Myanmar dọa chuyển toàn bộ tiền gửi từ ngân hàng tư nhân sang ngân hàng quân đội

Mộc An - 18/03/2021 13:42 (GMT+7)

(VNF) - Chính quyền quân sự Myanmar đe dọa chuyển toàn bộ tiền gửi từ ngân hàng thương mại tư nhân sang ngân hàng quân đội quản lý nếu các ngân hàng này không mở cửa trở lại.

VNF
Một chi nhánh ngân hàng ở Myanmar đang tạm dừng hoạt động.

Hãng tin Nikkei Asia của Nhật ngày 17/3 dẫn một chỉ thị bị rò rỉ cho thấy chính quyền quân sự Myanmar chỉ đạo ngân hàng trung ương nước này buộc các ngân hàng thương mại phải hoạt động trở lại, nếu không sẽ phải chuyển các tài khoản tiền gửi sang ngân hàng nhà nước Myanma Economic Bank (MEB) và 2 ngân hàng quân đội là Inwa Bank và Myawaddy Bank.

Ảnh chụp màn hình chỉ thị trên được chia sẻ rộng rãi trên các mạng xã hội Myanmar từ hôm 12/3 và được xác nhận bởi các lãnh đạo cấp cao tại 3 ngân hàng thương mại ở Myanmar hồi đầu tuần này.

Myanmar hiện có hơn 30 ngân hàng, bao gồm khoảng 13 ngân hàng nhà nước hoặc do nhà nước sở hữu một phần. Các ngân hàng này đã bị ảnh hưởng đáng kể khi ngày càng nhiều nhân viên đình công, tham gia các cuộc biểu tình phản đối chính quyền quân sự. Nhiều ngân hàng chỉ còn khoảng 20-30% nhân viên đi làm do đó họ phải đóng cửa nhiều chi nhánh.

Đại diện một ngân hàng thương mại tư nhân cho biết việc thuyết phục nhân viên tham gia đình công đi làm trở lại là phương án “bất khả thi”.

“Tất cả các ngân hàng thương mại đều lường trước được việc chính quyền quân sự sẽ hành động để buộc các ngân hàng mở cửa trở lại, song họ chưa từng nghĩ đến khả năng chính quyền sẽ chuyển toàn bộ tài khoản tiền gửi sang ngân hàng quân đội quản lý”, đại diện một ngân hàng cho hay.

Một số lãnh đạo ngân hàng cảnh báo người dân có thể đồng loạt rút tiền khỏi ngân hàng hoặc các ngân hàng sẽ "tháo chạy" nếu nhận thấy nguy cơ quốc hữu hóa một phần hệ thống ngân hàng.

Myanmar rơi vào khủng hoảng sau khi quân đội nước này bắt giữ Tổng thống Win Myint, cố vấn nhà nước Aung San Suu Kyi và nhiều lãnh đạo của đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) vào ngày 1/2 với cáo buộc có gian lận trong cuộc bầu cử tháng 11/2020, kéo theo các cuộc biểu tình trên quy mô toàn quốc.

Mới đây, kênh truyền hình quốc gia Myanmar MRTV đưa tin về việc doanh nhân bất động sản U Maung Weik thừa nhận đã hối lộ cho bà Suu Kyi 550.000 USD từ năm 2019-2020.

"Theo lời khai của U Maung Weik, bà Aung San Suu Kyi phạm tội hối lộ và Ủy ban chống tham nhũng đang điều tra để đưa ra quyết định theo luật chống tham nhũng", MRTV đưa tin hôm 17/3.

Trước đó, người phát ngôn của chính quyền quân sự Myanmar cáo buộc nữ chính trị gia này nhận vàng và các khoản tiền phi pháp lên đến 600.000 USD khi còn điều hành chính phủ.

Theo Irrawaddy, nếu bị xác nhận mắc tội tham nhũng, bà Suu Kyi có thể đối mặt án tù tối đa 15 năm.

Xem thêm >> Mỹ: 21 bang kiện Tổng thống Biden, cáo buộc ‘vượt thẩm quyền’

Theo Nikkei Asia, Reuters
Cùng chuyên mục
Tin khác
Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.