Tài chính quốc tế

Mỹ nói ‘không có chuyện’ gián điệp Nga làm việc tại đại sứ quán Mỹ

(VNF) - "Hôm 2/8, báo Guardian đã đăng tải một bài viết của tác giả Nick Hopkins với tiêu đề "Nghi vấn gián điệp Nga làm việc trong Đại sứ quán Mỹ ở Moscow". Đây là một bài báo thiếu trách nhiệm, không chính xác, đưa tin dựa trên các nguồn tin không rõ ràng", Sở Mật vụ Mỹ ngày hôm nay (3/8) thông báo.

Mỹ nói ‘không có chuyện’ gián điệp Nga làm việc tại đại sứ quán Mỹ

Mỹ nói ‘không có chuyện’ gián điệp Nga làm việc tại đại sứ quán Mỹ.

“Tại các cơ quan của Mật vụ Mỹ không bao giờ có chuyện các công dân nước ngoài được cung cấp thông tin hoặc sắp xếp vào vị trí có thể thu thập các thông tin liên quan đến an ninh quốc gia", TASS dẫn lời phát ngôn viên Mật vụ Mỹ Mason Brayman.

Theo đại diện của Mật vụ Mỹ, để tránh rủi ro, vị trí của những người nước ngoài trong cơ quan mật vụ chỉ giới hạn ở việc “phiên dịch, biên dịch, hướng dẫn văn hóa, liên lạc và hỗ trợ hành chính. Vai trò của những người này chủ yếu nhằm hỗ trợ cho các tùy viên ngoại giao Mỹ trong việc kết nối với chính phủ Nga, bao gồm các cơ quan an ninh liên bang, bộ nội vụ hay cơ quan bảo vệ liên bang".

Trước đó, The Guardian ngày 2/8 dẫn nguồn tin tình báo giấu tên của Mỹ cho biết, một phụ nữ Nga bị nghi ngờ do thám Cơ quan mật vụ Mỹ trong khi cô này làm việc ở Đại sứ quán Mỹ tại Moscow.

Theo thông tin, người phụ nữ này được Bộ Ngoại giao Mỹ tuyển dụng và làm việc cho Cơ quan mật vụ như một phần công việc tại Đại sứ quán. Với những công việc được giao, người phụ nữ này đã tiếp cận được mạng nội bộ, hệ thống email của Đại sứ quán từ đó thu thập được các tài liệu có tính bảo mật cao, như lịch trình của Tổng thống hay Phó Tổng thống Mỹ.

Nữ điệp viên Nga đã làm việc cho Mật vụ Mỹ trong nhiều năm trước khi bị lọt vào tầm ngắm nghi vấn sau cuộc điều tra vào năm 2016 của hai nhà điều tra của Văn phòng An ninh khu vực (RSO) thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ. Các nhà điều tra phát hiện ra rằng điệp viên Nga đã có các cuộc gặp trái phép thường xuyên với các thành viên của FSB - cơ quan an ninh hàng đầu của Nga.

Theo Guardian, RSO đã đưa ra cảnh báo về trường hợp của nữ điệp viên Nga từ tháng 1/2017 nhưng Mật vụ Mỹ không mở cuộc điều tra toàn diện. Thay vào đó, Mật vụ Mỹ đã để cho điệp viên Nga ra đi lặng lẽ, có lẽ để hạn chế gây ra những phiền toái nếu làm rùm beng vụ việc.

Một nguồn tin tình báo Mỹ tiết lộ với Guardian rằng nữ điệp viên Nga đã bị sa thải vào mùa hè năm ngoái, không lâu trước khi Moscow trục xuất hàng loạt nhà ngoại giao Mỹ để đáp trả các lệnh trừng phạt bổ sung của Washington.

Khi được hỏi chi tiết về cuộc điều tra liên quan tới nữ điệp viên Nga cũng như việc sa thải người phụ nữ này, Mật vụ Mỹ đã tìm cách giảm nhẹ mức độ nghiêm trọng của vụ việc. Tuy vậy, Mật vụ Mỹ cũng không phủ nhận rằng đây có thể là điệp viên hai mang.

Cơ quan Mật vụ Mỹ là một bộ phận của Bộ An ninh nội địa, được thành lập với mục đích “bảo vệ các nhà lãnh đạo của nước Mỹ, bảo vệ cơ sở hạ tầng trọng yếu và tài chính của nước Mỹ”.

Việc phát hiện một nhân viên nghi là gián điệp của FSB trong nội bộ Đại sứ quán Mỹ ở Moscow có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới danh tiếng của cơ quan Mật vụ Mỹ và để lại hậu quả nghiêm trọng đối với sự an toàn của các nhân viên khác trong cơ quan mật vụ và những mục tiêu mà cơ quan này bảo vệ.

Xem thêm >> Báo Mỹ: Nga tiếp nhận hơn 10.000 lao động Triều Tiên, nghi trái quy định của Liên hợp quốc

Tin mới lên