Muốn lập tổ chức tín dụng phi ngân hàng, phải có tài sản tối thiểu 1.000 tỷ đồng

Mai Anh - 29/06/2023 15:06 (GMT+7)

(VNF) - Nếu muốn sáng lập tổ chức tín dụng phi ngân hàng, doanh nghiệp cần có vốn chủ sở hữu tối thiểu 500 tỷ đồng, tổng tài sản tối thiểu 1.000 tỷ đồng trong 3 năm tài chính liền kề trước năm nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép.

VNF

Đó là nội dung đáng chú ý trong Thông tư 05/2023/TT-NHNN vừa được Ngân hàng Nhà nước ban hành, nhằm sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 30/2015/TT-NHNN ngày 25/12/2015 quy định việc cấp Giấy phép, tổ chức và hoạt động của tổ chức tín dụng phi ngân hàng. Thông tư 05/2023/TT-NHNN có hiệu lực thi hành từ ngày 6/8/2023.

Thông tư 05/2023/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung Điều 11 quy định đối với cổ đông sáng lập tổ chức tín dụng phi ngân hàng. Theo đó, cổ đông sáng lập tổ chức tín dụng phi ngân hàng không phải là cổ đông chiến lược, cổ đông sáng lập, chủ sở hữu, thành viên sáng lập của tổ chức tín dụng khác được thành lập và hoạt động tại Việt Nam. Không được dùng vốn huy động, vốn vay của tổ chức, cá nhân khác để góp vốn.

Ngoài ra, cổ đông sáng lập là cá nhân phải tuân thủ các quy định sau đây: mang quốc tịch Việt Nam; không thuộc những đối tượng bị cấm thành lập doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp, Luật Cán bộ, công chức.

Với cổ đông sáng lập là tổ chức, ngoài đáp ứng các yêu cầu trên còn phải tuân thủ các quy định sau: được thành lập theo pháp luật Việt Nam; kinh doanh có lãi trong 3 năm tài chính liền kề trước năm nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép và đến thời điểm nộp hồ sơ bổ sung để được xem xét cấp Giấy phép; thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ về thuế và bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật đến thời điểm nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép.

Đối với cổ đông sáng lập tổ chức là doanh nghiệp Việt Nam (trừ ngân hàng thương mại Việt Nam) thì yêu cầu đặt ra là phải có vốn chủ sở hữu tối thiểu 500 tỷ đồng, tổng tài sản tối thiểu 1.000 tỷ đồng trong 03 năm tài chính liền kề trước năm nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép. Trường hợp doanh nghiệp hoạt động trong ngành nghề kinh doanh có yêu cầu mức vốn pháp định, phải đảm bảo vốn chủ sở hữu theo báo cáo tài chính đã được kiểm toán của năm liền kề trước thời điểm nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép trừ đi vốn pháp định tối thiểu bằng số vốn cam kết góp. Trường hợp doanh nghiệp được cấp Giấy phép thành lập và hoạt động trong lĩnh vực chứng khoán, bảo hiểm, phải tuân thủ việc góp vốn theo các quy định của pháp luật có liên quan.

Đối với cổ đông sáng lập tổ chức là ngân hàng thương mại Việt Nam thì phải có tổng tài sản tối thiểu 100.000 tỷ đồng, tuân thủ đầy đủ các quy định về quản trị rủi ro và trích lập dự phòng đầy đủ theo quy định tại thời điểm nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép và đến thời điểm nộp hồ sơ bổ sung để được xem xét cấp Giấy phép.

Ngân hàng là cổ đông sáng lập tổ chức tín dụng phi ngân hàng không được vi phạm các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động theo quy định của Ngân hàng Nhà nước trong năm liền kề trước năm nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép và đến thời điểm nộp hồ sơ bổ sung để được xem xét cấp Giấy phép.

Đồng thời, phải đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu sau khi góp vốn thành lập tổ chức tín dụng phi ngân hàng. Không bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng trong 02 năm liền kề trước năm nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép và đến thời điểm nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép.

Như vậy, Thông tư 05/2023/TT-NHNN đã bỏ quy định có tối thiểu 02 cổ đông sáng lập là tổ chức, đồng thời trình bày khoa học hơn. Các điều khoản quan trọng quy định đối với cổ đông sáng lập tổ chức tín dụng phi ngân hàng không có nhiều thay đổi.

Cùng chuyên mục
Tin khác