Mỹ công bố hàng trăm lệnh trừng phạt mới nhằm cô lập Nga
Thanh Tú -
13/12/2023 10:07 (GMT+7)
(VNF) - Mỹ mới đây đã công bố hàng trăm lệnh trừng phạt mới nhắm vào các thực thể và cá nhân trên toàn cầu, nhằm tìm cách cô lập Nga hơn nữa khi cuộc chiến của nước này với Ukraine vẫn tiếp diễn.
Bộ Ngoại giao và Bộ Tài chính Mỹ ngày 12/12 cho biết họ đã liệt hơn 250 cá nhân và tổ chức ở các quốc gia bao gồm Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Quốc và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất vào danh sách đen, nhằm trấn áp việc giúp Nga “lách” các lệnh trừng phạt mua sắm vũ khí và các lĩnh vực như năng lượng và khai thác mỏ.
Các biện pháp này nhằm vào cái mà các cơ quan Mỹ gọi là mạng lưới mua sắm của Nga, một liên minh gồm các công ty giúp nước này có được công nghệ và vũ khí tiên tiến, vi phạm lệnh trừng phạt và kiểm soát xuất khẩu của Mỹ.
Bất chấp các lệnh trừng phạt áp đặt lên Nga sau khi nước này tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, Mỹ và các đồng minh hiện vẫn phải vật lộn để ngăn chặn những hàng hóa này xâm nhập vào thị trường Nga.
Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen cho biết: “Điện Kremlin đã dần dần biến Nga thành một nền kinh tế thời chiến, nhưng cỗ máy chiến tranh của ông Putin không thể tồn tại chỉ dựa vào sản xuất trong nước” .
“Các biện pháp trừng phạt của chúng tôi sẽ tiếp tục thắt chặt sự kiểm soát đối với các nhà cung cấp và mạng lưới của nước thứ ba sẵn sàng cung cấp cho Nga những sản phẩm mà nước này rất cần để tăng cường và duy trì cơ sở công nghiệp quân sự của mình”, bà Yellen nhấn mạnh.
Bộ Tài chính Mỹ cho biết, trong số những đối tượng bị nhắm tới bởi đợt trừng phạt lần này có những người liên quan đến việc mua sắm vũ khí cho Nga, bao gồm 4 thực thể và 9 người ở Trung Quốc, Nga, Hong Kong và Pakistan.
Các biện pháp trừng phạt cũng nhắm vào những người có mối liên hệ với ngành năng lượng của Nga, một nguồn thu quan trọng của Điện Kremlin. Các biện pháp trừng phạt có phạm vi bao trùm các công ty đang nỗ lực phát triển một cơ sở xử lý khí đốt tự nhiên lớn ở phía tây bắc nước Nga sẽ do tập đoàn năng lượng Gazprom vận hành.
Thông báo này được đưa ra khi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy đến thăm Washington, DC trong nỗ lực đảm bảo thêm viện trợ quân sự từ Mỹ.
Các quan chức Nga cho đến nay vẫn bày tỏ sự tin tưởng rằng họ có thể tồn tại lâu hơn sự hỗ trợ của phương Tây dành cho Ukraine, trong khi các quan chức Ukraine lập luận rằng việc tiếp tục hỗ trợ là cần thiết và mang lại lợi ích cho các đối tác an ninh của mình.
Gói trừng phạt Nga thứ 12 của EU "gặp khó"
Gói trừng phạt thứ 12 mà Liên minh châu Âu (EU) dự định áp đặt lên Nga vẫn chưa đạt được thống nhất trong hai ngày thảo luận liên tiếp gần đây. Áo đã phủ quyết gói trừng phạt này do Ukraine đã đưa Ngân hàng quốc tế Raiffeisen của Áo vào danh sách các nhà tài trợ chiến tranh quốc tế.
Raiffeisen gắn bó sâu sắc với Nga và là một trong 2 ngân hàng nước ngoài duy nhất trong danh sách 13 tổ chức tín dụng quan trọng trong hệ thống của Ngân hàng Trung ương Nga.
Ngân hàng Raiffeisen giữ vai trò quan trọng đối với nền kinh tế Nga, vốn đang phải vật lộn với các lệnh trừng phạt mạnh chưa từng có của phương Tây bởi nó là một trong những kênh tài chính quan trọng nhất để các doanh nghiệp Nga thực hiện các giao dịch bằng USD và euro.
Raiffeisen đã được hưởng lợi 200% từ các lệnh trừng phạt dẫn đến việc các đối thủ cạnh tranh của họ phải rút lui khỏi thị trường Nga.
Trước đó, một nước thuộc EU khác là Hungary cũng đã ngăn chặn việc phân bổ 500 triệu euro từ Quỹ Hòa bình châu Âu, vốn được sử dụng để tài trợ viện trợ cho Ukraine, vì Ukraine đã đưa ngân hàng lớn nhất Hungary là OTP, vào danh sách các nhà tài trợ chiến tranh.
(VNF) - Chưa bao giờ chợ trung tâm Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) lại rơi vào cảnh đìu hiu như hiện nay. Hàng loạt kiot tại các chợ lớn đóng cửa, khách vào chợ lèo tèo, người bán hàng phần lớn ngồi chơi smart phone