Thâm nhập khu đất xây dựng Tổ hợp Hòa Xuân hơn 3.500 tỷ ở Đà Nẵng
(VNF) - Khu đất sắp đấu giá để thực hiện dự án Tổ hợp, thể thao giải trí và thương mại Hòa Xuân có diện tích rộng 101 ngàn m2.
2023 là một năm đầy thăng trầm của cổ phiếu bán lẻ gắn liền với diễn biến tâm lý cũng đầy thăng trầm của nhà đầu tư.
Từ bi quan…
Nhu cầu mua sắm suy yếu, đặc biệt đối với hàng tiêu dùng không thiết yếu như đồ điện tử, cộng thêm tác động từ cuộc chiến giá rẻ nhằm gia tăng thị phần, đã khiến cho lợi nhuận của Công ty Đầu tư Thế Giới Di Động (HoSE: MWG) lao dốc không phanh. Trong năm 2022, lợi nhuận sau thuế của MWG đã liên tục suy giảm theo từng quý và chốt quý cuối năm ở mức 619 tỷ đồng. Tuy nhiên, sang đến quý I/2023, tình hình trở nên hết sức tồi tệ khi lợi nhuận sau thuế giảm xuống chỉ còn vỏn vẹn… 21 tỷ đồng.
Thị giá MWG cũng phản ứng tiêu cực theo sự suy giảm đột ngột của lợi nhuận. Giả định rằng thị trường chứng khoán cần 1 tháng để hấp thụ kết quả kinh doanh (bởi thông thường, doanh nghiệp công bố báo cáo tài chính 1 tháng sau khi kết thúc quý), thì thị giá MWG đã giảm từ mức 45.900 đồng/cổ phiếu (kết phiên cuối tháng 1/2023) xuống 39.200 đồng/cổ phiếu (kết phiên cuối tháng 4/2023), tương đương mức giảm 15%, trong khi cùng khoảng thời gian, chỉ số VN-Index chỉ giảm 6%.
Không chỉ MWG mà các cổ phiếu bán lẻ khác cũng diễn biến tương tự. Cụ thể, giá cổ phiếu FRT của Công ty Bán lẻ Kỹ thuật số FPT giảm 14% trong cùng khoảng thời gian, khi lợi nhuận sau thuế của FRT giảm từ 97 tỷ đồng trong quý IV/2023 xuống chỉ còn 2 tỷ đồng trong quý II/2023. Trong khi đó, cổ phiếu DGW của Công ty Thế giới số - một doanh nghiệp bán lẻ lai bán buôn - ghi nhận mức giảm giá lên tới 22%, sau khi lợi nhuận sau thuế của DGW giảm từ 156 tỷ đồng trong quý IV/2023 xuống 82 tỷ đồng trong quý I/2023.
Tâm lý bi quan lan sang cả cổ phiếu PNJ của Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận. Theo đó, mặc dù lợi nhuận sau thuế quý I/2023 lên tới 749 tỷ đồng, cao hơn hẳn con số 466 tỷ đồng của quý IV/2022 nhưng thị giá PNJ vẫn suy giảm 15% trong giai đoạn cuối tháng 1/2023 – cuối tháng 4/2023.
… đến kỳ vọng
Sau bi quan là kỳ vọng. Với niềm tin rằng lợi nhuận của các doanh nghiệp bán lẻ đã ở vùng đáy và sẽ dần dần phục hồi theo đà phục hồi của nhu cầu tiêu dùng, thêm vào đó, kinh nghiệm trên thế giới cho thấy cổ phiếu hàng tiêu dùng không thiết yếu (MWG, FRT, DGW, PNJ đều chủ yếu bán hàng tiêu dùng không thiết yếu) là một trong những loại cổ phiếu ghi nhận màn trình diễn tốt nhất và sớm nhất trong thời kỳ phục hồi của chu kỳ kinh tế, đã tạo sức bật rất mạnh cho các cổ phiếu ngành này.
Kỳ vọng này lớn đến mức nhà đầu tư sẵn sàng trả giá cao và chấp nhận thêm một quý kinh doanh khó khăn nữa để “đi trước một bước” trong một con sóng lớn.
Theo đó, giá cổ phiếu MWG đã tăng tới 37%, từ mức 39.200 đồng/cổ phiếu (chốt phiên cuối tháng 4/2023 – tức 1 tháng sau khi quý I/2023 kết thúc) lên 53.700 đồng/cổ phiếu (chốt phiên cuối tháng 7/2023 – tức 1 tháng sau khi quý II/2023 kết thúc), bất chấp lợi nhuận sau thuế quý II/2023 của MWG còn thấp hơn quý I/2023, chỉ đạt 17 tỷ đồng.
Thị giá FRT cũng tăng mạnh 39% trong cùng khoảng thời gian, dù kết quả kinh doanh hết sức tồi tệ khi công ty lỗ sau thuế tới 215 tỷ đồng trong quý II/2023. Với DGW, mức tăng còn ấn tượng hơn khi có thêm 58% giá trị, trong bối cảnh lợi nhuận sau thuế nhích nhẹ từ 82 tỷ đồng trong quý I/2023 lên 87 tỷ đồng trong quý II/20223.
Hiệu ứng này cũng xảy ra ở PNJ, nhưng mức độ tăng nhẹ nhàng hơn. Cụ thể, lợi nhuận quý II/2023 của PNJ giảm xuống 338 tỷ đồng (từ mức 749 tỷ đồng ở quý liền trước) trong khi thị giá PNJ tăng 9% trong giai đoạn cuối tháng 4/2023 – cuối tháng 7/2023.
Trong cùng khoảng thời gian, chỉ số VN-Index tăng 17%, cũng nhờ kỳ vọng của toàn thị trường rằng nền kinh tế đã tạo đáy và sẽ nhanh chóng phục hồi, kéo theo đó, lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết cũng được dự báo sẽ sớm phục hồi mạnh.
Phân hóa
Khi kết quả kinh doanh quý III/2023 của các doanh nghiệp niêm yết lộ diện, giới đầu tư mới nhận ra rằng họ đã trả giá quá cao cho sự kỳ vọng. Số liệu thống kê cho thấy, tổng lợi nhuận sau thuế quý III/2023 của các doanh nghiệp niêm yết thậm chí còn thấp hơn cả quý II/2023. Do đó, VN-Index đã phải điều chỉnh lại kỳ vọng, khiến chỉ số này giảm từ mức 1.222,9 điểm (chốt phiên cuối tháng 7/2023 – tức 1 tháng sau khi quý II/2023 kết thúc) xuống chỉ còn 1.028,19 điểm (chốt phiên cuối tháng 10/2023 – tức 1 tháng sau khi quý III/2023 kết thúc), tương đương mức giảm tới 16%.
Cổ phiếu bán lẻ - vốn dĩ gắn liền với kỳ vọng phục hồi kinh tế - cũng bị điều chỉnh mạnh khi kết quả kinh doanh quý III/2023 của các doanh nghiệp bán lẻ chưa thể bứt phá khỏi vùng đáy. Trong khi VN-Index giảm đến 16% thì thị giá MWG giảm tới 30%, trong bối cảnh lợi nhuận sau thuế quý III/2023 của MWG chỉ vỏn vẹn 39 tỷ đồng, dù tăng so với quý liền trước nhưng không đáng kể so với mức lãi hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng mỗi quý trước đây. Đáng chú ý, thị giá MWG đã phá đáy 3 năm trong phiên 1/11 khi chốt ở mức 35.100 đồng/cổ phiếu.
Hiệu ứng này cũng đẩy thị giá DGW giảm mạnh 21% trong cùng khoảng thời gian. Trong quý III/2023, DGW đạt lợi nhuận sau thuế 103 tỷ đồng, dù có tăng khá so với quý liền trước (87 tỷ đồng) nhưng vẫn thấp hơn nhiều giai đoạn quý IV/2021 – quý IV/2022.
Trong vòng xoáy chung, thị giá PNJ cũng giảm 12% trong bối cảnh lợi nhuận sau thuế quý III/2023 tiếp tục giảm xuống 253 tỷ đồng (tức giảm 25% so với quý liền trước).
Riêng FRT đi ngược dòng khi tăng 14%, lên 87.000 đồng/cổ phiếu vào cuối tháng 10/2023. Thậm chí, thị giá FRT đã cán mốc 100.000 đồng/cổ phiếu chốt phiên 8/11, qua đó phá đỉnh lịch sử. Đà tăng ấn tượng này được cho là bởi triển vọng kinh doanh tươi sáng của chuỗi nhà thuốc Long Châu của FRT. Lũy kế 9 tháng năm 2023, doanh thu của chuỗi nhà thuốc Long Châu đạt 11.088 tỷ đồng, tăng trưởng 69% so với cùng kỳ năm ngoái và đã chiếm gần một nửa tổng doanh thu của FRT.
Tính đến cuối tháng 9/2023, số cửa hàng thuốc Long Châu đã lên đến 1.384, vượt xa số cửa hàng FPT Shop vốn ở mức 791 cửa hàng ở cùng thời điểm.
Điểm đáng chú ý là trong quý III/2023, tỷ suất lợi nhuận gộp trên doanh thu thuần (biên lợi nhuận gộp) của FRT đạt 16,6%, cao nhất lịch sử kể từ quý II/2016. Đối với các doanh nghiệp bán lẻ, biên lợi nhuận gộp là chỉ số quan trọng bậc nhất đánh giá năng lực cạnh tranh và hiệu quả kinh doanh. Do đó, việc biên lợi nhuận gộp của FRT phá đỉnh đem đến kỳ vọng rằng chiến lược dồn lực phát triển chuỗi nhà thuốc Long Châu của FRT đang phát huy hiệu quả.
Bên cạnh đó, các vòng huy động vốn thành công trước đây với định giá khá cao của chuỗi nhà thuốc Pharmacity cũng đem đến cho nhà đầu tư cổ phiếu FRT kỳ vọng về mức định giá cao của chuỗi Long Châu.
Ngoài ra, một yếu tố khác cũng thúc đẩy giá cổ phiếu FRT tăng vọt là “tính cách” của cổ phiếu này. Trong lịch sử vài năm trở lại đây, FRT là một trong số ít cổ phiếu có tên tuổi được “kéo” theo cách “bạo tay” nhất trên sàn HoSE. Còn nhớ, hồi giữa năm 2021, từ mức giá khoảng 15.000 - 20.000 đồng/cổ phiếu, thị giá FRT đã tăng lên gần 100.000 đồng vào tháng 4/2022, tức là tăng khoảng trên 5 lần sau chưa đầy 1 năm.
Có phần trái ngược với chuỗi Long Châu của FRT, giới đầu tư lại tỏ ra nghi ngờ về khả năng thành công của chuỗi Bách hóa Xanh thuộc MWG, dù rằng có thông tin MWG đang rục rịch bán một phần vốn tại Bách hóa Xanh. Mặc dù đã phát triển chuỗi Bách hóa Xanh nhiều năm nhưng cho đến nay, chuỗi này vẫn chưa cho thấy sự bứt phá về hiệu quả kinh doanh. Biên lợi nhuận gộp của MWG trong quý III/2023 đạt 18,7%, thấp thứ hai kể từ quý III/2019, chỉ cao hơn một chút so với mức thấp nhất là 18,5% ở quý II/2023, phần nào phản ánh thực trạng này.
(VNF) - Khu đất sắp đấu giá để thực hiện dự án Tổ hợp, thể thao giải trí và thương mại Hòa Xuân có diện tích rộng 101 ngàn m2.