Một năm chiến sự Nga - Ukraine: EU tung gói trừng phạt thứ 10

Thuỷ Bình - 25/02/2023 09:27 (GMT+7)

(VNF) - Các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã đồng thuận về gói trừng phạt thứ 10 đối với Nga, bao gồm hạn chế xuất khẩu và kiểm soát công nghệ chặt chẽ hơn, cũng như yêu cầu các ngân hàng báo cáo thông tin về Ngân hàng Trung ương Nga và các tài sản bị trừng phạt khác mà họ nắm giữ.

VNF
EU áp gói trừng phạt thứ 10 nhằm vào Nga và các quốc gia hỗ trợ Moscow.

Theo đại diện Thuỵ Điển tại EU, các đặc phái viên của khối đã ký kết gói biện pháp trừng phạt mới vào thứ Sáu (24/2), nới rộng các biện pháp hạn chế kinh tế Nga sau 1 năm chiến sự bắt đầu.

Đặc phái viên Thụy Điển cho biết EU cũng áp đặt các biện pháp chống lại các cá nhân và tổ chức hỗ trợ chiến tranh, truyền bá tuyên truyền hoặc vận chuyển máy bay không người lái do Nga sử dụng.

Theo gói trừng phạt thứ 10, các hạn chế của EU nhắm mục tiêu kiểm soát xuất khẩu đối với nhiều công nghệ, linh kiện điện tử được sử dụng trong các thiết bị như máy bay không người lái, tên lửa, trực thăng và cho các mục đích quân sự khác, cũng như hạn chế xuất khẩu xe hạng nặng cho Nga. 

Khối cũng trừng phạt 7 thực thể của Iran, bao gồm cả những thực thể có liên quan đến Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran, áp đặt các hạn chế thương mại đối với việc cung cấp máy bay không người lái của Tehran cho Nga.

Ba Lan trước đó đã đồng ý hỗ trợ có điều kiện cho gói trừng phạt mới nhất, theo đại sứ của nước này tại khối, ông Andrzej Sados. Ông Sados cho biết các điều kiện bao gồm một cơ chế giám sát để chấm dứt nhập khẩu cao su của Nga và bắt đầu thực hiện các biện pháp trừng phạt đối với Belarus.

Được biết, đã có nhiều cuộc đàm phán kéo dài giữa các thành viên EU trước khi đạt được đồng thuận. Một nhà ngoại giao cho biết gói này đã bị trì hoãn hơn 2 ngày, khiến EU không thể chắc chắn có thể đưa ra gói trừng phạt vào ngày 24/2, mốc 1 năm kể từ khi chiến sự nổ ra, vì sự đồng thuận chính thức, theo các thủ tục của EU, phải tới sáng thứ Bảy (25/2) mới hoàn thiện.

Các biện pháp mới của EU được đưa ra trong bối cảnh thúc đẩy thực thi tốt hơn các biện pháp trừng phạt hiện có và trấn áp các công ty lách luật. Một nhóm các quốc gia thành viên đang thúc giục khối tăng cường "đánh" những nước giúp Nga lách lệnh trừng phạt, bao gồm cả việc sử dụng các biện pháp thương mại.

Ngoài ra, Mỹ và các quốc gia thuộc G-7 sẽ áp đặt các biện pháp kiểm soát xuất khẩu mới và một đợt trừng phạt mới đối với Nga, Nhà Trắng cho biết trước đó vào thứ Sáu. Các biện pháp này sẽ trừng phạt các ngành công nghiệp quốc phòng và năng lượng của Nga, các tổ chức tài chính và hơn 200 cá nhân.

Ngày 24/2/2022, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã khởi động chiến dịch quân sự đặc biệt, đưa quân vào Ukraine.

Tròn 1 năm sau khi chiến sự bắt đầu, trong bài phát biểu mới nhất, Tổng thống Nga tuyên bố sẽ tiếp tục chiến dịch đến khi đạt được mục tiêu đề ra, báo hiệu chiến sự sẽ không sớm kết thúc dù phải chịu áp lực tứ phía. Truyền thông phương Tây thời gian gần đây cũng liên tục đưa tin Moscow đang chuẩn bị cho các cuộc tấn công lớn vào Ukraine. 

Đáp lại, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenski hôm 24/2 cũng khẳng định năm 2023 sẽ là năm "chiến thắng" cho Kiev. Quốc gia này hiện vẫn đang kiên cường đáp trả những đợt tấn công mạnh mẽ của Moscow nhờ nguồn tài lực và vật lực "khổng lồ" của các quốc gia Liên minh châu Âu và Mỹ.

Xem thêm >> Vì sao kinh tế Nga 'đứng vững' trong 1 năm chiến sự?

Theo Bloomberg
Cùng chuyên mục
Tin khác