Tài chính quốc tế

Mỹ thích ‘gây sự’ trước những ngày lễ lớn của Nga

(VNF) - “Sự thật là hai lần gần đây nhất Mỹ mở rộng lệnh trừng phạt nhắm vào Nga đều diễn ra vào thời điểm ngay trước thềm những ngày lễ lớn của chúng tôi, Ngày Chiến thắng (9/5) và Ngày nước Nga (12/6). Chúng tôi sẽ ghi nhớ điều này”, hãng thông tấn Tass dẫn thông cáo của Bộ ngoại giao Nga ngày 12/6.

Mỹ thích ‘gây sự’ trước những ngày lễ lớn của Nga

Bộ Ngoại giao Nga lên án việc Mỹ tiếp tục áp đặt lệnh trừng phạt nhằm vào các công dân và tổ chức của Nga.

Cũng trong thông cáo, Bộ Ngoại giao Nga lên án việc Mỹ tiếp tục áp đặt lệnh trừng phạt nhằm vào các công dân và tổ chức của Nga, đồng thời thông cáo này khẳng định các lệnh trừng phạt của Mỹ sẽ không hề có kết quả trong việc thay đổi lập trường độc lập của Nga trên trường quốc tế như những lần trước.

Theo Bộ Ngoại giao Nga, Mỹ “đang phát minh ra kẻ thù vốn không tồn tại thay vì nghiêm túc chiến đấu chống khủng bố và các mối đe dọa thực sự khác”.

Trước đó, khi được hỏi về lệnh trừng phạt mới nhất của Mỹ lên các cá nhân và thực thể Nga, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov nói: “Chúng tôi sẽ đưa ra những biện pháp có đi có lại. Đặc biệt vì danh sách mới nhất gồm những cá nhân và thực thể chịu những biện pháp hạn chế của Mỹ nhắm tới bao gồm những công dân của chúng tôi. Vì vậy trong khía cạnh này, rõ ràng chúng tôi sẽ thực hiện những biện pháp đáp trả và lựa chọn mục tiêu là "những ứng viên" nổi trội trong những chính sách bài Nga và quyết tâm cản trở việc bình thường hóa quan hệ song phương".

Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov.

Theo quan chức ngoại giao này, Nga sẽ tiếp tục kiên định với tiến trình chính trị vững chắc của nước này, tận dụng những biện pháp trừng phạt như một "đòn bẩy" để tăng cường phát triển kinh tế. Ông Ryabkov nhấn mạnh: "Đó sẽ là cách đáp trả hiệu quả nhất đối với chính sách trừng phạt bất hợp pháp của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump".

Mới đây nhất, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin ngày 11/6 đã đưa ra thông báo trừng phạt 3 cá nhân và 5 thực thể Nga vì liên quan tới những hoạt động công nghệ gây tổn hại tới an ninh Mỹ. Theo đó, Mỹ sẽ phong tỏa mọi tài sản và quyền lợi của những cá nhân và thực thể nêu trong lệnh trừng phạt.

Cụ thể, các thực thể này bao gồm các công ty Digital Security, ERPScan, Embedi, Viện nghiên cứu khoa học Kvant, Divetechnoservices và ba cá nhân đều liên quan tới Divetechnoservices.

Bộ Tài chính Mỹ đưa ra lệnh trừng phạt trên dựa trên cáo buộc nhiều hoạt động công nghệ bị cho là của Nga đã đe dọa tới an toàn và an ninh của Mỹ cũng như các đồng minh của quốc gia này. Trong đó có vụ tấn công mã độc NotPetya hồi tháng 6/2017 nhằm vô hiệu hóa các hệ thống máy tính tại Mỹ và châu Âu mà trong số đó có nhiều máy chủ của các tập đoàn lớn.

Mỹ cáo buộc hoạt động công nghệ của Nga đã đe dọa tới an toàn và an ninh của Mỹ.

Bên cạnh đó, Mỹ cũng đơn phương quy kết Nga theo dõi các mạng cáp thông tin ngầm dưới đáy biển vốn chứa nhiều dữ liệu viễn thông của các quốc gia.

Trước đó, ngày 9/5, Mỹ đã đưa 28 cá nhân và thực thể vào "danh sách đen" với cáo buộc vi phạm luật pháp của Mỹ về không phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt. Trong số này có nhiều quan chức thuộc Tổng cục Tình báo, Bộ Tổng tham mưu Nga và những viện nghiên cứu trực thuộc Bộ Quốc phòng Nga.

Danh sách này bao gồm các cá nhân và thực thể đến từ Nga, Triều Tiên, Iran, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập, Các Tiểu Vương quốc Ả-rập Thống nhất UAE và Ả-rập Xê-út.

Mỹ và Nga liên tục có những động thái chĩa mũi nhọn vào nhau trong thời gian gần đây.

Một số cái tên nổi bật trong danh sách là Lực lượng Không quân Vệ binh Cách mạng Hồi giáo của Iran, lực lượng Hezbollah ở Lebanon, Trung tâm Nghiên cứu và Nghiên cứu Khoa học và Không quân Syria.

Đặc biệt, nhiều trung tâm và viện nghiên cứu của Nga xuất hiện trong danh sách này như  Trung tâm đào tạo tên lửa không đối không Gatchina của Nga, Viện Nghiên cứu Khoa học Trung ương 18 trực thuộc Bộ Quốc phòng Nga, Văn phòng Thiết kế Thiết bị Nga (KBP), Trung đoàn Không quân phòng vệ 183.

Theo chính phủ Mỹ, những cá nhân và thực thể trên đều có “tiềm năng đóng góp nguyên liệu” cho việc chế tạo hệ thống tên lửa hành trình hoặc đạn đạo ở Iran, Syria hoặc Triều Tiên.

Xem thêm >> Iran ‘dội gáo nước lạnh’ lên Triều Tiên, nói ông Trump có thể ‘huỷ thoả thuận khi về đến nhà’

Tin mới lên