Thị trường

Mekong Connect 2021: Bàn cách phục hồi kinh tế và liên kết phát triển trong bình thường mới

(VNF) - Mekong Connect 2021 – Diễn đàn “Liên kết phát triển TP. HCM và các tỉnh, thành Đồng bằng Sông Cửu Long 2021” sẽ chính thức khai mạc vào ngày 17/12/2021, tại Hội trường Thống Nhất (số 135 đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, phường Bến Thành, quận 1, TP. HCM). Đây là lần đầu tiên (sau 5 lần diễn ra) Mekong Connect được tổ chức tại TP. HCM.

Mekong Connect 2021: Bàn cách phục hồi kinh tế và liên kết phát triển trong bình thường mới

Mekong Connect 2021: Bàn cách phục hồi kinh tế và liên kết phát triển trong bình thường mới. (Ảnh minh họa)

Mekong Connect 2021 có chủ đề “Phục hồi kinh tế và liên kết phát triển trong bình thường mới” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND TP. HCM và Bộ Khoa học – Công nghệ đồng chủ trì. Sở Công thương TP. HCM, Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Chi nhánh tại Cần Thơ (VCCI Cần Thơ) là những đơn vị phối hợp thực hiện.

Mekong Connect 2021 được tổ chức dưới hình thức kết hợp trực tiếp và trực tuyến với sân khấu thực tế ảo nhằm đảm bảo công tác phòng dịch. Theo đó, ở phần trực tiếp tại Hội trường Thống Nhất, dự kiến có khoảng 250 đại biểu tham gia, gồm doanh nhân, nông dân, đại diện các hợp tác xã, lãnh đạo các bộ ngành trung ương, các nhà quản lý nhà nước TP. HCM và các tỉnh thành Đồng bằng Sông Cửu Long, các chuyên gia trong và ngoài nước đang làm việc tại Việt Nam, đại diện các cơ quan ngoại giao, hiệp hội doanh nghiệp các nước, các nhà đầu tư nông nghiệp và công nghệ, doanh nghiệp khởi nghiệp... và giới báo chí truyền thông.

Mekong Connect 2021 sẽ diễn ra trong ngày 17/12/2021, theo đó vào lúc 8h30’ sẽ diễn ra Lễ khai mạc. Tại đây, lãnh đạo đến từ các bộ ngành Trung ương, TP. HCM, các Tỉnh, thành đồng bằng Sông Cửu Long; các diễn giả, chuyên gia... sẽ trao đổi, thảo luận sâu, gợi mở về 2 chủ đề lớn “phục hồi kinh tế” và “liên kết phát triển” trong bình thường mới giữa TP. HCM và các tỉnh, thành Đồng bằng Sông Cửu Long 2021.

Ngay sau lễ khai mạc sẽ là diễn đàn trực tuyến về “Kinh nghiệm đầu tư vào nông nghiệp” của các doanh nhân Thái Lan, Philippines, Malaysia, Indonesia.

Buổi trưa từ 12h00 sẽ diễn ra chương trình giao lưu trực tiếp với các gương mặt đạt giải cao tại cuộc thi dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp do Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam Chất lượng cao tổ chức.

Buổi chiều từ 13h30’ sẽ diễn ra cùng lúc 4 phiên thảo luận với 4 chủ đề thiết thực trong mối quan tâm, cộng hưởng mang tính gắn kết, chia sẻ giữa TP. HCM và các tỉnh, thành đồng bằng Sông Cửu Long.

Ngoài ra, song hành với diễn đàn là các hoạt động thực chiến xuyên suốt, như trưng bày – triển lãm các sản phẩm nông nghiệp – công nghệ cao, tư vấn về tiêu chuẩn cần chinh phục để tham gia các chuỗi cung ứng hiện đại và xuất khẩu, tư vấn công nghệ chế biến mới, giới thiệu hợp tác công tư – công nông...

Trước phiên khai mạc diễn đàn năm nay, các đơn vị thực hiện gồm Sở Công Thương, Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam Chất lượng cao, VCCI Cần Thơ đã tổ chức nhiều phiên trù bị (online và offline) với sự tham gia của nhiều chuyên gia, các nhà nghiên cứu, các nhà quản lý, doanh nông... thảo luận, phản biện về nội dung các chủ đề tại diễn đàn năm nay.

Cụ thể, tại phiên trù bị về chủ đề “nguồn nhân lực”, PGS TS Lê Anh Tuấn, đến từ Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu, Đại học Cần Thơ, cho biết: “Theo khảo sát của tôi, số người rời thành phố về quê thì khoảng một nửa sẽ quay lại. Thường những người quay lại là có khả năng linh hoạt tốt hơn. Tức người có tay nghề, có thể xoay trở theo cách này hoặc cách khác. Người trở về nếu có sự linh hoạt, dù không được học hành bài bản thì nếu có sự hỗ trợ vẫn có thể thích ứng”.

Trong khi đó ông Phạm Phú Ngọc Trai, Chủ tịch GIBC, đặt vấn đề “Tầm nhìn, chiến lược” từ nguồn lực hạn chế. Theo đó, một trong những mục đích nội dung của Mekong Connect 2021 là làm sao tạo được nguồn lực tốt nhất cho phục hồi và phát triển. Giáo dục, đào tạo: Ngành ưu tiên, phục vụ việc gì? Nguồn lực phát triển như thế nào (ngắn hạn, dài hạn)?

“Đầu tiên, nên có suy nghĩ rộng ra. Nguồn lực trong cả nước và đồng bằng nói riêng, đều có sự liên quan, cần có chiến lược xuyên suốt. Thời gian qua có nhiều bất cập. Mô hình cần học nhất là thực tế các doanh nghiệp tiên tiến đang đi. Ví dụ, Vinamit, Mỹ Lan với cái nhìn chiến lược rất sâu). Nhìn nhận mô hình phù hợp sẽ tạo điều kiện cho những điểm sáng cho các bên liên quan tự phát hiện, có cách nhìn chủ động hơn. Từ đó, nâng chiến lược của đồng bằng, sức mạnh của những mô hình dẫn dắt”, ông Phạm Phú Ngọc Trai nhận định.

Cũng theo ông Trai, liên kết vùng là mô hình hợp lý nhất trong điều kiện như hiện nay.

Tin mới lên