Nga nói Mỹ là 'kẻ trục lợi' trong cuộc khủng hoảng Ukraine

Quỳnh Anh - 01/06/2022 12:22 (GMT+7)

(VNF) - Trong cuộc họp Hội đồng Bảo an Nga diễn ra ngày 31/5, Thư ký Nikolay Patrushev đã lên tiếng chỉ trích các tập đoàn và tổ chức tài chính của Mỹ lợi dụng cuộc khủng hoảng tại Ukraine để trục lợi cho bản thân, mở rộng nhanh chóng sang châu Âu.

VNF
Nga cho rằng Washington lợi dụng cuộc khủng hoảng Ukraine để trục lợi riêng.

Theo ông Nikolay, ngoài việc nhanh chóng mở rộng tầm ảnh hưởng sang khu vực châu Âu, các công ty Mỹ “đã nắm quyền kiểm soát một phân khúc của thị trường khí đốt châu Âu”. Không chỉ vậy, người Mỹ còn quan tâm tới các lĩnh vực bán dẫn và công nghệ cao của nền kinh tế tại lục địa phía Bắc bán cầu.

Nga là nhà cung cấp năng lượng hàng đầu cho châu Âu, đặc biệt là khí đốt tự nhiên, trước khi cuộc xung đột ở Ukraine đe dọa tới tương lai thương mại của 2 bên.

Gần đây nhất, các sản phẩm than và dầu thô của Moscow đã phải chịu các lệnh trừng phạt của phương Tây và EU, dù ban đầu kế hoạch giảm phụ thuộc vào năng lượng Nga sẽ còn kéo dài thêm vài năm nữa.

Được biết, từ sau khi cuộc khủng hoảng tại Ukraine nổ ra khiến châu Âu luôn trong tình trạng lo lắng bị Nga cắt khí đốt, chính quyền Tổng thống Biden và các quốc gia EU đã ký hợp đồng cung cấp LNG khổng lồ để giúp châu Âu “cai nghiện” khí đốt của Moscow.

Theo các nhà phê bình, Mỹ quan tâm đến việc buộc khí đốt của Nga ra khỏi châu Âu và thay thế nó bằng khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) đắt tiền hơn của Mỹ. Ngoài ra, Washington cũng từng kêu gọi các quốc gia châu Âu giảm tốc độ giao dịch với Nga trước khi xung đột bùng phát.

Không chỉ vậy, chính Mỹ đã yêu cầu Đức loại bỏ đường ống dẫn khí Nord Stream 2 (Dòng chảy phương bắc 2). Đây là dự án đường ống dẫn khí xuyên biển trực tiếp từ Nga sang Đức, đã được hoàn thiện và chỉ còn chờ Berlin phê duyệt. Tuy nhiên, dự án này đã bị đình chỉ vô thời hạn kể từ khi Nga tấn công Ukraine hồi cuối tháng 2.

Với Moscow, phía Mỹ cũng áp dụng hàng loạt biện pháp trừng phạt, đặc biệt để làm "đứt gân" nền kinh tế này. Gần đay, Mỹ đã chặn thanh toán nước ngoài, tạo thêm khó khăn cho Nga trong việc trả khoản nợ trái phiếu quốc tế khổng lồ và đẩy nước này tới bờ vực bị tuyên bố vỡ nợ. 

Đây không phải lần đầu Moscow lên án vai trò của Mỹ trong cuộc khủng hoảng tại Ukraine. Nhiều quan chức cấp cao của Nga, bao gồm cả Tổng thống Vladimir Putin, từng có những phát ngôn cho rằng Mỹ là tác nhân “chia rẽ” mối quan hệ Nga-EU-Ukraine bằng nhiều cách, đồng thời cho rằng Washington là người hưởng lợi từ cuộc xung đột.

Trong một diễn biến mới nhất liên quan tới chiến sự Moscow-Kiev, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đồng ý cung cấp cho Ukraine các hệ thống tên lửa tiên tiến có thể tấn công chính xác vào các mục tiêu tầm xa của Nga như một phần của gói vũ khí trị giá 700 triệu USD dự kiến sẽ được công bố vào ngày 1/6, Reuters đưa tin.

Trong bài viết đăng trên tờ New York Times hôm 31/5, ông Biden nói rằng cuộc tấn công của Nga vào Ukraine sẽ kết thúc bằng ngoại giao nhưng Mỹ phải cung cấp vũ khí và đạn dược đáng kể để tạo cho Ukraine đòn bẩy cao nhất trên bàn đàm phán.

Xem thêm >> Ngân hàng Mỹ: Giá dầu Brent có thể vượt 150 USD/thùng nếu Nga giảm mạnh xuất khẩu

Theo RT
Cùng chuyên mục
Tin khác