Tài chính quốc tế

NATO gợi ý nhượng lãnh thổ cho Nga để được kết nạp, Ukraine nói ‘lố bịch’

(VNF) - Giới chức Ukraine tỏ ra phẫn nộ trước đề xuất của Chánh văn phòng Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Stian Jenssen rằng nước này nên nhượng lãnh thổ cho Nga để đạt được hòa bình và gia nhập liên minh quân sự này.

NATO gợi ý nhượng lãnh thổ cho Nga để được kết nạp, Ukraine nói ‘lố bịch’

Ukraine từ lâu theo đuổi mục tiêu gia nhập NATO, nhưng đến nay vẫn chưa được chấp nhận.

Theo đó, ngày 15/8, ông Stian Jenssen cho hay liên minh này đã bàn bạc về một số phương án về tư cách thành viên của Ukraine ở NATO trong tương lai, trong đó có “giải pháp khả thi” là “Ukraine từ bỏ một phần lãnh thổ và đổi lấy tư cách thành viên của NATO".

Tuy nhiên, quan chức này nhấn mạnh Ukraine mới là bên cuối cùng quyết định khi nào đàm phán và với những điều kiện nào.

Trong tuyên bố trên Twitter sau đó, Cố vấn Tổng thống Ukraine, ông Mikhail Podoliak, đã lập tức bác bỏ đề xuất này và xem đó là một ý tưởng “lố bịch”. Theo ông, giải pháp duy nhất là phương Tây “tăng tốc cung cấp vũ khí”.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ukraine Oleg Nikolenko cũng chỉ trích đề xuất này: "Các cuộc thảo luận về việc Ukraine gia nhập NATO với điều kiện phải từ bỏ một phần lãnh thổ của mình là hoàn toàn không thể chấp nhận được. Chúng tôi luôn tin rằng NATO, giống như Ukraine, không bao giờ muốn đánh đổi lãnh thổ".

Về phía Nga, nhận định về đề xuất của Chánh văn phòng Tổng thư ký NATO Stian Jenssen, Phó chủ tịch Hội đồng an ninh Nga Dmitry Medvedev cho rằng tất cả các lãnh thổ được cho là của Ukraine đều có tính tranh chấp cao.

“Để gia nhập NATO, chính quyền Kiev sẽ phải từ bỏ ngay cả chính Kiev, thủ đô của nước Nga cổ. Khi đó họ sẽ phải dời thủ đô đến Lviv. Tất nhiên, nếu Ba Lan đồng ý", Hãng tin Tass dẫn lời ông Medvedev cho hay.

Theo giáo sư danh dự về khoa học chính trị tại Đại học Akron, ông James Sperling, một trong những yêu cầu để Kiev gia nhập liên minh NATO là giải quyết tất cả các tranh chấp lãnh thổ còn tồn tại. Điều đó có nghĩa là Kiev phải khiến Moscow công nhận biên giới trước năm 2014 của Ukraine và rút quân, hoặc đạt được một giải pháp lãnh thổ với Nga để làm cơ sở cho mối quan hệ trong tương lai giữa các quốc gia. Tuy nhiên dù đã bước sang tháng thứ 18, cuộc xung đột Nga - Ukraine vẫn chưa có dấu hiệu sẽ sớm dừng lại.

Cho tới nay Nga vẫn thể hiện quyết tâm thực hiện các mục tiêu của chiến dịch quân sự đặc biệt. Trong khi đó, Ukraine vẫn còn ý chí chiến đấu và quyết không từ bỏ lãnh thổ đã bị chiếm đóng. Nhiều chuyên gia quân sự dự đoán cuộc xung đột có thể kéo dài đến năm 2024 và có thể là năm 2025.

Xem thêm >> Động thái lạ của Trung Quốc khi tỷ lệ thanh niên thất nghiệp ‘phá đỉnh’

Tin mới lên