Moody’s xem xét hạ tín nhiệm FE Credit, Home Credit và SHB Finance

PV - 09/04/2020 11:43 (GMT+7)

Moody’s đang xem xét hạ xếp hạng tín nhiệm của ba công ty tài chính Việt Nam và hai ngân hàng mẹ có sở hữu công ty tài chính tại Việt Nam để xem xét hạ bậc tín nhiệm.

VNF
Cho vay tiêu dùng có nguy cơ bị tổn thương nghiêm trọng bởi dịch bệnh

Ba công ty tài chính mà Moody’s xem xét hạ bậc tín nhiệm là FE Credit, Home Credit và SHB Finance. Hai ngân hàng liên đới bị xem xét hạ bậc tín nhiệm là VPBank (sở hữu FE Credit) và SHB (sở hữu SHB Finance).

Theo Moody’s, sự lan rộng, bùng phát nhanh chóng của Covid-19 đã làm suy giảm triển vọng kinh tế toàn cầu. Giá dầu, giá tài sản giảm đang tạo ra một cú sốc tín dụng nghiêm trọng và rộng khắp trên nhiều lĩnh vực, khu vực và thị trường. 

“Ngành tài chính tiêu dùng tại Việt Nam dễ bị tổn thương. Việc xem xét hạ tín nhiệm của Moody’s phản ánh mức độ nghiêm trọng của cú sốc Covid-19 tới các công ty tài chính tiêu dùng Việt Nam và ngân hàng mẹ, đặc biệt là sự suy giảm chất lượng tín dụng mà dịch bệnh gây ra”, báo cáo của Moody’s nhận định.

Mặc dù Chính phủ Việt Nam đã đưa ra biện pháp cách ly xã hội, cấm người nước ngoài vào Việt Nam, hạ lãi suất điều hành, khuyến khích các tổ chức tín dụng hỗ trợ người vay, thực hiện các giải pháp an sinh xã hội… Song theo Moody’s, thành công của các biện pháp này sẽ phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng và thời gian bùng phát của dịch bệnh kéo dài đến đâu.

Việc xem xét hạ bậc tín nhiệm với 3 công ty tài chính và 2 ngân hàng trên phản ánh lo ngại của Moody’s về cú sốc kinh tế do Covid-19, cho rằng dịch bệnh có thể gây tác động tiêu cực đến chất lượng tài sản, lợi nhuận và thanh khoản của các công ty tài chính tiêu dùng do hồ sơ của người vay đa phần rất rủi ro.   

Cụ thể, cả ba công ty tài chính là FE Credit, Home Credit và SHB Finance có nhiều sản phẩm cho vay tiêu dùng tín chấp, nhắm vào phân khúc khách hàng thu nhập thấp – đây là những  người dễ bị tổn thương trước những cú sốc kinh tế. Hơn nữa, thất nghiệp có nguy cơ gia tăng sẽ làm suy yếu khả năng trả nợ của nhóm khách hàng phân khúc này, do nguồn thu nhập bị hạn chế, thiếu ổn định.

Ngoài ra, vị thế tài chính và thanh khoản của các công ty tiêu dùng có thể xấu đi do không còn được các ngân hàng cho vay, hoặc không thể phát hành chứng chỉ tiền gửi. Nguy cơ bị gián đoạn tiền gửi khiến các công ty tài chính này đứng trước rủi ro phải tái cấp vốn.

Với VPBank, Moody’s cho rằng, cơ quan này xem xét hạ tín nhiệm với ngân hàng là trên cơ sở đánh giá tác động tiêu cực của FE Credit tới ngân hàng hợp nhất. Dư nợ tín dụng của FE Credit chiếm 22% tổng dư nợ tín dụng hợp nhất của VPBank nhưng lại là yếu tố thúc đẩy doanh thu chính, đóng góp vào khoảng 43% lợi nhuận hợp nhất của ngân hàng.

Vì vậy, việc FE Credit suy yếu sẽ gây áp lực lên chất lượng tài sản và lợi nhuận của VPBank. Bên cạnh lo ngại về lĩnh vực tài chính tiêu dùng, Moody’s cũng lưu ý đến chất lượng cho vay một số lĩnh vực khác của VPBank như: bán buôn và bán lẻ, xuất khẩu, các lĩnh vực liên quan đến du lịch.

Cũng với lý do tương tự, Moody’s cho rằng, sự suy giảm chất lượng tín dụng của SHB Finance chỉ tác động khiêm tốn đến ngân hàng mẹ SHB vì hiện Công ty tài chính SHB mới chỉ chiếm 1% tổng tài sản hợp nhất vào cuối tháng 6/2019. Mặc dù chất lượng tài sản của SHB đã được cải thiện vào năm 2019, song Moody’s vẫn xem xét hạ tín nhiệm của ngân hàng này do lo ngại đến các khoản vay cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNNVV), hiện chiếm 31% tổng dư nợ tại SHB.  So với các ngân hàng Việt Nam được xếp hạng khác, dự trữ tổn thất cho vay và vốn hóa của SHB rất yếu và sẽ cung cấp ít bộ đệm chống lại rủi ro gia tăng.

Sẽ tiếp tục đánh giá

Phủ nhận khả năng nâng bậc xếp hạng tín nhiệm của các tổ chức tín dụng trên, song Moody’s cũng chưa xác nhận sẽ hạ bậc tín nhiệm. Moody’s cho rằng có thể xếp hạng tín nhiệm 5 tổ chức tín dụng này với triển vọng ổn định hoặc tiêu cực tùy thuộc vào điều kiện kinh tế vĩ mô ở Việt Nam, mức độ nghiêm trọng và thời gian bùng phát của dịch bệnh.

Riêng với 3 công ty tài chính là Home Credit, FE Credit và SHB Finance, việc xem xét hạ bậc tín nhiệm của Moody sẽ dựa vào đánh giá khả năng quản lý rủi ro tín dụng và thanh khoản của các công ty. Hãng xếp hạng này cũng tập trung vào đánh giá hiệu quả của các phản ứng chính sách trong nước và toàn cầu trong việc hỗ trợ tăng trưởng, mức độ lây lan và tác động của dịch bệnh tới nền kinh tế. Việc hạ xếp hạng sẽ xảy ra nếu khả năng thanh toán và khả năng thanh khoản của các công ty suy yếu do dịch bệnh kéo dài và quản lý rủi ro yếu kém.

Với hai ngân hàng mẹ là VPBank và SHB, xem xét, đánh giá của Moody sẽ tập trung vào chất lượng của các khoản vay tài chính tiêu dùng cũng như khoản vay các lĩnh vực bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Theo đó, BCA của các ngân hàng này có thể bị hạ cấp nếu khả năng thanh toán của các ngân hàng suy yếu do sự bùng phát kéo dài của dịch bệnh.       

Theo Đầu tư
Cùng chuyên mục
Tin khác