Mỹ trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ vì hợp tác quốc phòng với Nga

Thanh Tú - 06/04/2021 11:38 (GMT+7)

(VNF) - Mỹ mới đây đã áp lệnh trừng phạt lên 1 cơ quan nhà nước và 4 quan chức Thổ Nhĩ Kỳ vì có “quan hệ” với lĩnh vực quốc phòng và ngành tính báo Nga.

VNF
Trụ sở của SSB tại Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ.

Trong thông báo phát ra ngày 5/4, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã quyết định trừng phạt Cơ quan Công nghiệp Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ (SSB) cùng với 4 quan chức hàng đầu của cơ quan này theo Đạo luật Chống đối thủ của Mỹ thông qua trừng phạt (CAATSA).

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cáo buộc những cá nhân và thực thể này có “quan hệ” với lĩnh vực quốc phòng và tình báo của chính phủ Liên bang Nga.

4 quan chức Thổ Nhĩ Kỳ có tên trong danh sách trừng phạt bao gồm chủ tịch Ismail Demir, phó chủ tịch Faruk Yigit, trưởng bộ phận phòng không và vũ trụ Serhat Gencoglu, và quản lý chương trình Mustafa Alper Deniz.

Theo thông báo của Bộ Ngoại giao Mỹ, một tài liệu hướng dẫn chính thức về các lệnh trừng phạt sẽ được công bố trong ngày 6/4.

SSB là cơ quan dân sự do chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ thành lập nhằm quản lý ngành công nghiệp quốc phòng và công nghệ quân sự của nước này.

Đối với SSB, lệnh trừng phạt đồng nghĩa với việc cấm mọi giấy phép xuất khẩu của Mỹ cho SSB. Bốn quan chức chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ sẽ bị tước cơ hội vào Mỹ, tài sản của họ nếu bị phát hiện thuộc quyền tài phán của Mỹ thì sẽ bị phong tỏa, công dân Mỹ cũng sẽ bị cấm thực hiện bất kỳ giao dịch nào với họ.

Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ phát sinh nhiều bất hòa sau khi Ankara mua hệ thống tên lửa phòng không S-400 của Nga. Washington cho rằng hệ thống tên lửa này không tương thích với các hệ thống phòng thủ của NATO và việc một thành viên NATO mua hệ thống tên lửa của Nga đe dọa khả năng phòng thủ của liên minh.

Tuy nhiên, Ankara đã nhận nhất quyết không từ bỏ hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 và tiếp tục đàm phán với Moscow về lô vũ khí phòng không thứ hai.

Mới đây nhất, trong cuộc điện đàm với Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Hulusi Akar ngày 2/4, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin hối thúc Thổ Nhĩ Kỳ từ bỏ hệ thống phòng thủ S-400 và củng cố hợp tác quân sự giữa hai nước.

Trước đó, Washington đã gạt Ankara khỏi chương trình F-35, từ chối bàn giao 105 máy bay F-35A nước này đặt mua và loại các tập đoàn quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ khỏi dây chuyền sản xuất F-35 nhằm trừng phạt việc Thổ Nhĩ Kỳ theo đuổi thương vụ mua S-400.

Xem thêm >> Tổng thống Putin chính thức ký luật mở đường cho ông nắm quyền đến năm 83 tuổi

Theo Sputnik
Cùng chuyên mục
Tin khác