Mất tỷ USD thuế với YouTube, Google...

Anh Vũ - 28/08/2019 07:59 (GMT+7)

Không chỉ thất thoát tỷ USD tiền thuế sau nhiều năm, miếng bánh quảng cáo trực tuyến của Việt Nam (VN) cũng bị các “ông lớn” Facebook, Google, YouTube... thâu tóm.

VNF
VN mất cả tỉ USD tiền thuế với các hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới Ảnh: Ngọc Thắng

Ăn hết “miếng bánh” quảng cáo trực tuyến

Sự bùng nổ của internet và kinh tế chia sẻ tại VN đang tạo nên thị trường quảng cáo trực tuyến vô cùng hấp dẫn. Theo số liệu thống kê của Google và Temasek (Singapore), doanh thu kinh tế số của VN đạt 9 tỷ USD năm 2018 và dự báo đạt 30 tỷ USD vào năm 2025. Còn theo Công ty nghiên cứu thị trường ANTS, năm 2018, tổng chi tiêu cho quảng cáo trực tuyến tại VN đạt khoảng 550 triệu USD.

Nhưng các doanh nghiệp (DN) trong nước như VCCorp, Zing, 24h... mới chỉ lấy được một ít “xương” khoảng 150 triệu USD, còn phần “nạc” ngon nhất bị các công ty lớn của nước ngoài như Facebook, Google, YouTube... gần như “xơi trọn”.

Hưởng phần “nạc” nhưng thuế thì không chảy vào ngân sách. Hiện vẫn chưa có một con số thống kê chính xác nào do VN thiếu hành lang pháp lý, công cụ để kiểm soát, song theo đánh giá sơ bộ của các cơ quan chức năng thất thu thuế đã lên tới hàng trăm triệu USD. Cụ thể, năm 2017, Bộ TT-TT công bố con số ước tính khoảng 320 triệu. Trong khi đó, kể từ khi nhảy vào VN, các công ty nước ngoài đã thâu tóm 95% thị phần quảng cáo mạng xã hội; 98% công cụ tìm kiếm; 80% thương mại điện tử... cùng với sự bùng nổ mạnh mẽ trong năm 2018 - 2019 và thời gian tới thì số tiền thuế chúng ta mất đi cũng lên đến cả tỷ USD.

Đơn cử như trường hợp của Facebook, thu nhập của mạng xã hội này tại VN tăng gấp 4 lần trong vòng 5 năm qua, tuy nhiên Bộ TT-TT cũng đã chỉ rõ, Facebook không thực hiện nghĩa vụ thuế nào đối với VN. Cụ thể là không nộp thuế nhà thầu đối với doanh thu quảng cáo...

Khi cần quảng cáo, khách hàng phải làm việc trực tiếp với Facebook. Chi phí thanh toán bằng thẻ tín dụng và những khoản chi kiểu này, dù chỉ khoảng 10% tổng ngân sách tiếp thị hằng năm, không được khấu trừ, cũng không bao giờ có hóa đơn để đưa vào chi phí.

Ông Lưu Đức Huy, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Tổng cục Thuế, cũng thừa nhận quản lý thu thuế nhà thầu đối với các giao dịch thương mại điện tử xuyên biên giới hiện nay vẫn còn bất cập, nhất là đối với các thu nhập phát sinh từ các trang mạng xã hội như Google, Facebook, YouTube... Các DN này đều có tốc độ tăng trưởng nhanh, một số DN có doanh thu hằng năm hàng trăm tỉ đồng, các cá nhân thu nhập hàng chục tỉ đồng.

Các khoản thu nhập này đều được chuyển về VN cho người thụ hưởng thông qua các ngân hàng thương mại tại VN. Tuy nhiên, chỉ có một số DN thực hiện kê khai nộp thuế, còn lại là các nhà thầu nước ngoài và nhiều cá nhân phát sinh thu nhập nhưng vẫn chưa kê khai nộp thuế. Đối với loại hình quảng cáo trực tuyến bằng Google, Facebook, nhiều tổ chức cá nhân chưa kê khai, nộp thay thuế giá trị gia tăng (VAT) và thuế thu nhập DN đối với thu nhập phát sinh tại VN.

Bảo hộ ngược, doanh nghiệp nội teo tóp

Ngân sách thất thu, song việc các công ty nước ngoài bành trướng khiến các DN nội bị lép vế, mất dần thị phần. Cuộc chơi ngày càng trở nên khốc liệt khi mới đây, Netflix - công ty chuyên cung cấp dịch vụ truyền dữ liệu video theo yêu cầu hàng đầu của Mỹ bắt đầu mang các sản phẩm truyền hình của mình xuyên biên giới vào VN.

Trước đó, hai ứng dụng xuyên biên giới gồm WeTV và iQIYI của Trung Quốc cũng bất ngờ kinh doanh dịch vụ truyền hình gây thu hút sự chú ý trong lĩnh vực này. Cả hai ứng dụng này đến từ hai thương hiệu kinh doanh nội dung số lớn của Trung Quốc là Tencent và Baidu. Mức phí hằng tháng hoặc quý mà cả hai ứng dụng này cung cấp tại VN cũng rất cạnh tranh và khá rẻ so với các ứng dụng OTT (dữ liệu được cung cấp trên nền tảng internet) trong nước.

Tại một cuộc hội thảo vừa diễn ra, ông Trần Văn Úy, Chủ tịch Hiệp hội Truyền hình trả tiền VN (VNPayTV), Tổng giám đốc Truyền hình cáp SCTV, bày tỏ lo ngại khi các dịch vụ OTT xuyên biên giới vào VN đang trốn 3 loại thuế và không chịu sự kiểm duyệt nội dung.

Theo ông Úy, các dịch vụ OTT xuyên biên giới không nộp thuế nhập khẩu, thuế nhà thầu đối với các quảng cáo mà họ cài sẵn trên nội dung và còn trốn cả thuế VAT tại VN. Đồng thời, vấn đề về kiểm duyệt nội dung, các doanh nghiệp OTT trong nước khi đưa lên OTT cũng phải duyệt từng câu, từng chữ, từng dấu chấm, dấu phẩy thì các dịch vụ OTT xuyên biên giới không phải kiểm duyệt.

Ngoài thương mại điện tử, truyền hình, thì các loại game xuyên biên giới cũng đang đại náo thị trường VN. Theo số liệu 6 tháng đầu năm 2019, doanh thu từ game không phép đang chiếm khoảng 30% toàn thị trường. Điều này gây ra thất thoát lớn cho ngân sách nhà nước và bên cạnh đó là những bất cập về quản lý nội dung. Đã có nhiều ý kiến lo ngại, nếu chỉ thu thuế của DN trong nước (phải nộp thuế VAT, thuế nhà thầu, thuế thu nhập DN...), không thu được DN xuyên biên giới thì lại thành tình trạng bảo hộ ngược, tức là các DN trong nước phải chịu nhiều quy định bất công hơn hẳn so với DN xuyên biên giới.

Theo ông Dương Thế Lương, Phó tổng giám đốc Tổng công ty truyền thông đa phương tiện VTC, gần đây các DN trong nước còn phải đối mặt với cạnh tranh từ các nhà cung cấp dịch vụ xuyên biên giới. Khoảng 3 năm trở lại đây, thị trường trò chơi trực tuyến VN tràn ngập, không được cấp phép hoạt động theo đúng quy định pháp luật. Điều này đã và đang làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới sự an toàn của người chơi, gây thất thu ngân sách nhà nước, ảnh hưởng tới uy tín, hoạt động của các DN phát hành trò chơi trực tuyến chính thống tại VN, thậm chí có thể ảnh hưởng tới chủ quyền và an ninh quốc gia do không kiểm soát được nội dung.

Theo TNO
Cùng chuyên mục
Tin khác