Quyết giành chiến thắng, Nga tăng chi tiêu quân sự năm 2025 lên mức kỷ lục

Hải Đăng - 02/10/2024 08:15 (GMT+7)

(VNF) - Chính phủ Nga muốn dành 32,5% chi tiêu của mình vào năm tới cho quốc phòng, một con số kỷ lục và tăng mạnh so với mức 28,3% được báo cáo trong năm nay, khi Moscow nỗ lực giành chiến thắng trong chiến sự ở Ukraine.

Dự thảo ngân sách của chính phủ Nga được công bố ngày 30/9 đề xuất chi tiêu khoảng 13,5 nghìn tỷ rúp (hơn 145 tỷ USD) cho quốc phòng. Con số này cao hơn khoảng 3 nghìn tỷ rúp (32 tỷ USD) so với số tiền dành cho quốc phòng trong năm nay và cũng là mức kỷ lục ở thời điểm hiện tại.

Chiến sự Ukraine là cuộc xung đột lớn nhất ở châu Âu kể từ Thế chiến II và đã làm cạn kiệt nguồn lực của cả hai bên, trong đó Ukraine nhận được hàng tỷ USD viện trợ từ các đồng minh phương Tây.

Tổng thống Nga Vladimir Putin tham dự một cuộc triển lãm máy bay không người lái UAV Orlan-10 tại Trung tâm Công nghệ Đặc biệt ở St Petersburg trong tháng 9. (Ảnh: Getty Images)

Lực lượng của Nga lớn hơn và được trang bị tốt hơn lực lượng của Ukraine, và trong những tháng gần đây, quân đội Nga đã dần đẩy lùi quân đội Ukraine ở các khu vực phía đông.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy đã đến thăm Mỹ vào tuần trước để tìm kiếm sự hỗ trợ tài chính và quân sự liên tục khi cuộc chiến đang tiến gần đến cột mốc 3 năm vào tháng 2/2025 tới.

Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng đang tìm cách duy trì nỗ lực chiến sự của mình vì chi tiêu quân sự đã gây sức ép rất lớn lên nền kinh tế Nga.

Đầu tháng này, Ngân hàng Trung ương Nga đã tăng lãi suất chủ chốt thêm 1% lên 19% để chống lại lạm phát cao. Ngân hàng này đưa ra triển vọng tăng lãi suất thêm nữa để đưa lạm phát từ mức 9,1% hiện tại về mức mục tiêu 4% vào năm 2025.

Theo dự thảo ngân sách, chi tiêu cho quốc phòng sẽ giảm vào năm 2026.

Dự toán ngân sách được đề xuất vẫn có thể thay đổi khi trải qua ba lần phê duyệt tại Duma Quốc gia (Hạ viện Nga), sau đó chuyển đến Hội đồng Liên bang (cơ quan lập pháp cấp cao hơn) trước khi Tổng thống Nga Vladimir Putin ký thành luật.

Cũng trong ngày 30/9, ông Putin đã ký lệnh triệu tập 133.000 quân nhân tham gia đợt tuyển quân mùa thu, đây là con số thường lệ cho các chiến dịch tuyển quân theo mùa.

Vào tháng 9, ông đã ra lệnh cho quân đội nước này tăng quân số của Nga thêm 180.000 người lên tổng số 1,5 triệu người. Tổng quân số sẽ vào khoảng 2,4 triệu người.

Cũng trong ngày 30/9, Tổng thống Nga Putin đã công bố một video đánh dấu kỷ niệm hai năm ngày sáp nhập bốn khu vực của Ukraine và một lần nữa cáo buộc phương Tây biến Ukraine thành "một căn cứ quân sự nhắm vào Nga".

Ông Putin phát biểu để đánh dấu việc sáp nhập các vùng Donetsk, Luhansk, Kherson và Zaporizhzhia của Ukraine sau cuộc trưng cầu dân ý được tổ chức vào năm 2022 bị phương Tây lên án là trò lừa bịp. Nga cũng đã sáp nhập Crimea vào năm 2014.

Tổng thống Nga cho biết kể từ năm 2022, các doanh nghiệp ở những khu vực này đang được "tích cực khôi phục" còn các bệnh viện và trường học đang được xây dựng lại.

Việc Nga đầu tư ồ ạt vào quân đội đã khiến các nhà hoạch định chiến tranh châu Âu lo ngại, họ cho rằng Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã đánh giá thấp khả năng duy trì chiến sự lâu dài của Nga. Trong khi đó, Ukraine đang phải đối mặt với sự không chắc chắn về mức độ hỗ trợ trong tương lai từ các đồng minh thân cận nhất của mình.

Điều này đã làm tăng thêm sự tự tin ở Moscow, khi ông Putin khoe rằng “tất cả các mục tiêu đặt ra” trong cái mà Nga gọi là chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine “sẽ đạt được”.

Ngân sách quân sự 54 tỷ USD của Ukraine cho năm tới còn kém xa so với ngân sách quân sự của Nga. Ukraine chỉ có thể chiến đấu với người hàng xóm lớn hơn và được trang bị tốt hơn vì Ukraine đã nhận được tiền và trang thiết bị từ các đồng minh phương Tây.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy cho biết trong bài phát biểu hàng ngày hôm 30/9 rằng tình hình ở tuyến đầu trong cuộc chiến của Nga với Ukraine là "rất thách thức".

"Mọi thứ có thể làm được vào mùa thu này, mọi thứ chúng ta có thể đạt được, chúng ta phải đạt được", ông Zelenskyy nhấn mạnh.

Ông Zelenskyy khẳng định thêm rằng: “Sức mạnh của vũ khí và sức mạnh của ngoại giao luôn hiệu quả khi làm việc cùng nhau .Ukraine mong đợi những hành động cụ thể từ các đối tác để củng cố chiến lược của chúng tôi".

Theo AP, CNN, The Guardian
Dự án Bắc Cực của Nga nhận ‘tin dữ’ từ đồng minh thương mại hàng đầu

Dự án Bắc Cực của Nga nhận ‘tin dữ’ từ đồng minh thương mại hàng đầu

Tài chính quốc tế
(VNF) - Ấn Độ đã từ chối mua khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ dự án năng lượng Bắc Cực quan trọng của Nga, gây ra "đòn giáng mạnh" vào hoạt động xuất khẩu nhiên liệu của Moscow, một nhà phân tích năng lượng nói với Newsweek.
Cùng chuyên mục
Tin khác