Netflix đang kinh doanh như thế nào tại Việt Nam?

Ngọc Lưu - 11/11/2020 17:31 (GMT+7)

(VNF) - Là một trong những nhà cung cấp dịch vụ phim trực tuyến lớn nhất thế giới, Netflix hiện có khoảng 151 triệu thuê bao đăng ký tại 190 quốc gia. Tại Việt Nam, Netflix bắt đầu cung cấp dịch vụ từ năm 2016.

VNF
Netflix có mặt ở thị trường Việt Nam từ năm 2016.

Doanh thu mỗi năm lên đến 30 triệu USD

Năm 2016, Netflix chính thức có mặt ở thị trường Việt Nam cung cấp dịch vụ xem phim trực tuyến trên nền tảng này với các gói có mức phí từ 180.000 đến 260.000 đồng/tháng.

Theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông, đến nay, tổng số thuê bao trả phí cho Netflix ở Việt Nam đã đạt trên con số hơn 300.000. Netflix thu mỗi thuê bao ít nhất 120 USD/năm, tương đương doanh thu mỗi năm lên đến 30 triệu USD (khoảng 700 tỷ đồng).

Được biết, doanh thu Netflix chủ yếu từ các dịch vụ xem truyền hình trả tiền qua ứng dụng phần mềm. Cá nhân người sử dụng dịch vụ chỉ cần kết nối internet, dowload ứng dụng, cài đặt và mua gói sử dụng dịch vụ.

Theo một khảo sát thực hiện hồi đầu tháng 3 bởi Công ty Nghiên cứu thị trường Q&Me, Netflix đứng thứ 2 trong top 5 dịch vụ xem truyền hình trực tuyến phổ biến tại Việt Nam, chỉ sau FPT Play.

Có thể thấy, dù tham gia thị trường Việt Nam sau nhưng ứng dụng này đã nhanh chóng vượt qua các ứng dụng trong nước như K+, VTVCab... 

Mặc dù thị phần đứng thứ 2 tại Việt Nam nhưng các dịch vụ của Netflix tại Việt Nam hầu hết đều phải đăng kí sử dụng, thanh toán phí… trực tuyến. Đồng nghĩa số tiền đơn vị này thu được sẽ hoàn toàn đi khỏi Việt Nam mà không ai có thể chặn lại.

4 năm kiếm hàng triệu USD nhưng không đóng 1 đồng thuế

Mặc dù "hái ra tiền" tại Việt Nam nhưng cũng giống như nhiều nền tảng xuyên biên giới khác, Netflix hiện tại vẫn chưa đóng 1 đồng thuế nào.

Theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông, hoạt động cung cấp dịch vụ truyền hình theo yêu cầu được một số doanh nghiệp nước ngoài cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam, nhưng chưa chịu sự quản lý của pháp luật Việt Nam. Cụ thể, các doanh nghiệp này chưa được cấp phép cung cấp dịch vụ, chưa đóng các loại phí, thuế, chưa thực hiện biên tập nội dung, tạo sự bất bình đẳng trên thị trường truyền hình trả tiền tại Việt Nam.

Báo cáo trên nêu ví dụ cụ thể đối với Netflix. Dù có doanh thu mỗi năm lên đến 30 triệu USD, nhưng Netflix không chịu sự quản lý như các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền trong nước, cũng như không thực hiện các nghĩa vụ về thuế và phí quyền cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền theo quy định.

 Doanh thu mỗi năm của Netflix tại Việt Nam lên đến 30 triệu USD

Nói về vấn đề này, đại diện Tổng cục Thuế cho biết theo quy định hiện hành, các tổ chức nước ngoài kinh doanh nhưng không có cơ sở thường trú tại Việt Nam, hoặc có thu nhập phát sinh tại Việt Nam đều phải nộp thuế nhà thầu nước ngoài.

Vị đại diện này cũng cho biết cơ quan thuế đang phối hợp với Cục Phòng, chống rửa tiền (Ngân hàng Nhà nước) để rà soát, thống kê doanh thu của Netflix phát sinh từ khi cung cấp dịch vụ tại Việt Nam (từ năm 2016 đến nay) để truy thu thuế.

Theo quy định hiện hành, kể từ ngày 1/1/2019, Luật an ninh mạng có hiệu lực, theo đó các doanh nghiệp nước ngoài kinh doanh và có phát sinh thu nhập tại Việt Nam từ hoạt động qua mạng phải lưu trữ dữ liệu tại Việt Nam và tham gia nộp thuế khi có phát sinh doanh thu tại Việt Nam.

Trước đó, hồi tháng 8/2019, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã có buổi tiếp ông Kuek Yu-Chuang, Giám đốc điều hành Netflix khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Tại buổi tiếp này, đại diện Netflix khẳng định sẽ chủ động đăng ký và xin được cấp phép hoạt động tại Việt Nam. Đồng thời cam kết sẵn sàng tuân thủ đầy đủ pháp luật Việt Nam, đóng thuế đầy đủ theo đúng quy định của pháp luật.

Hơn 1 năm sau lời hứa này, nền tảng phim trực tuyến Netflix vẫn chưa thực hiện nghĩa vụ thuế tại Việt Nam theo cam kết của lãnh đạo công ty này.

"Phản ánh sai lịch sử, xuyên tạc chủ quyền lãnh thổ Việt Nam"

Đây là những sai phạm của Netflix vừa được Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nêu ra tại nghị trường Quốc hội ngày 10/11.

Theo đó, Bộ trưởng Hùng cho biết Netflix có nhiều nội dung vi phạm quy định pháp luật Việt Nam về báo chí, điện ảnh, trẻ em. Doanh nghiệp này đã phản ánh sai trái lịch sử như loạt phim về chiến tranh Việt Nam; xuyên tạc về chủ quyền lãnh thổ Việt Nam như phim Madam Secretary; hay cung cấp các nội dung mô tả hình ảnh bạo lực, sử dụng ma túy, khiêu dâm qua một loạt phim như Polar, After Porn Ends, 365 Days...

Trong công văn gửi đến Netflix sau khi phát hiện các sai phạm nêu trên, Cục Phát thanh - Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) nêu rõ: "Các nội dung sai phạm trên Netflix không được biên tập để phù hợp với truyền thống văn hóa, thuần phong mỹ tục Việt Nam; khi chuyển ngữ tiếng Việt, sử dụng từ ngữ thô tục, phá hoại tính trong sáng của tiếng Việt; cho phép trẻ em dễ dàng xem các nội dung không phù hợp với trẻ em".

Chính vì vậy, Cục Phát thanh - Truyền hình và Thông tin điện tử đã yêu cầu Netflix chấm dứt hoạt động chuyển ngữ tiếng Việt, gỡ bỏ các nội dung xuyên tạc lịch sử, xuyên tạc chủ quyền, khiêu dâm, vi phạm thuần phong mỹ tục Việt Nam trên kho nội dung đang cung cấp đến người dùng Việt Nam.

Đồng thời, cơ quan này cũng yêu cầu doanh nghiệp thực hiện các thủ tục đề nghị cấp giấy phép theo quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam trong trường hợp có nhu cầu tham gia thị trường dịch vụ truyền hình tại Việt Nam.

Hồi tháng 8, Hàn Quốc nghi ngờ Netflix cố tình trốn thuế bằng cách tạo báo cáo thâm hụt tài chính. Doanh nghiệp này sau đó bị điều tra tại Hàn Quốc, với cáo buộc trốn thuế nghiêm trọng. Cơ quan Thuế Quốc gia của Hàn Quốc (NTS) đã có chuyến thanh tra văn phòng của Netflix ở Seoul.

Thực tế những nghi ngờ trốn thuế của Netflix đã có từ khá lâu. Năm ngoái, người ta phải đặt nghi vấn khi Netflix đạt lợi nhuận kỷ lục, lên đến 845 triệu USD trong năm 2018, nhưng không phải trả đồng thuế nào ở Mỹ.

Tại Indonesia, Netflix bị đánh thuế VAT 10% trên doanh số. Theo quy định mới, các doanh nghiệp nước ngoài bán sản phẩm, dịch vụ tại Indonesia đạt doanh số ít nhất 600 triệu rupiah (hơn 966 triệu đồng) hoặc có ít nhất 12.000 người dùng truy cập mỗi năm đều phải đóng thuế VAT.

Cùng chuyên mục
Tin khác