Nghịch cảnh kinh tế Nga – Ukraine: Bên thăng hạng, bên sắp vỡ nợ
(VNF) - Trong khi Nga thăng hạng thành nước có "thu nhập cao" trong bảng xếp hạng của Ngân hàng Thế giới (WB) thì Ukraine đối mặt với nguy cơ vỡ nợ ngay vào tháng tới nếu không đàm phán được thỏa thuận tái cấu trúc với các chủ nợ.
Nga thăng hạng thành quốc gia có “thu nhập cao”
Ngân hàng Thế giới (WB) ngày 1/7 đã công bố bảng xếp hạng tổng thu nhập quốc dân (GNI) thường niên. Theo đó, Nga đã được thăng hạng từ "trung bình khá" lên mức "cao" nhờ sức mạnh tăng trưởng kinh tế.
WB thống kê tổng thu nhập quốc dân dựa trên phương pháp có từ năm 1989 và cập nhật bảng xếp hạng của mình vào ngày 1/7 hàng năm, dựa trên GNI bình quân đầu người của năm dương lịch trước đó. Thu nhập được đo bằng đơn vị tương đương USD.
“Hoạt động kinh tế ở Nga chịu ảnh hưởng bởi sự gia tăng lớn các hoạt động liên quan đến quân sự vào năm 2023, trong khi tăng trưởng cũng được thúc đẩy bởi sự phục hồi trong thương mại (tăng 6,8%), lĩnh vực tài chính (tăng 8,7%) và xây dựng (tăng 6,6%)”, WB nêu rõ.
Ngân hàng này cho biết thêm: "Những yếu tố này đã dẫn đến sự gia tăng cả GDP thực tế (3,6%) và danh nghĩa (10,9%) và GNI bình quân đầu người theo Atlas của Nga tăng 11,2%" .
Đà tăng trưởng kinh tế này vẫn diễn ra ngay cả sau khi Mỹ và các đồng minh áp đặt hàng nghìn lệnh trừng phạt lên Nga vì cuộc xung đột Ukraine, công khai tuyên bố rằng mục tiêu của họ là phá hủy nền kinh tế Nga.
Để được xếp vào danh sách “thu nhập cao”, một quốc gia phải có GNI trên 14.005 USD, điều chỉnh tăng từ 13.845 USD cho năm tài chính trước đó. Việc điều chỉnh dựa trên mức trung bình của các chỉ số giảm phát GDP của Trung Quốc, Nhật Bản, Anh, Mỹ và khu vực đồng tiền chung châu Âu.
Phân loại thu nhập được cho là phản ánh mức độ phát triển của một quốc gia, sử dụng GNI như “chỉ số phổ biến về năng lực kinh tế”.
Số liệu của Ngân hàng Thế giới cũng cho thấy xu hướng phát triển ở Nam Á, Mỹ Latinh và Caribe, trong khi Trung Đông và Bắc Phi có tình hình tệ hơn vào năm 2023 so với năm 1987. Ngược lại, châu Âu và Trung Á đã giảm từ 71% các quốc gia có thu nhập cao vào năm 1987 xuống còn 69% trong năm tài chính vừa qua.
Ukraine đứng trước nguy cơ vỡ nợ
Tờ The Economist mới đây đưa ra cảnh báo rằng Ukraine có thể vỡ nợ ngay vào tháng tới nếu không đàm phán được thỏa thuận tái cấu trúc với các chủ nợ.
Vào tháng 2/2022, những người nắm giữ trái phiếu, bao gồm các công ty tài chính khổng lồ của Mỹ là BlackRock và Pimco và công ty quản lý tài sản của Pháp là Amundi, đã cấp cho Ukraine quyền “đóng băng nợ” trong hai năm do xung đột với Nga. Nhưng thỏa thuận đó sẽ hết hạn vào tháng 8 tới đây và các chủ nợ của Kiev đang lo lắng rằng Kiev sẽ bắt đầu trả lãi cho các khoản nợ của mình một lần nữa.
Theo The Economist, thỏa thuận này có giá trị bằng 15% GDP hàng năm của Ukraine, nghĩa là nếu phải thanh toán, đây sẽ là hạng mục chi tiêu lớn thứ hai của Kiev sau quốc phòng.
Cuộc xung đột với Nga đã giáng một đòn nặng nề vào nền kinh tế Ukraine. Tỷ lệ nợ trên GDP của Kiev sẽ đạt tới 94% vào cuối năm, bất chấp sự hậu thuẫn mạnh mẽ của phương Tây, mặc dù điều này chủ yếu đến dưới hình thức "pháo binh, xe tăng và các quỹ được chỉ định, thay vì tiền mặt", bài báo lưu ý.
“Ukraine có một tháng để tránh vỡ nợ”, The Economist cho biết, đồng thời nói thêm rằng Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) rất muốn đàm phán một kế hoạch xóa nợ, nhưng khả năng đạt được thỏa thuận như vậy là không cao trong thời gian cho phép.
Tháng trước, chính phủ Ukraine đã không đạt được thỏa thuận với một nhóm các nhà đầu tư nước ngoài về việc tái cấu trúc khoản nợ 20 tỷ USD của nước này. Kiev đã thúc giục các chủ trái phiếu chấp nhận giảm nợ mạnh khi cố gắng đáp ứng yêu cầu của IMF về việc tái cấu trúc và duy trì quyền tiếp cận thị trường quốc tế.
Ukraine muốn giảm 60% nợ so với giá trị hiện tại, trong khi các chủ nợ cho rằng 22% là "hợp lý hơn".
Nếu không đạt được thỏa thuận tái cấu trúc nợ mới, Ukraine sẽ vỡ nợ. Điều này sẽ làm tổn hại đến xếp hạng tín dụng của quốc gia và làm phức tạp khả năng vay nợ trong tương lai.
Theo Economist, kịch bản nhiều khả năng xảy ra nhất là gia hạn thời gian đóng băng thanh toán nợ đến năm 2027 hoặc tuyên bố vỡ nợ. Dù bằng cách nào, Ukraine sẽ không tiếp tục thanh toán cho các chủ nợ của mình.
Hợp nhất các ông lớn dầu mỏ, 'quả đấm thép' mới của Trung Quốc
Cảnh đìu hiu ở Chợ trung tâm Móng Cái chuyên bán hàng Trung Quốc
(VNF) - Chưa bao giờ chợ trung tâm Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) lại rơi vào cảnh đìu hiu như hiện nay. Hàng loạt kiot tại các chợ lớn đóng cửa, khách vào chợ lèo tèo, người bán hàng phần lớn ngồi chơi smart phone