Tiêu điểm

Mỹ nguy cơ vỡ nợ, Bộ Kế hoạch - Đầu tư tính cách ứng phó

(VNF) - Theo Bộ Kế hoạch - Đầu tư, cần sẵn sàng các biện pháp can thiệp để ứng phó với nguy cơ Mỹ tuyên bố vỡ nợ, vượt quá trần nợ công để hạn chế thấp nhất tác động tới kinh tế Việt Nam.

Mỹ nguy cơ vỡ nợ, Bộ Kế hoạch - Đầu tư tính cách ứng phó

Sẵn sàng các biện pháp xử lý sức ép về lãi suất trước nguy cơ Mỹ tuyên bố vỡ nợ

Thế giới đối mặt hậu quả nặng nề

Giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội về việc các giải pháp ứng phó với nguy cơ Mỹ tuyên bố vỡ nợ, vượt quá trần nợ công để hạn chế thấp nhất tác động tới kinh tế Việt Nam, Bộ Kế hoạch - Đầu tư nhận định, Mỹ là thị trường nợ công lớn nhất thế giới, và mức nợ công đã chạm trần 31,4 nghìn tỷ USD vào tháng 1/2023.

"Mỹ chiếm khoảng 1/3 tổng số trái phiếu toàn cầu và trái phiếu kho bạc Mỹ được coi là tài sản phi rủi ro đứng đầu, mang lại lợi nhuận đảm bảo cho các nhà đầu tư lớn nhỏ và chính phủ nhiều nước, và cũng là cơ sở để định giá các công cụ tài chính khác", báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu rõ.

Bộ Kế hoạch - Đầu tư cũng nhận định, hiện nay, nguy cơ nước Mỹ phải tuyên bố vỡ nợ đã cận kề nếu mức trần nợ công của Mỹ không được nâng lên trong thời gian đến đầu tháng 6/2023. Nếu Mỹ phải tuyên bố vỡ nợ, hậu quả sẽ rất nặng nề và tác động sâu rộng đến toàn bộ nền kinh tế thế giới.

Theo Bộ Kế hoạch - Đầu tư, tác động đầu tiên và trực tiếp nhất là nhà đầu tư sẽ mất niềm tin vào đồng USD, khiến nền kinh tế suy yếu nhanh chóng. Vỡ nợ có thể dẫn đến kinh tế Mỹ suy thoái. Moody's Analytics ước tính ngay sau khi vỡ nợ, nền kinh tế Mỹ sẽ giảm gần 1% và tỷ lệ thất nghiệp tăng từ 3,4% lên 5%, khiến khoảng 1,5 triệu người mất việc làm.

Ba kênh tác động đến Việt Nam

Đối với Việt Nam, nếu Mỹ vỡ nợ có thể ảnh hưởng đến kinh tế Việt Nam theo 3 kênh tác động chủ yếu, gồm: Hoạt động xuất khẩu, thị trường chứng khoán và thị trường tiền tệ, ngoại hối.

Để ứng phó với nguy cơ Mỹ vỡ nợ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị phải điều hành chắc chắn, linh hoạt các công cụ của chính sách tiền tệ, bảo đảm thanh khoản và an toàn hệ thống ngân hàng, sẵn sàng các biện pháp can thiệp để xử lý các sức ép về lãi suất, tỷ giá, bảo đảm điều hành thị trường tiền tệ, ngoại hối ổn định, thông suốt.

Bên cạnh đó, cần có giải pháp về truyền thông, củng cố, ổn định tâm lý nhà đầu tư trên thị trường tài chính, chứng khoán; tiếp tục đa dạng hóa hoạt động sản xuất phục vụ xuất khẩu và thị trường xuất khẩu để tránh phụ thuộc vào số ít thị trường;

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đề nghị, tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho người dân, doanh nghiệp để phục hồi đầu tư sản xuất kinh doanh, mở rộng thị trường tiêu dùng trong nước, tăng sức chống chịu cho nền kinh tế;

Đồng thời tiếp tục đẩy nhanh triển khai thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, trong đó chú trọng đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công một cách hiệu quả. Nghiên cứu khả năng thực hiện một Chương trình phục hồi và phát triển KTXH mở rộng cho giai đoạn đến năm 2025;

Ngoài ra, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, phải theo dõi sát diễn biến phản ứng chính sách của các nước, đối tác lớn, động thái dịch chuyển các dòng vốn đầu tư khu vực và toàn cầu để tiếp tục có đối sách, giải pháp thu hút đầu tư nước ngoài phù hợp, hiệu quả.

Tuy nhiên, Bộ Kế hoach và Đầu tư cũng cho biết thêm, cập nhật thông tin từ Mỹ cho thấy, Tổng thống Mỹ Joe Biden thuộc Đảng Dân chủ và Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy thuộc Đảng Cộng hòa đã đạt thỏa thuận về nguyên tắc vào cuối ngày 27/5/2023 về việc nâng trần nợ công, ngăn nước Mỹ vỡ nợ vào tháng 6 tới.

Tin tốt từ nước Mỹ

Được biết, ngày 31/5, Hạ viện Mỹ đã thông qua luật giới hạn nợ do Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy soạn thảo, luật này sẽ áp đặt các hạn chế đối với chi tiêu của chính phủ cho đến cuộc bầu cử năm 2024 và ngăn chặn tình trạng vỡ nợ gây bất ổn của Mỹ. Giờ đây, dự thảo luật sẽ chỉ cần được "ải cuối" Thượng viện thông qua.

Theo Bloomberg, dự luật đã được Hạ viện thông qua với tỷ lệ bỏ phiếu đồng thuận thuận áp đảo 314-117 vào tối 31/5 (theo giờ Mỹ). Khoảng 2/3 thành viên Đảng Cộng hòa và 119/165 đảng viên Dân chủ tại Hạ viện ủng hộ dự luật, đánh dấu khoảnh khắc hiếm hoi thành viên cả 2 đảng đồng thuận về 1 dự luật, thay vì tình trạng đối chọi gay gắt như mọi khi.

Tổng thống Biden đã gọi kết quả tại Hạ viện là “tin tốt cho người dân Mỹ và nền kinh tế Mỹ”.

Sau khi được thông qua tại Hạ viện, dự luật sẽ nhanh chóng được đưa tới Thượng viện và được tin là sẽ sớm được thông qua trước "X-date" là ngày 5/6. Điều này sẽ giúp nước Mỹ tránh được "thảm cảnh" vỡ nợ, có thể khiến uy tín của nước này sụt giảm nghiêm trọng trên trường quốc tế.

Dự luật nợ sẽ loại bỏ mối đe dọa về một cuộc khủng hoảng vỡ nợ khác trong phần còn lại của nhiệm kỳ hiện tại của ông Biden, đình chỉ trần nợ cho đến ngày 1/1/2025. Đổi lại, các đảng viên Đảng Dân chủ đồng ý hạn chế chi tiêu liên bang vào năm 2025, có khả năng buộc phải cắt giảm một số dịch vụ của chính phủ do tỷ lệ lạm phát hàng năm hiện ở mức 5%.

 

Tin mới lên