Thị trường

'Mỗi bộ kít vài chục nghìn nhưng xét nghiệm nhanh doanh nghiệp phải trả 200 nghìn đồng/lần'

(VNF) - Ông Trần Đức Nghĩa, Uỷ viên BCH Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam cho hay: "Tại Châu Âu và Bắc Mỹ đều bán bộ kit ra thị trường, nhưng tại sao trong nước lại đang bị cấm? Chi phí mỗi bộ kit vài chục nghìn, trong khi thực hiện xét nghiệm nhanh tại các bệnh viên, trung tâm y tế ít nhất doanh nghiệp phải chi 200 nghìn đồng/lần".

'Mỗi bộ kít vài chục nghìn nhưng xét nghiệm nhanh doanh nghiệp phải trả 200 nghìn đồng/lần'

Vì thế, ông Trần Đức Nghĩa kiến nghị: "Nên cho doanh nghiệp tự mua bộ xét nghiệm để chúng tôi tự thực hiện cho lái xe của mình. Thực tế, năng lực của ngành y tế không thể đảm bảo xét nghiệm cho hàng triệu lái xe. Làm được điều này vừa giúp dành nguồn lực cho hoạt động chống dịch khác, vừa giúp doanh nghiệp vận tải giảm chi phí".

Ông Nghĩa cũng ví dụ, từ năm 2020, khi dịch bệnh mới bùng phát, chúng ta còn chưa có kinh nghiệm ứng phó, đã có mô hình từ Lạng Sơn hay Lào Cai để đảm bảo lưu thông hàng hoá xuất nhập khẩu, tránh gây đứt gãy nguồn cung.

Hay gần đây kinh nghiệm tại Bắc Giang cũng rất tốt, nhằm tháo gỡ, lưu thông hàng hoá, đặc biệt là nông sản đã tiêu thụ nhanh. Cũng tại Bắc Giang, UBND tỉnh đã thực hiện hướng dẫn cho người dân tự thực hiện bộ kit để tự xét nghiệm cho mình. Kinh nghiệm này cần được triển khai diện rộng trên toàn quốc.

Nói về những khó khăn khi lái xe liên tục bị thực hiện test covid, ông Trần Văn Hào, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty Thái Việt Trung cho biết: Từ ngày bùng phát dịch tới nay các chính sách, quy định gây vướng rất nhiều cho DN vận tải. Quy định của Chính phủ và quy định của địa phương không thống nhất.

"Đó là chưa kể khi xuống tới các cơ sở nhà máy, mỗi nơi lại có thêm quy định khác. Trong khi đó, các quy định này có hiệu lực nhanh, doanh nghiệp (DN) không sao xoay sở kịp, thiệt hại cho cả đơn vị vận tải và chủ hàng là vô cùng lớn.

Đơn cử quy định về xét nghiệm Covid-19 bằng phương pháp nào, thời hạn ra sao, mỗi địa phương lại áp dụng cách thức khác nhau.

Ví dụ như  Hải Dương, đùng 1 cái không cho lái xe Bắc Ninh, Bắc Giang đi vào; Hay tại Quảng Ninh, khi vào tỉnh, lái xe đã test PCR rồi khi vào bến bãi tại cửa khẩu lại phải test thêm lần nữa… Do đó DN mong muốn, quy định của Chính phủ và bộ ngành cần có hướng dẫn cụ thể, thống nhất cách làm từ trên xuống dưới.

Hay đối với giải pháp “luồng xanh” dù đã được áp dụng song vẫn còn tình trạng ách tắc tại các điểm chốt dịch. Đơn cử điểm nút cầu Phù Đổng- Pháp Vân, tối ngày 25-26/7 ùn tắc kéo dài, các phương tiện dán có mã QR vẫn phải dừng lại đứng chờ cùng với các xe khác. Do đó, thời gian tới, chúng tôi hy vọng các giải pháp phân luồng từ xa để các xe “luồng xanh” di chuyển đúng như mục tiêu ban đầu mà giải pháp đề ra.

Ngoài ra, ông Trần Văn Hào cũng chia sẻ: "Khó khăn nhất của doanh nghiệp là test Covid, không chỉ các tỉnh, mà các nhà máy cũng yêu cầu test PCR rất phức tạp và tốn kém.

Cụ thể, khi chúng tôi vào nhà máy LG Hải Phòng thì xe vào đã phải test covid, khi quay trở lại nhà máy đã hết hạn, 1 chuyến hàng phải test 2 lần, chi phí đội lên rất lớn.

Hay như quy định về con người và phương tiện với một số nhà máy tại Hải Dương, Bắc Ninh cấm biển số xe đến từ các vùng dịch, cũng gây khó khăn. Rõ ràng chủ thể gây lây lan dịch bệnh là con người chứ không phải phương tiện, do đó cần phải xem xét lại.

"Vấn đề là làm sao có giải pháp thống nhất việc xét nghiệm Covid bằng việc thống nhất thời hạn, quy trình test và hoạt động của lái xe, không chỉ cấp luồng xanh cho phương tiện mà còn có cả luồng xanh cho con người. Có như vậy mới đảm bảo nguồn lực lao động, chứ nếu chỉ có phương tiện mà không có con người thì cũng khó có thể hoạt động", ông Hào nói.

>>> https://vietnamfinance.vn/un-tac-tai-hai-phong-khien-cac-doanh-nghiep-van-tai-dot-100-ty-dongngay-20180504224256339.htm

Tin mới lên