Bất động sản

Nam Cường: Một thời vang bóng

(VNF) - Những năm đầu thế kỷ XXI, Nam Cường là một trong những nhà phát triển bất động sản hàng đầu miền Bắc. Nhưng sau sự ra đi của nhà sáng lập - chủ tịch Trần Văn Cường, tập đoàn này chỉ còn là chiếc bóng của chính mình.

Nam Cường: Một thời vang bóng

Ảnh minh hoạ

Khởi từ phía đông châu thổ

Trong khối doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam, Nam Cường là bậc “đàn anh”, bởi đến nay, tập đoàn này đã có 40 năm lịch sử. Khởi thủy là Tổ hợp dịch vụ vận tải vật tư nông nghiệp và xây dựng Xuân Thủy do ông Trần Văn Cường lập ra năm 1984 (đặt trụ sở tại xã Xuân Ngọc, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định), Nam Cường đã bắt đầu chương đầu tiên của mình bằng việc kinh doanh phân bón và dịch vụ vận tải.

Từ Nam Định, Nam Cường mở rộng ra Hải Phòng – nơi đã tạo ra bước ngoặt không chỉ cho riêng ông Trần Văn Cường (gặp người bạn đời Lê Thị Thúy Ngà) mà còn cho cả công ty. Tại thành phố hoa phượng đỏ, Nam Cường đã phát triển rất nhanh, để tới đầu những năm 90, công ty có nguồn lực bước chân vào lĩnh vực khách sạn. Giai đoạn ấy, Nam Cường cùng một lúc triển khai 3 dự án khách sạn gồm: Thúy Quỳnh – Hà Nội, Tray – Hải Phòng và Thuý Quỳnh - Hải Phòng.

Tới năm 2000, Nam Cường bắt đầu tập trung mọi nguồn lực đầu tư bất động sản khu đô thị. Hai địa bàn trọng điểm của công ty lúc này là Hải Dương và Nam Định. Cụ thể, tại Hải Dương, Nam Cường triển khai 2 dự án khu đô thị mới phía đông và phía tây thành phố Hải Dương với tổng quy mô hơn 500ha. Tại Nam Định, công ty triển khai 3 dự án lớn: khu đô thị Hòa Vượng, khu đô thị Thống Nhất, khu đô thị Mỹ Trung với tổng quy mô khoảng 300ha.

Đây là những dự án đã làm nên tên tuổi của Nam Cường, ghi dấu ấn về một trong những nhà phát triển có đóng góp quan trọng đối với sự phát triển của thị trường bất động sản miền Bắc. Cần nhớ rằng vào những năm 2000, ngay đến thị trường bất động sản Hà Nội cũng chỉ có một số doanh nghiệp nhà nước làm dự án khu đô thị, còn tại các tỉnh thành khác, thị trường bất động sản còn rất sơ khai.

Thành tựu từ các dự án ở Hải Dương và Nam Định đã tạo điều kiện cho Nam Cường tiến về Hà Nội. Những năm 2005 - 2006, với vốn điều lệ trên 1.100 tỷ đồng, Nam Cường xúc tiến mạnh mẽ cho công tác chuẩn bị đầu tư 3 dự án khu đô thị rất lớn là: Dương Nội, Phùng Khoang (quận Hà Đông) và Cổ Nhuế (quận Bắc Từ Liêm).

Dương Nội là dự án nổi tiếng nhất của Nam Cường, có quy mô khoảng 200ha, gồm các phân khu biệt thự, nhà phố và chung cư, nằm ở đoạn cuối trục đường Lê Văn Lương kéo dài. Dự án được triển khai năm 2008 - đó cũng là năm mà khu đô thị Phùng Khoang được phép đầu tư.

Phùng Khoang có diện tích khoảng 28ha, nằm ở đoạn đầu của trục đường Lê Văn Lương kéo dài. Còn khu đô thị Cổ Nhuế có quy mô 12ha, nằm trên trục đường Phạm Văn Đồng (vành đai 3), cách chân cầu Thăng Long chỉ vài km. 3 dự án này đã xác lập vị thế lớn cho Nam Cường trên thị trường bất động sản Hà Nội, với tư cách là một trong những tập đoàn lớn và có sức bật mạnh mẽ nhất.

Tuy nhiên, vào năm 2010, ông Trần Văn Cường qua đời khi chỉ mới 53 tuổi. Sự ra đi của ông là sự mất mát không thể bù đắp đối với tập đoàn Nam Cường. Bởi vậy, từ sau năm này, tập đoàn đã không còn những bước phát triển rực rỡ nữa.

Ảnh minh hoạ

Đi ngang là đi xuống

Nam Cường sau 2010 vẫn có một số hoạt động đáng kể trong việc triển khai các dự án bất động sản. Chẳng hạn như năm 2012, tập đoàn được cấp cấp giấy chứng nhận đầu tư khu phức hợp du lịch dịch vụ nghỉ dưỡng cao cấp Nam Cường Phú Quốc (diện tích 32ha, tổng mức đầu tư 3.200 tỷ đồng); năm 2013 khánh thành tổ hợp chung cư The Sparks; năm 2016 ra mắt chung cư Anland Complex, biệt thự thương mại An Phú Shop-villa (thuộc khu đô thị Dương Nội); năm 2018 ra mắt biệt thự An Vượng (thuộc khu đô thị Dương Nội)…

Song, về cơ bản, các hoạt động này không nổi trội so với thị trường chung. Đặc biệt là từ 2014 trở đi, khi thị trường bất động sản bước vào giai đoạn tăng trưởng mạnh mẽ chưa từng có và các chủ đầu tư thế hệ sau lớn mạnh với tốc độ cực kỳ nhanh chóng, Nam Cường đã thực sự bị tụt lại phía sau.

Tập đoàn hầu như chỉ cố gắng giữ vững quỹ đất có được ở giai đoạn trước, phát triển một số sản phẩm nhất định hoặc chuyển nhượng một phần dự án cho đơn vị khác, chứ không tạo ra được bất kỳ đột phá nào, dù cho quy mô tổng tài sản, vốn chủ sở hữu hay doanh thu, lợi nhuận hàng năm vẫn ở mức tương đối lớn.

Trên thực tế, nhiều dự án của Nam Cường cho tới hiện nay vẫn trong tình trạng chưa hoàn thiện, phải giãn hoãn tiến độ. Như khu đô thị Phùng Khoang, tiến độ thực hiện ban đầu là 60 tháng, tức hoàn thành năm 2013, song đến năm 2022, tập đoàn vẫn chưa có động thái gì đáng kể và phải xin hoãn tiến độ sang tận quý IV/2024.

Tương tự là dự án khu đô thị phía tây Hải Dương, hiện vẫn còn một số hạng mục chưa hoàn thiện, gặp vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, khiến tỉnh Hải Dương đã phải điều chỉnh tiến độ thực hiện dự án. Hay tại khu đô thị Dương Nội, nhiều lô đất vẫn đang để trống, dù cho dự án đã có lịch sử 15 năm.

Đáng nói, Nam Cường còn “đánh rơi” 2 dự án quy mô lớn tại Hà Nội là khu đô thị Chương Mỹ và khu đô thị Quốc Oai. Tất nhiên, nguyên nhân chủ yếu là khách quan (Hà Nội dừng dự án BT đối ứng), song thực tế là trong ngần ấy năm, Nam Cường cũng hầu như không làm gì.

Tiếc nuối

Sự đi xuống của Nam Cường đã gây nên nỗi tiếc nuối lớn, nhất là khi nó gắn liền với sự ra đi của ông Trần Văn Cường – một doanh nhân vươn lên từ nghèo khó với nỗ lực phi thường, hoài bão to lớn và tầm nhìn xa rộng.

Nam Cường là một điển hình đi lên từ những dự án đổi đất lấy hạ tầng, đã để lại những dấu ấn đậm nét trong giai đoạn đầu của thị trường bất động sản, đã tích lũy nguồn lực dồi dào để bứt phá, nhưng cuối cùng chỉ có thể làm một “phú ông” chứ không thể trở thành người dẫn dắt thị trường.

Trong thiên văn học, có một khái niệm gọi là “ngôi sao thất bại” (failing star), chỉ những hành tinh khí khổng lồ, có kích thước còn to lớn hơn cả một ngôi sao, nhưng không thể trở thành ngôi sao, vì không đủ khối lượng (hay không đủ nặng). Ta cũng có thể xem Nam Cường là một “ngôi sao thất bại” như vậy.

Tin mới lên