Tài chính quốc tế

Nga và Saudi Arabia tiếp tục siết nguồn cung, thị trường 'vàng đen' nổi sóng

(VNF) - Hai quốc gia xuất khẩu dầu mỏ hàng đầu thế giới là Nga và Saudi Arabia thông báo sẽ tiếp tục cắt giảm sản lượng dầu mỏ trong bối cảnh giá dầu thế giới tăng liên tục trong 6 tuần qua do nguồn cung thắt chặt.

Nga và Saudi Arabia tiếp tục siết nguồn cung, thị trường 'vàng đen' nổi sóng

Nguồn cung bị siết chặt đã khiến giá dầu tăng hơn 14% trong tháng 7.

Thách thức với nguồn cung dầu mỏ

Trong ngày 4/5, thị trường dầu mỏ đã liên tục biến động trước quyết định của các thành viên chủ chốt trong Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đồng minh (OPEC+).

Theo thông báo của Phó thủ tướng Nga Alexander Novak, nước này sẽ giảm khoảng 300.000 thùng dầu xuất khẩu/ngày trong tháng 9 tới.

Nhà lãnh đạo Nga cho hay việc giảm sản lượng xuất khẩu nêu trên nằm trong nỗ lực cân đối thị trường dầu mỏ. Trước đó, Nga đã cam kết giảm sản lượng dầu mỏ khoảng 500.000 thùng/ngày, tương đương 5% sản lượng dầu mỏ của nước này, từ tháng 3 vừa qua đến cuối năm nay.

Cùng ngày, một quan chức Saudi Arabia cũng cho biết nước này sẽ tiếp tục thực hiện việc tự nguyện cắt giảm sản lượng 1 triệu thùng/ngày thêm 1 tháng, đến hết tháng 9.

Theo nguồn tin này, sản lượng dầu mỏ của Saudi Arabia trong tháng 9 sẽ là gần 9 triệu thùng/ngày.

Trong khi đó, Algeria cũng tự nguyện cắt giảm thêm sản lượng 20.000 thùng/ngày ngay trong tháng 8 này.

Tại cuộc họp trực tuyến ngày 4/8, Ủy ban giám sát chung cấp bộ trưởng của OPEC+ thông báo quyết định giữ nguyên chính sách sản lượng hiện nay của liên minh này.

Nhóm OPEC+ đã đạt được nhất trí về việc hạn chế nguồn cung tại cuộc họp chính sách hồi tháng 6 vừa qua. Mức cắt giảm sản lượng của OPEC+ (không bao gồm số cắt giảm tự nguyện bổ sung của Saudi Arabia, Nga và Algeria) đã lên tới 3,66 triệu thùng/ngày, tương đương 3,6% nhu cầu toàn cầu.

Mới đây, Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) ngày 2/8 cho biết dự trữ dầu thô của Mỹ giảm 17 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 28/7, ghi nhận mức giảm lớn nhất lịch sử. Sự sụt giảm này được thúc đẩy bởi hoạt động lọc dầu và xuất khẩu dầu thô tăng mạnh.

Các nhà phân tích của ngân hàng lớn nhất Thụy Sĩ UBS dự đoán thị trường dầu mỏ toàn cầu sẽ thâm hụt hơn 1,5 triệu thùng/ngày trong tháng 9, sau mức thâm hụt ước tính khoảng 2 triệu thùng/ngày trong tháng 7 và tháng 8.

Giá dầu leo dốc

Nguồn cung bị siết chặt đã khiến giá dầu tăng hơn 14% trong tháng 7 và hiện được giao dịch vượt 86 USD/thùng, mức cao nhất kể từ tháng 4.

Cụ thể, giá dầu thô WTI tăng 1,88%, lên mức 83.08 USD, giá dầu Brent tăng 1,63%, lên mức 86.53 USD/thùng.

Ngoài lo sợ về nguồn cung hạn chế thì nhu cầu tăng cũng đã góp phần nâng giá dầu trong bối cảnh những lo ngại về tác động của lãi suất tăng và lạm phát cao đối với đà tăng trưởng kinh tế toàn cầu đang dần hạ nhiệt.

Một số nhà phân tích dự báo giá dầu thô sẽ tiếp tục tăng và có thể hướng tới mốc 100 USD/thùng trong thời gian tới bất chấp việc một số ngân hàng trung ương trên thế giới tiếp tục tăng lãi suất để giảm lạm phát.

Nhiều nhà đầu tư Mỹ cũng dự đoán nguồn cung sẽ không đáp ứng nổi nhu cầu và đẩy giá dầu tiếp tục leo thang trong những tháng tới.

Xem thêm >> Ông Putin nỗ lực vực dậy ngành công nghiệp ô tô đang 'suy yếu trầm trọng'

Tin mới lên