 1/10 thu nhập của người Mỹ nhưng lại đang phải chi trả gần gấp đôi so với người tiêu dùng Mỹ cho các sản phẩm thịt. Bằng việc tung ra sản phẩm thịt mát với thương hiệu MEATDeli vào năm 2018, chúng tôi đã thật sự bắt đầu hành trình phục vụ các nhu cầu chưa được thỏa mãn của người tiêu dùng là sản phẩm thịt ngon và an toàn", phía Masan dẫn ví dụ.

Đặc biệt, năm 2019, thông qua giao dịch mua lại VCM, công ty sở hữu và điều hành 132 siêu thị VinMart và 2.900 siêu thị mini VinMart+, Masan đã chính thức tham gia vào lĩnh vực bán lẻ.

"Giống như nhiều ngành hàng hoặc lĩnh vực mà Masan đã tham gia hoạt động, lĩnh vực bán lẻ tại Việt Nam còn khá phân mảnh và hoạt động thiếu hiệu quả, khiến người tiêu dùng có ít lựa chọn hơn và chi trả nhiều hơn cho nhu cầu của mình", tập đoàn của người từng là tỷ phú USD cho hay.

Chẳng hạn, kênh thương mại truyền thống vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong tổng doanh số bán lẻ, khiến thị trường bán lẻ bị phân mảnh. Ngay cả khi là một doanh nghiệp dẫn đầu trong lĩnh vực bán lẻ hiện đại, VCM chỉ chiếm xấp xỉ 3% tổng thị trường bán lẻ.

"Tuy nhiên, Masan tin rằng, một cuộc cách mạng về bán lẻ hiện đại đang diễn ra và sẽ bùng nổ tại Việt Nam khi tốc độ đô thị hóa đạt 50% và tầng lớp trung lưu (với mức thu nhập bình quân đầu người từ 5.000 USD) thực sự xuất hiện. Các hình thức mua sắm hiện đại dự kiến sẽ chiếm 30% thị trường bán lẻ trong tương lai gần so với mức khoảng 8% như hiện nay. Masan đặt mục tiêu phát triển cùng người tiêu dùng Việt Nam trong quá trình chuyển đổi này", phía Masan tiết lộ chiến lược chung.

Nếu dịch kéo dài, Masan Resources dự kiến bị ảnh hưởng nặng nề nhất

Theo báo cáo của Ban điều hành Masan, năm 2020, sự bùng phát dịch bệnh do virus corona (Covid-19) và việc giá dầu giảm mạnh đã làm ảnh hưởng đến những chỉ số chính trong kết quả kinh doanh của Masan, nhưng dự kiến sẽ phục hồi trong 6 tháng cuối năm 2020.

"Nhìn chung, trong vai trò doanh nghiệp dẫn đầu thị trường với danh mục các thương hiệu hàng tiêu dùng bao gồm thực phẩm, đồ uống, thịt, bán lẻ hiện đại và tài chính tiêu dùng (thông qua phần lợi ích kinh tế nắm giữ trong Techcombank), Masan đang hội tụ đủ các yếu tố để hưởng lợi từ triển vọng kinh tế vĩ mô đang dần được cải thiện tại Việt Nam, đặc biệt là từ nhu cầu tiêu dùng ngày càng tăng cao", ban điều hành Masan trấn an.

Lãnh đạo Masan cho biết nếu đại dịch Covid-19 tiếp tục kéo dài, Masan Resources (MSR) dự kiến sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất (do biến động giá cả hàng hóa và mức độ hoạt động công nghiệp toàn cầu), tiếp đó sẽ là Techcombank.

"Với việc người tiêu dùng phải ở nhà nhiều hơn, doanh số bán lẻ và nhu cầu đối với các sản phẩm tiêu dùng của chúng tôi dự kiến sẽ tăng cao. Tuy nhiên, tác động trong dài hạn nếu đại dịch Covid-19 kéo dài vẫn cần được tiếp tục xem xét, đánh giá do thu nhập khả dụng của người tiêu dùng bị sụt giảm và do đó ảnh hưởng đến doanh số", ban điều hành của Masan lưu ý.

Đối với từng đơn vị kinh doanh, phía Masan cho biết trong năm 2020, trọng tâm của VCM - công ty quản lý mảng bán lẻ của Masan - là vạch ra lộ trình cụ thể để đạt lợi nhuận và số hóa toàn bộ nền tảng.

Chuỗi bán lẻ này cũng sẽ tiếp tục gia tăng sự hiện diện tại Hà Nội để củng cố thị phần, mở cửa hàng một cách có chọn lọc ở các tỉnh thành ngoài Hà Nội để thúc đẩy lợi nhuận; song song với việc đóng cửa các cửa hàng không có khả năng hòa vốn.

"VCM cũng sẽ chú trọng phát triển mô hình thành công tại TP. HCM và các đô thị loại 2 bằng cách địa phương hóa danh mục sản phẩm phù hợp hơn với nhu cầu của người tiêu dùng và tạo sự khác biệt cho định vị thương hiệu", ban điều hành Masan thông tin.

Ngoài ra, đóng góp ngày càng tăng từ các thương hiệu riêng cũng sẽ giúp cải thiện lợi nhuận, song song với việc phát triển nền tảng công nghệ giúp theo dõi tồn kho theo thời gian thực và giúp cải thiện hiệu quả chuỗi cung ứng đồng thời giảm chi phí vận hành.

Đối với MCH - công ty quản lý mảng sản phẩm tiêu dùng, năm 2020, công ty sẽ tập trung xây dựng nhiều thương hiệu cao cấp hơn nữa trong các danh mục để thúc đẩy tăng trưởng bền vững cho doanh thu và lợi nhuận.

"MCH cũng sẽ chú trọng xây dựng một danh mục sản phẩm vượt trội cho ngành hàng chăm sóc cá nhân và gia đình qua việc tập trung vào hoạt động nghiên cứu & phát triển, cũng như cải thiện mạng lưới phân phối cho công ty cổ phần bột giặt NET mà MCH vừa mua lại", ban điều hành Masan nhấn mạnh.

Với MML - công ty quản lý mảng dinh dưỡng, hợp lý hóa chi phí sẽ là chiến lược được áp dụng trong năm 2020 để mang lại lợi nhuận hoạt động bền vững ở mức hai chữ số.

"Dự kiến lợi nhuận hoạt động sẽ cải thiện hơn nữa khi đóng góp từ danh mục thịt mát có thương hiệu tăng lên. Cùng với việc mở rộng mạng lưới phân phối của MEATDeli trong năm 2019 cộng hưởng với hơn 3.000 điểm bán lẻ hiện đại của VCM, MEATDeli được kỳ vọng sẽ là động lực tăng trưởng chính trong tương lai gần", báo cáo của ban điều hành Masan cho hay.

Ở mảng khai khoáng, với thương vụ mua lại mảng kinh doanh Vonfram của H. C. Starck (thương vụ đang trong giai đoạn chờ phê duyệt của cơ quan quản lý), trong 5 năm tới đây, tầm nhìn của MSR là tăng trưởng và tạo ra dòng tiền ổn định qua các chu kỳ thị trường nhờ xây dựng chuỗi giá trị tích hợp trong thị trường vật liệu công nghiệp công nghệ cao.

Đối với lĩnh vực ngân hàng, ban điều hành Masan nhận định năm 2020, sự giám sát chặt chẽ sẽ mang lại rất nhiều lợi thế cho các ngân hàng tuân thủ Basel II như Techcombank.

"Tăng trưởng tín dụng sẽ gặp phải nhiều thách thức do các quy định mới thắt chặt, song song với sự phát triển của thị trường trái phiếu doanh nghiệp khi các đợt phát hành trái phiếu ra công chúng đang gia tăng mạnh mẽ. Sự bùng phát của dịch bệnh do virus corona và các động thái chính sách từ chính phủ để hỗ trợ các doanh nghiệp cũng có thể ảnh hưởng đến lợi nhuận của ngành ngân hàng trong năm nay", lãnh đạo Masan đánh giá.

Kỳ vọng doanh thu tăng hai chữ số, lợi nhuận khởi sắc trong nửa cuối năm 2020

Báo cáo của Masan nhận định triển vọng tương lai của tập đoàn này có thể bị ảnh hưởng bởi các yếu tố rủi ro, trong đó có nhiều yếu tố chúng tôi không dự đoán được nhưng tập đoàn tin rằng tác động của đại dịch sẽ ở mức tối thiểu vì phần lớn hoạt động kinh doanh của Masan hướng đến những nhu cầu thiết yếu của người tiêu dùng.

Dựa vào hoạt động kinh doanh 3 tháng đầu năm, Masan kỳ vọng doanh thu thuần hợp nhất năm 2020 của tập đoàn sẽ tăng trưởng mạnh mẽ ở mức hai chữ số, đồng thời lợi nhuận sẽ khởi sắc trong nửa cuối năm.

Về kế hoạch kinh doanh, Masan đặt mục tiêu biên EBITDA năm 2020 của VCM sẽ từ -3% đến 0, đạt mô hình hòa vốn vào nửa cuối của năm 2020.

Ưu tiên hàng đầu của công ty là hợp lý hóa hiệu quả hoạt động, bao gồm giá vốn hàng bán, kho vận và chi phí phi thương mại. Đồng thời phát triển một danh mục hàng hóa chủ chốt và đảm bảo các sản phẩm trong danh mục có mặt tại tất cả các cửa hàng, đồng thời bổ sung thêm danh mục sản phẩm phù hợp với từng khu vực.

Ngoài ra, mở cửa hàng mới một cách chọn lọc và đóng cửa các cửa hàng không đạt chỉ tiêu về lợi nhuận.

Đối với MCH, dự kiến MCH sẽ đạt tăng trưởng doanh thu trên 15% và tăng trưởng lợi nhuận hai chữ số nhờ sự đóng góp của các ngành hàng.

Cụ thể, ở phân khúc Gia vị, sẽ gia tăng tỷ trọng đóng góp của các sản phẩm cao cấp và điều chỉnh danh mục hạt nêm của chúng tôi cho phù hợp với mô hình tài chính tổng thể của ngành hàng gia vị.

Phân khúc Thực phẩm tiện lợi (bao gồm các loại thịt chế biến) tiếp tục tập trung vào chiến lược cao cấp hóa sản phẩm và dẫn đầu về danh mục bữa ăn hoàn chỉnh để đón đầu sau khi hết dịch.

Phân khúc Đồ uống sẽ tập trung tăng cường danh mục nước tăng lực và tiếp tục mở rộng thị phần bằng nhiều thương hiệu ở các phân khúc khác nhau. Bên cạnh đó, tiếp tục mở rộng mạng lưới phân phối trên toàn quốc.

Phân khúc Chăm sóc cá nhân và gia đình đã tích hợp thành công sau khi mua lại Công ty Cổ phần Bột giặt NET vào tháng 2/2020 và tạo ra giá trị cộng hưởng bằng cách tận dụng các điểm bán hàng để quảng bá thương hiệu và sản phẩm của NET.

Với MML, Masan đặt mục tiêu doanh thu từ thịt đóng góp 20% trong tổng doanh thu thuần hợp nhất và dẫn đầu trong danh mục sản phẩm thịt chế biến.

Thức ăn chăn nuôi dự kiến sẽ tăng trưởng với tốc độ vừa phải và có tiềm năng tăng mạnh nếu việc tái đàn được đẩy nhanh để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước.

Ở mảng khai khoáng, năm 2020, MSR sẽ tập trung hoàn thành việc tích hợp sau khi mua lại HCS để trở thành nhà chế biến sản phẩm vonfram cận sâu (midstream) giá trị gia tăng trên toàn cầu, qua đó giảm bớt rủi ro biến động giá cả hàng hóa theo chu kỳ.

"Xin lưu ý rằng hiệu quả hoạt động của MSR sẽ phụ thuộc vào mức độ mở cửa của nền kinh tế toàn cầu và tốc độ phục hồi sau khi dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát. Điều này sẽ quyết định giá cả hàng hóa và nhu cầu của khách hàng đối với các sản phẩm công nghệ cao của chúng tôi", phía Masan cho hay.

Cùng chuyên mục
Tin khác