Myanmar bắt giữ một lãnh đạo của Aeon, cáo buộc 'thổi phồng' giá gạo
(VNF) - Ông Hiroshi Kasamatsu, người làm việc cho liên doanh địa phương của nhà bán lẻ Nhật Bản Aeon, Aeon Orange, đã bị bắt giữ tại Thủ đô Yangon của Myanmar do bị cáo buộc thổi phồng giá gạo.
Ngày 1/7, tờ Reuters đưa tin Myanmar đã bắt giữ 4 giám đốc điều hành của các chuỗi siêu thị, bao gồm một quan chức của một liên doanh Nhật Bản, vì bán gạo với giá cao.
Cụ thể, chính quyền Yangon cho biết họ đã bắt giữ 11 người, bao gồm các thương nhân buôn gạo và quan chức nhà máy xay xát và bán lẻ, cáo buộc họ thổi giá lên từ 31% đến 70% so với mức quy định.
Báo giới Myanmar cũng cho biết một giám đốc điều hành của chuỗi siêu thị Aeon Orange, một liên doanh giữa Aeon của Nhật Bản và Creation Myanmar có trụ sở tại Yangon nằm trong số những người bị bắt.
Tại Tokyo, Tổng thư ký nội các Nhật Bản Yoshimasa Hayashi cho biết cảnh sát tại thủ đô thương mại Yangon của Myanmar đang thẩm vấn một công dân Nhật Bản.
Đến ngày 2/7, tờ Nikkei Asia đưa tin xác nhận một trong số những người bị bắt là Hiroshi Kasamatsu, một giám đốc của chuỗi bán lẻ Aeon Orange - liên doanh địa phương của nhà bán lẻ Nhật Bản Aeon.
Một giám đốc điều hành của Aeon Orange cho biết công ty sẽ làm việc với Đại sứ quán Nhật Bản để đảm bảo Kasamatsu được thả tự do nhanh chóng. Nhưng theo một đại diện của đại sứ quán, có rất ít lý do để lạc quan.
Theo nguồn tin tiết lộ với Nikkei, ông Kasamatsu "sẽ được thả ngay sau khi cuộc thẩm vấn kết thúc". Ông có thể được thả nhanh chóng nếu chính phủ quyết định không truy tố ông, mặc dù tình hình cụ thể vẫn chưa được phân định.
Vụ việc mới nhất này được cho là lần đầu tiên một nhân viên tại một công ty Nhật Bản bị giam giữ vì các quy định kinh doanh.
Myanmar đã phải đối mặt với tình trạng hỗn loạn kinh tế sau cuộc đảo chính quân sự năm 2021, khiến nhiều công ty nước ngoài phải rời khỏi đất nước hoặc dừng kế hoạch mở rộng tại đây.
Giá các loại thực phẩm thiết yếu như gạo, hành tây và tỏi đã tăng ít nhất một nửa, và trong một số trường hợp còn tăng nhiều hơn nữa, trong năm qua. Chính quyền đã phản ứng bằng cách áp dụng biện pháp kiểm soát giá gạo, như họ đã làm trước đây đối với dầu ăn và nhiên liệu.
Chính quyền bắt đầu thắt chặt kiểm soát đối với các thương nhân buôn gạo vào cuối tháng 6, bắt giữ một quan chức của Liên đoàn gạo Myanmar và một cá nhân có quan hệ với nhà bán lẻ địa phương City Mart Holding, cùng nhiều người khác.
Theo quy định của liên đoàn, các siêu thị và cửa hàng tiện lợi được phép bán gạo cao hơn 20% so với giá tham chiếu do chính quyền Myanmar quy định. Nhưng 22 cơ sở thương mại, bao gồm cả những cơ sở do Aeon điều hành, đã bán gạo cao hơn từ 51% đến 70%, theo cáo buộc trong một bản thông cáo phát hành ngày 30/6.
Gần đây, Myanmar cũng thắt chặt kiểm soát giá dược phẩm và phân bón - một vấn đề đáng lo ngại đối với các doanh nghiệp trong lĩnh vực này.
Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính nền kinh tế Myanmar chỉ tăng trưởng 1% trong năm tài chính 2023 và dự kiến mức tăng trưởng tương tự trong năm tài chính 2024. Do đầu tư sụt giảm và ngoại tệ khan hiếm, đồng kyat đã suy yếu, khiến nhiên liệu và nhu yếu phẩm hàng ngày trở nên đắt đỏ hơn khi nhập khẩu.
Mặc dù WB dự báo lạm phát sẽ giảm trong năm tài chính 2024 so với hai năm trước, nhưng vẫn dự kiến ở mức 18%, mức cao bất thường đối với một nền kinh tế mới nổi ở châu Á.
Tháng trước, chính quyền Myanmar đã bắt giữ 35 người, trấn áp các nhà buôn vàng, ngoại hối và các đại lý bán bất động sản nước ngoài, nhằm mục đích hỗ trợ đồng tiền đang mất giá nhanh chóng.
Hé lộ về Việt Phát, ông chủ lớn bỏ 6.000 tỷ xây Aeon Mall Biên Hòa rộng 12ha
- Nghịch cảnh kinh tế Nga – Ukraine: Bên thăng hạng, bên sắp vỡ nợ 02/07/2024 11:42
- Hợp nhất các ông lớn dầu mỏ, 'quả đấm thép' mới của Trung Quốc 02/07/2024 09:00
- EU ‘nín thở’ khi Hungary cam kết sẽ 'làm cho châu Âu vĩ đại trở lại' 01/07/2024 04:46
Toàn cảnh biệt thự trên bán đảo Sơn Trà bị Đà Nẵng thu hồi
(VNF) - Khu biệt thự được bảo phủ một màu xanh của các tán lá cây rừng. Do đó, Khu biệt thự rất khó nhìn thấy ở trên cao.