Mua hơn 21% vốn DIC Corp, Him Lam quyết tâm thực hiện dự án 10.000 tỷ đồng?
Tân Mai -
04/12/2020 07:18 (GMT+7)
(VNF) - Với động thái bỏ ra hơn 1.600 tỷ đồng để sở hữu 21,5% vốn DIC Corp, dường như "ông lớn" Him Lam đang thể hiện rõ quyết tâm thực hiện dự án 10.000 tỷ đồng ở Vũng Tàu, sau khi bị cổ đông DIC Corp "phản đối" hợp tác hồi tháng 9.
Công ty Cổ phần Kinh doanh Địa ốc Him Lam vừa thông báo đã mua vào hơn 67 triệu cổ phiếu của Tổng công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Xây dựng (DIC Corp, HoSE: DIG), tương ứng tỷ lệ 21,5% vốn trong ngày 2/12.
Tạm tính theo thị giá khi đó là 24.000 đồng/cổ phiếu, Địa ốc Him Lam đã phải chi hơn 1.600 tỷ đồng để trở thành cổ đông lớn của DIC Corp.
Dự án 10.000 tỷ đồng ở TP. Vũng Tàu
Năm 2017, DIC Corp thu hút được khá nhiều sự chú ý của giới địa ốc khi được UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chấp thuận cho thực hiện dự án hạ tầng kĩ thuật khu đô thị mới Bắc Vũng Tàu nằm tại phường 12, TP. Vũng Tàu.
Đây là dự án có quy mô hơn 90ha với tổng mức đầu tư ban đầu là 4.029 tỷ đồng, thời gian thực hiện dự kiến 11 năm bắt đầu từ quý I/2015 và hoàn thành vào quý IV/2026.
Theo kế hoạch, DIC Corp sẽ đầu tư xây dựng hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng kỹ thuật theo quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500, bao gồm các hạng mục như: sàn nền giao thông, cấp điện, chiếu sáng, cấp nước, thoát nước và vệ sinh môi trường cây xanh, thông tin liên lạc và hệ thống hào kỹ thuật.
Đến thời điểm 31/7/2020, trong khi các thủ tục pháp lý cơ bản như lựa chọn chủ đầu tư, chấp thuận đầu tư đã hoàn thành, nhưng DIC Corp vẫn chưa thể thi công do vướng mắc ở khâu đền bù, giải phóng mặt bằng.
Theo đó, giá đất khu vực làm dự án bất ngờ tăng mạnh, dẫn tới đội chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng cũng như công tác thu hồi đất trở nên phức tạp hơn. Kết quả, cuối tháng 7/2020 công ty mới bồi thường giải phóng mặt bằng 7,2ha trong tổng số 90ha.
Thêm vào đó, DIC Corp còn gặp khó về nguồn vốn, khi tổng mức đầu tư riêng giai đoạn 2020 - 2026 đã vượt lên mức 10.000 tỷ đồng. Điều này đã khiến tiến độ triển khai bị chậm trễ.
UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã có 2 lần nhắc nhở công ty về việc chậm tiến độ, gây lãng phí rất lớn do cả trăm ha đất bị bỏ hoang. Tại kỳ họp đại hội đồng cổ đông năm 2020, ban lãnh đạo công ty phải bỏ ngỏ thông tin huy động vốn tại dự án này, bởi lẽ dòng tiền đầu tư đang rất khó khăn, gánh nặng nợ vay "đè nặng".
Đồng thời, ban lãnh đạo DIC Corp dự kiến nguồn vốn sẽ bị hụt khoảng 3.345 tỷ đồng trong 5 tháng cuối năm nay, do phát sinh từ việc giải ngân và chi phí khác.
Cổ đông ngăn DIC Corp bắt tay với Him Lam
Trong bối cảnh "nước sôi lửa bỏng", sau khi cân nhắc các phương án như vay vốn từ ngân hàng thương mại, tổ chức tài chính hay doanh nghiệp tự thu xếp vốn đều không khả quan, ban lãnh đạo DIC Corp đưa ra đề xuất hợp tác cùng Công ty Cổ phần Him Lam.
Trung tuần tháng 9/2020, HĐQT DIC Corp đã tổ chức lấy ý kiến cổ đông về chủ trương hợp tác đầu tư dự án khu đô thị mới Bắc Vũng Tàu với Him Lam.
Ban lãnh đạo khẳng định chỉ có Him Lam là đơn vị thực sự quan tâm đến dự án và có năng lực tài chính, kinh nghiệm triển khai các dự án đô thị. Ngoài ra, công ty này cũng có mối liên hệ với các tổ chức tín dụng lớn trong nước, có thể thu xếp được nguồn vốn cho dự án với mức huy động lớn trong thời gian ngắn.
Theo kế hoạch đề ra trước ngày 30/10, hai bên sẽ thành lập công ty TNHH 2 thành viên với vốn điều lệ 700 tỷ đồng, trong đó DIC Corp góp 65% vốn, công ty con do Him Lam chỉ định góp 35%. Sau khi bắt đầu triển khai đầu tư xây dựng dự án, vốn điều lệ dự kiến tăng thêm 1.000 tỷ đồng lên 1.700 tỷ đồng.
Ngoài ra, Him Lam đồng ý thu xếp nguồn vốn vay tổng thể cho dự án khoảng 3.500 tỷ đồng, chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 là 2.000 tỷ đồng và giai đoạn 2 là 1.500 tỷ đồng, đặc biệt việc cho vay không cần tài sản thế chấp cũng như thông báo thu hồi đất.
Cần nhấn mạnh là, Him Lam không phải cái tên xa lạ đối với DIC Corp, trước đó năm 2019, hai bên đã kí hợp đồng hợp tác kinh doanh và thành lập một chi nhánh để quản lý thực hiện dự án Trung tâm thành phố mới Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai.
Đây là dự án có tổng diện tích hơn 600ha, vốn đầu tư khoảng 7.730 tỷ đồng. Thời gian thực hiện được chia làm 2 giai đoạn, trong vòng 8 năm từ 2018 đến 2026.
HĐQT DIC Corp kỳ vọng là thế, nhưng phần lớn cổ đông lại không đồng tình với kế hoạch này, khi chỉ có 33% ý kiến tán thành, 26% không chấp thuận và số cổ đông còn lại bỏ phiếu trắng.
Dường như, cổ đông DIC Corp lúc bấy giờ chưa đặt lòng tin vào phía đối tác Him Lam, do kết quả của dự án hợp tác năm ngoái vẫn còn "mù mịt".
Bên cạnh đó, Him Lam cũng có không ít tai tiếng tại các dự án liên doanh, như "quên" góp vốn ở dự án số 61 Trần Phú (TP Hà Nội) hay đem thế chấp nhà ở xã hội (dự án phường Thượng Thanh, TP. Hà Nội)... khiến nhiều người đặt ra câu hỏi về năng lực tài chính thực sự của "ông lớn" bất động sản này.
Nhưng với việc bỏ ra hơn 1.600 tỷ đồng nhằm thâu tóm 21,5% vốn DIC Corp, có thể thấy Him Lam đang thể hiện rõ quyết tâm thực hiện bằng được dự án đang dang dở với DIC Corp, cũng như dự án 10.000 tỷ đồng sắp tới.
(VNF) - Chưa bao giờ chợ trung tâm Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) lại rơi vào cảnh đìu hiu như hiện nay. Hàng loạt kiot tại các chợ lớn đóng cửa, khách vào chợ lèo tèo, người bán hàng phần lớn ngồi chơi smart phone