Tài chính

MWG: 'Át chủ bài' Bách hóa Xanh còn cách điểm hòa vốn bao xa?

(VNF) - Biên lợi nhuận ròng của Bách hóa Xanh tăng nhanh trong quý II/2021 và nhiều khả năng sẽ tiếp tục đà tăng trong quý tới.

MWG: 'Át chủ bài' Bách hóa Xanh còn cách điểm hòa vốn bao xa?

MWG: 'Át chủ bài' Bách hóa Xanh còn cách điểm hòa vốn bao xa?

Bách hóa Xanh ngày càng gần điểm hòa vốn

Báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2021 của Công ty Cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động (HoSE: MWG) ghi nhận 31.658 tỷ đồng doanh thu thuần trong quý vừa qua, tăng tới 20% so với cùng kỳ năm ngoái.

Lợi nhuận sau thuế quý II đạt 1.213 tỷ đồng, tăng tới 36% so với cùng kỳ.

2 chuỗi Thế giới di động và Điện máy Xanh ghi nhận tổng doanh thu tăng khoảng 14% trong quý II/2021, một phần nhờ vào việc tiếp tục triển khai các cửa hàng Điện máy Xanh siêu nhỏ (120-150 m2/cửa hàng). Bên cạnh đó, kết quả kinh doanh quý II/2020 của 2 chuỗi này bị ảnh hưởng tiêu cực bởi các biện pháp giãn cách xã hội trên toàn quốc được áp dụng vào tháng 4/2020, tạo ra mức nền so sánh thấp.

Đáng chú ý, doanh thu của Bách hóa Xanh đạt 7,4 nghìn tỷ đồng trong quý II/2021, tăng tới 49% so với cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu nhờ vào việc mở rộng cửa hàng.

Được biết, tính đến cuối tháng 6/2021, chuỗi Bách hóa Xanh có tổng cộng 1.888 cửa hàng, tăng 121 cửa hàng tính riêng trong quý II.

Theo ước tính của Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC), biên lợi nhuận ròng của Bách hóa Xanh đã cải thiện khoảng 5 điểm % theo quý, lên -5,7% trong quý II/2021, được hỗ trợ bởi doanh số/cửa hàng cao hơn và nỗ lực kiểm soát chi phí.

Tính riêng tháng 6/2021, chuỗi Bách hóa Xanh đã vượt mốc doanh thu 2.700 tỷ đồng, tăng 7% so tháng 5 và tăng 69% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu trung bình trên mỗi cửa hàng trong tháng đạt hơn 1,4 tỷ đồng.

Dự kiến, biên lợi nhuận ròng của chuỗi Bách hóa Xanh sẽ tiếp tục cải thiện nhanh trong thời gian tới.

Bên cạnh việc tối ưu hiệu quả vận hành và bán hàng, yếu tố quan trọng thúc đẩy biên lợi nhuận ròng của Bách hóa Xanh là việc doanh thu dự kiến tăng cao trong tháng 7 và có thể là cả tháng 8 nhờ hưởng lợi từ các biện pháp giãn cách xã hội tại các tỉnh, thành phía Nam.

Phía MWG cho biết trong tháng 7, chuỗi Bách hóa Xanh phục vụ từ 800 nghìn đến 1 triệu lượt khách hàng trung bình mỗi ngày. Ban lãnh đạo công ty này nhận định điều này vừa là cơ hội lớn vừa là thách thức cho vận hành của Bách hóa Xanh.

"Khi nhu cầu tiêu dùng, nguồn cung và cả cách thức cung ứng hàng hóa đồng loạt thay đổi một cách đột ngột nhưng nhân lực thì có giới hạn chưa thể đáp ứng kịp tải công việc, nhiệm vụ nhập hàng và đưa hàng lên kệ nhanh nhất có thể được ưu tiên tập trung nguồn lực. Do đó, những thiếu sót trong quá trình phục vụ khách hàng là điều không thể tránh khỏi và Bách hóa Xanh đang cố gắng rà soát để xử lý", phía MWG bày tỏ.

Ngoài ra, MWG nói chung và chuỗi Bách hóa Xanh nói riêng đang điều chỉnh giảm thu nhập người lao động, cũng có thể giúp thúc đẩy biên lợi nhuận của chuỗi cửa hàng thực phẩm này.

"Toàn bộ nhân sự từ cấp giám đốc trở lên tự nguyện làm việc mà không nhận thù lao nhằm hạn chế tối đa ảnh hưởng lên nhóm nhân viên có thu nhập thấp, triển khai việc điều chỉnh giảm thu nhập theo nguyên tắc “thu nhập càng cao thì điều chỉnh giảm càng nhiều” nhưng không áp dụng đối với nhân viên khối kinh doanh (nhóm được ghi nhận thu nhập theo doanh thu và điểm phục vụ)", phía MWG thông tin.

Chính sách ESOP liệu có bị thách thức?

Phát hành cổ phiếu cho người lao động với giá ưu đãi (ESOP) là chính sách quan trọng bậc nhất nhằm thúc đẩy động lực làm việc của tập thể người lao động tại MWG. Điều này từng được Chủ tịch HĐQT MWG Nguyễn Đức Tài nhiều lần khẳng định.

Năm 2021, nếu không có gì thay đổi, chính sách ESOP chỉ được thực hiện khi MWG đạt tăng trưởng lợi nhuận sau thuế trên 10%. Tuy nhiên, chính sách này gặp thách thức nhất định.

Một mặt, dịch bệnh bùng phát phần nào giúp chuỗi Bách hóa Xanh hưởng lợi nhưng mặt khác, 2 chuỗi Thế giới di động và Điện máy Xanh - vốn là trụ cột lợi nhuận của MWG - lại chịu ảnh hưởng nặng nề.

"Việc giãn cách xã hội nghiêm ngặt theo Chỉ thị 16 đối với toàn bộ 19 tỉnh, thành phía Nam và Hà Nội có tác động lớn đến kết quả kinh doanh của MWG trong thời gian tới do gần 2.000 cửa hàng Thế giới di động/Điện máy Xanh phải tạm đóng cửa để phòng dịch hoặc hạn chế bán hàng vào thời điểm cuối tháng 7 trong khi các chuỗi này đang là trụ cột đem lại lợi nhuận cho công ty", phía MWG cho hay.

Được biết, tính đến cuối tháng 6/2021, 2 chuỗi Thế giới di động và Điện máy Xanh có tổng cộng 2.667 cửa hàng. Như vậy, MWG phải tạm đóng cửa hoặc hạn chế bán hàng tới gần 3/4 số cửa hàng của 2 chuỗi trên.

Trong báo cáo công bố mới đây, VCSC nhấn mạnh với diễn biến phức tạp hiện tại của dịch Covid-19 ở Việt Nam đang làm giảm thu nhập của người tiêu dùng cũng như làm gián đoạn nghiêm trọng hoạt động kinh doanh của chuỗi Thế giới di động và Điện máy Xanh, công ty chứng khoán này nhận thấy những rủi ro điều chỉnh giảm đối với dự báo kết quả kinh doanh hiện tại.

Tuy vậy, chính sách ESOP vẫn khá "rộng cửa" hoàn thành.

Tính toán cho thấy, để đạt được mức tăng trưởng lợi nhuận 10%, MWG chỉ cần đạt lợi nhuận sau thuế khoảng 1.760 tỷ đồng trong 6 tháng cuối năm 2021, tức là thấp hơn mức lợi nhuận sau thuế khoảng 1.893 tỷ đồng đạt được cùng kỳ năm ngoái.

Cho HSC vay 500 tỷ đồng

Một trong những yếu tố thúc đẩy lợi nhuận của MWG trong quý II cũng như trong 6 tháng đầu năm 2021 là nguồn thu từ hoạt động tài chính.

Cụ thể, doanh thu hoạt động tài chính quý II của MWG đạt 304 tỷ đồng, tăng 80% so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế 6 tháng, doanh thu này đạt 593 tỷ đồng, tăng gấp đôi và cao hơn nhiều chi phí tài chính (ở mức 323 tỷ đồng).

Mức tăng ấn tượng trên phần lớn do lãi tiền gửi tăng rất mạnh, từ 187 tỷ đồng 6 tháng năm 2020 lên 443 tỷ đồng năm 2021.

Tính đến cuối tháng 6, MWG có 3.065 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng không kỳ hạn, 954 tỷ đồng tiền gửi ngắn hạn có kỳ hạn không quá 3 tháng và 13.524 tỷ đồng tiền gửi và trái phiếu ngắn hạn có kỳ hạn từ 3 tháng đến 1 năm với lãi suất dao động từ 6%/năm đến 8,65%/năm.

Bên cạnh đó, MWG còn ghi nhận khoản phải thu lên đến 500 tỷ đồng từ Công ty Cổ phần Chứng khoán TP. HCM (HSC) và 80 tỷ đồng từ Công ty Cổ phần Bán lẻ An Khang, có kỳ hạn từ 3 tháng đến 1 năm và hưởng lãi suất từ 6,4%/năm đến 7%/năm.

Tin mới lên