Mỹ cáo buộc 'gã khổng lồ' Tencent làm ăn với quân đội Trung Quốc
(VNF) - Cổ phiếu hai công ty Tencent và CATL đã trượt dốc sau khi bị Bộ Quốc Phòng Mỹ đưa vào danh sách các công ty mà họ cáo buộc là có quan hệ với quân đội Trung Quốc.
Bị đưa vào danh sách công ty quân sự Trung Quốc
Ngày 6/1 (giờ địa phương), Bộ Quốc Phòng Mỹ đã bổ sung các công ty công nghệ khổng lồ của Trung Quốc, bao gồm cả công ty hàng đầu về trò chơi và truyền thông xã hội Tencent Holdings và nhà sản xuất pin CATL vào danh sách các công ty được cho là hợp tác với quân đội Trung Quốc.
Danh sách này cũng bao gồm nhà sản xuất chip Changxin Memory Technologies, Quectel Wireless, nhà sản xuất máy bay không người lái Autel Robotics và công ty vận chuyển lớn nhất Trung Quốc COSCO Shipping Holdings.
Hai công ty con của Tập đoàn Dầu khí Hải dương Quốc gia Trung Quốc cũng bị liệt kê trong danh sách là CNOOC China Ltd và CNOOC International Trading.
Theo thông báo đăng trên Công báo Liên bang, danh sách các công ty quân sự Trung Quốc được cập nhật hàng năm, chính thức được luật pháp Mỹ quy định là "Danh sách Mục 1260H", chỉ định 134 công ty.
Mặc dù việc chỉ định này không liên quan đến lệnh cấm ngay lập tức, nhưng nó có thể là một đòn giáng vào danh tiếng của các công ty bị ảnh hưởng và là lời cảnh báo nghiêm khắc đối với các thực thể và công ty Mỹ về những rủi ro khi tiến hành kinh doanh với họ. Nó cũng có thể gây thêm áp lực buộc Bộ Tài chính Mỹ phải trừng phạt các công ty.
Cổ phiếu trượt dốc
Sau tin tức về việc bị đưa vào danh sách 1260H, cổ phiếu của Tencent Holdings giảm 6,8% xuống còn 381,6 HKD tại Hong Kong, theo sau mức giảm 7,8% trong cổ phiếu lưu ký Mỹ của công ty tại New York.
Cổ phiếu CATL, nhà sản xuất pin xe điện lớn nhất thế giới, đã giảm 2,8% xuống còn 249,68 NDT tại Thâm Quyến.
Hai công ty đã mất tổng cộng 38 tỷ USD vốn hóa thị trường, trong khi Chỉ số Hang Seng giảm 1,9% xuống mức thấp nhất trong 6 tuần.
Đáp lại việc Bộ Quốc phòng Mỹ đưa Tencent vào danh sách 1260H, Tencent tuyên bố: “Việc đưa Tencent vào danh sách này rõ ràng là một sai lầm. Chúng tôi không phải là một công ty công nghiệp quân sự hay nhà cung cấp quân sự".
Công ty cho biết danh sách này không ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh, nhưng sẽ "làm việc với các cơ quan hữu quan của Mỹ để giải quyết hiểu lầm".
Tương tự, CATL cũng cho rằng việc công ty bị đưa vào danh sách 1260H là một "sai lầm", vì "công ty chưa tham gia bất kỳ hoạt động nào liên quan đến quân sự".
Danh sách cập nhật là một trong nhiều hành động mà Washington thực hiện trong những năm gần đây nhằm nêu bật và hạn chế các công ty Trung Quốc mà họ cho là gây ra rủi ro an ninh, gây thêm căng thẳng cho mối quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Năm 2021, Bộ Quốc phòng Mỹ đã xóa Xiaomi, sau khi công ty công nghệ Trung Quốc kiện chính phủ Mỹ vì đưa công ty này vào danh sách 1260H.
Một thẩm phán liên bang đã gọi quy trình đưa Xiaomi vào danh sách của chính phủ Mỹ là "có nhiều sai sót nghiêm trọng".
Chuyên gia phân tích cổ phiếu cấp cao của Morningstar, Ivan Su, cho biết ông tin rằng Tencent có cơ hội tốt để được tòa án Mỹ loại trừ, giống như Xiaomi, nhưng việc loại trừ này có thể gây tổn hại đến uy tín.
Craig Singleton, một chuyên gia về Trung Quốc tại Quỹ Bảo vệ Dân chủ, cho biết những bổ sung này cho thấy các công ty Mỹ "thiếu thận trọng" khi tiến hành kinh doanh với một lượng lớn các tập đoàn Trung Quốc.
Chân dung ông chủ Tencent vừa giành 'ngôi' giàu nhất Trung Quốc
Vào công trường thi công 600 căn nhà ở xã hội tại Long Biên - Hà Nội
(VNF) - Chung cư cao tầng CT1 thuộc khu nhà ở xã hội Thượng Thanh sẽ cung cấp khoảng 600 căn hộ cho người thu nhập thấp, dự kiến mở bán trong năm 2025.