Nga cảnh báo giá khí đốt châu Âu có thể tăng 60% vào mùa đông năm nay
Minh Đăng -
17/08/2022 09:25 (GMT+7)
(VNF) - Tập đoàn dầu khí quốc gia Nga Gazprom mới đây cảnh báo giá khí đốt của châu Âu có thể tăng 60% lên hơn 4.000 USD/1.000 m3 vào mùa đông năm nay vì sản lượng khai thác và xuất khẩu giảm trong bối cảnh phương Tây cấm vận Moscow.
"Giá khí đốt giao ngay sang châu Âu đã tăng lên mức 2.500 USD cho 1.000 m3. Nếu xu hướng này kéo dài, giá sẽ vượt 4.000 USD/1.000 m3 trong mùa đông này", Gazprom nêu trong tuyên bố đưa ra ngày 16/8.
Dòng khí đốt từ Nga, nhà cung cấp hàng đầu của châu Âu, đã sụt giảm trong năm nay, sau khi Ukraine khóa van một đường ống trung chuyển khí đốt chạy qua lãnh thổ.
Kể từ ngày 27/7, đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc (Nord Stream) dẫn khí đốt từ Nga sang Đức, cũng chỉ hoạt động với khoảng 20% công suất tối đa do hai tuabin khí ngừng hoạt động.
Ngay sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vào cuối tháng 2 và trước khi Nga thắt chặt nguồn cung, giá khí đốt tại châu Âu đã tăng rất mạnh. Điều này càng cho thấy tầm ảnh hưởng của Nga lên thị trường khí đốt châu Âu.
Giá khí đốt bán buôn của Hà Lan đã chạm mức cao kỷ lục gần 335 euro (340 USD)/megawatt giờ (MWh) vào mùa xuân năm nay. Sau đó, giá đã giảm xuống khoảng 226 euro (gần 230 USD)/MWh vào ngày 16/8, nhưng vẫn cao hơn nhiều so với một năm trước khi ở mức khoảng 46 euro (46,7 USD)/MWh.
Theo Gazprom, xuất khẩu khí đốt của tập đoàn này đã giảm 36,2%, xuống 78,5 tỷ m3 trong giai đoạn từ ngày 1/1-15.8. Sản lượng của công ty cũng giảm 13,2%, xuống mức 274,8 tỷ m3 so với một năm trước.
Châu Âu đang đối mặt với khủng hoảng năng lượng chưa từng có tiền lệ do nguồn cung khí đốt từ Nga bị thắt chặt. Cú sốc năng lượng đang đẩy nền kinh tế châu lục này tiến gần hơn đến suy thoái nếu không kịp thời đa dạng hóa nguồn cung năng lượng để duy trì hoạt động của nền kinh tế.
Dù vậy, hiện EU không có nhiều giải pháp và đang đứng trước sức ép về thời gian khi phải bù đắp nguồn cung năng lượng thiếu hụt rất lớn trước mùa đông sắp tới.
Thực tế, khủng hoảng năng lượng đã lan sang các lĩnh vực khác của nền kinh tế, khiến chi phí nhà máy tăng cao. Theo Ủy ban châu Âu, tiết kiệm năng lượng vẫn là cách nhanh nhất và rẻ nhất để giải quyết cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay tại châu lục này.
(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.