Myanmar: 32 nhà máy có vốn Trung Quốc bị đốt phá, thiệt hại gần 37 triệu USD

Thanh Tú - 15/03/2021 16:34 (GMT+7)

(VNF) - Theo cập nhật mới nhất từ Thời báo Hoàn cầu (Global Times), tính đến trưa 15/3, tổng cộng 32 nhà máy do Trung Quốc đầu tư tại Myanmar đã bị đốt phá, thiệt hại ước tính lên tới 240 triệu nhân dân tệ (36,89 triệu USD).

VNF
Việc áp dụng thiết quân luật tại nhiều quận ở thành phố Yangon diễn ra sau khi xung đột giữa người biểu tình và lực lượng an ninh tiếp tục leo thang.

"Tính đến trưa thứ Hai (15/2), tổng cộng 32 nhà máy có vốn đầu tư Trung Quốc bị phá hoại trong các cuộc tấn công ác ý nhằm vào doanh nghiệp Trung Quốc ở Yangon, Myanmar. 2 nhân viên Trung Quốc bị thương, không có người thiệt mạng", Global Times đăng Twitter ngày 15/3.

Cũng theo Global Times, thiệt hại vật chất của các công ty này lên tới 240 triệu nhân dân tệ (36,89 triệu USD).

Đại sứ quán Trung Quốc ở Myanmar cho biết chủ yếu các nhà máy sản xuất quần áo bị tổn thất. Đại sứ quán đã liên lạc với các công ty để cập nhật tình hình.

Trước đó, theo Đài truyền hình Myawadday (do quân đội điều hành), 4 nhà máy dệt may và 1 nhà máy phân bón tại khu công nghiệp Hlaing Tharyar, ngoại ô Yangon, Myanmar đã bị đốt phá trong ngày 14/3.

Cũng theo Myawadday, lính cứu hỏa đã gặp trở ngại trong việc tiếp cận và dập tắt các đám cháy do bị khoảng 2.000 người dân chặn đường, do đó lực lượng an ninh đã nổ súng vào người biểu tình.

Theo cập nhật mới nhất từ truyền thông Malaysia, người chết trong cuộc biểu tình ngày 14/3 ở Yangon đã lên tới con số 59 và 129 người bị thương.

Tuyên bố của người phát ngôn Đại sứ quán Trung Quốc tại Myanmar mô tả tính chất vụ việc là "hết sức tồi tệ".

Đại sứ quán Trung Quốc thúc giục Myanmar "có các biện pháp hiệu quả hơn nữa nhằm chấm dứt toàn bộ những hành động bạo lực, trừng trị thủ phạm theo luật pháp, và đảm bảo sự an toàn về tính mạng, tài sản của các các công ty và công dân Trung Quốc tại Myanmar".

Hiện quân đội Myanmar đã ban bố thiết quân luật lên 6 quận của thành phố Yangon, gồm Hlaingthaya, Shwepyitha, North Dagon, South Dagon, Dagon Seikkan và North Okkalapa.

Dù đã nhiều nước lên án cuộc đảo chính quân sự ở Myanmar kéo theo các cuộc biểu tình đẫm máu, nhưng cho tới nay Trung Quốc vẫn xem những gì đang diễn ra ở Myanmar là vấn đề nội bộ của nước này và tránh gọi hành động của quân đội là "đảo chính". Trung Quốc cho rằng cần phải có thêm thời gian để xem xét, đánh giá tình hình.

Phát biểu trong cuộc họp báo bên lề kỳ họp quốc hội ở Bắc Kinh ngày 7/3, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị bác bỏ các cáo buộc nói rằng Trung Quốc đứng đằng sau việc quân đội Myanmar nắm chính quyền.

Theo ông Vương, Myanmar là một phần của ASEAN. Trung Quốc ủng hộ nguyên tắc của ASEAN về việc không can thiệp vào công việc nội bộ, đồng thời tập trung vào việc phát triển các lợi ích kinh tế chung.

Xem thêm >> Phàn nàn ‘giá cổ phiếu Tesla quá cao’, Elon Musk bị cổ đông kiện

Theo Global Times, Reuters
Cùng chuyên mục
Tin khác