Tài chính quốc tế

Nga đối mặt 'nỗi đau' dai dẳng, nhiều người dân không đủ tiền mua đồ ăn

(VNF) - Các kệ hàng ở những siêu thị tại Moscow chứa đầy trái cây, rau củ, pho mát và cả thịt nhưng nhiều người dân Nga chỉ biết nhìn và quay đi bởi lạm phát đang khiến ví tiền của họ trống rỗng.

Nga đối mặt 'nỗi đau' dai dẳng, nhiều người dân không đủ tiền mua đồ ăn

Người dân Nga khốn khổ vì giá tăng cao.

Nước Nga đang phải đối mặt với một cơn ác mộng dai dẳng, đó là lạm phát. Tính từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Trung ương Nga đã 4 lần tăng lãi suất trong nỗ lực kiểm soát lạm phát và ổn định tỷ giá hối đoái của đồng rúp.

Đến thời điểm hiện tại, lãi suất tại Nga đã tăng lên 15%, cao gấp đôi so với đầu năm. Tuy nhiên, giá cả các mặt hàng hóa tại Nga cũng tăng 12% và theo dự báo của Ngân hàng Trung ương Nga, lạm phát của năm 2023 và năm tới sẽ rơi vào khoảng 7,5%.

Đồng nội tệ của Nga cùng với nền kinh tế đã phải chống chọi với những lệnh trừng phạt từ phương Tây cùng chi phí cho quân sự khi chiến sự Nga – Ukraine kéo dài.

Ông Roxana Gheltkova, một người mua hàng tại một siêu thị ở Moscow, cho biết giá các mặt hàng từ thịt, sữa, trái cây, xúc xích đều đã tăng chóng mặt trong những tháng vừa qua và tiền lương hưu không đủ để ông chi trả cho cuộc sống hàng ngày. “Nếu không có sự giúp đỡ từ các con, tôi không biết làm cách nào để trả tiền thuê nhà và tiền ăn”, ông nói.

Số liệu từ dịch vụ thống kê nhà nước Rosstat công bố vào ngày 1/11 cho thấy giá một số loại thực phẩm tăng đột biến so với năm 2022, đơn cử như mức tăng 74% đối với bắp cải, 72% đối với cam và 47% đối với dưa chuột.

Nỗi đau lạm phát của Nga vẫn sẽ còn kéo dài.

Bất chấp những nỗ lực từ phía Ngân hàng Trung ương Nga, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng nước Nga vẫn sẽ còn phải chịu nỗi đau lạm phát trong thời gian dài nữa.

Việc tăng lãi suất của Ngân hàng Trung ương đã phần nào giúp hạ nhiệt tỷ giá, hiện ở mức khoảng 88 rúp đổi 1 USD so với hơn 100 rúp đổi 1 USD trước đó. Tuy nhiên con số này vẫn cao hơn nhiều so với mùa hè năm 2022, khi tỷ giá là khoảng 60 rúp đổi lấy 1 USD. Điều này khiến chi phí nhập khẩu vẫn ở mức cao kết hợp với các lệnh trừng phạt ở phương Tây làm thu hẹp mặt hàng xuất khẩu, từ đó đẩy giá tiêu dùng trong nước Nga tăng.

Ông Maxim Blant, nhà phân tích kinh tế Nga có trụ sở tại Latvia, nhận định việc quốc hội Nga phê duyệt ngân sách giai đoạn 2024-2026, trong đó dành số tiền kỷ lục cho chi tiêu quốc phòng, là dấu hiệu cho thấy người dân Nga sẽ tiếp tục phải chịu mức lạm phát cao.

“Đơn giản là chúng ta không thể giải quyết vấn đề lạm phát trong điều kiện tổ hợp công nghiệp - quân sự nhận được nguồn tài trợ không giới hạn, khi mọi thứ họ yêu cầu đều được cung cấp và tăng lên ở mức một tốc độ rất nhanh”, ông nói với Associated Press.

Tin mới lên