Tài chính quốc tế

Nga và Triều Tiên: 'Chung giường, khác giấc mơ'

(VNF) - Nga và Triều Tiên đã xích lại gần nhau hơn bao giờ hết sau khi chiến sự tại Ukraine nổ ra, nhưng mối quan hệ này chỉ khăng khít trong ngắn hạn hay kéo dài bền vững thì hiện vẫn là ẩn số.

Trong kỷ nguyên cạnh tranh giữa các cường quốc, các nhà phân tích chính sách đối ngoại ngày càng quan tâm đến “mối quan hệ thân tình” của lãnh đạo các quốc gia chủ chốt và cách thức họ có thể thay đổi cán cân ảnh hưởng chính trị, kinh tế hoặc quân sự.

Thời gian gần đây, hiếm khi một tuần trôi qua mà không có tiêu đề mới về “mối tình” đang nở rộ giữa Moscow và Bắc Kinh cũng như về mối quan hệ chặt chẽ hơn của hai bên sẽ có ý nghĩa gì đối với trật tự quốc tế hiện tại.

Tuy nhiên, có một mối quan hệ khác được cho là ít hấp dẫn hơn nhiều nhưng lại có tầm ảnh hưởng mạnh mẽ trong ngắn hạn là giữa Nga và Triều Tiên

Yếu tố thúc đẩy

Chiến sự Ukraine dường như là yếu tố chính thúc đẩy mối quan hệ Nga và Triều Tiên thêm khăng khít. Các dấu hiệu cho thấy hai bên đang xích lại gần nhau bao gồm hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un vào tháng 9/2023 tại một trung tâm vũ trụ ở Viễn Đông Nga. Bộ trưởng Quốc phòng và Ngoại giao Nga cũng đã đến thăm Bình Nhưỡng trong những tháng gần đây. Được biết, ông Kim cũng đã mời ông Putin tới thăm thủ đô Bình Nhưỡng.

Tổng thống Nga Vladimir Putin bắt tay nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un trong cuộc gặp sáng 13/9.

Cả Nga và Triều Tiên hiện đều là những nước bị cô lập trong hệ thống quốc tế vì nhiều lý do, bao gồm cả chiến sự Ukraine và chính sách ngoại giao tên lửa hạt nhân của Bình Nhưỡng. Cả hai chính phủ đang tìm kiếm các đối tác hỗ trợ để giúp vượt qua sự cô lập và đáp ứng các nhu cầu ngoại giao, kinh tế và an ninh đang diễn ra.

Nhu cầu của Triều Tiên

Với việc tiếp cận quốc tế bị hạn chế nghiêm trọng (áp đặt cả trong và ngoài nước), Triều Tiên có một danh sách dài mong muốn. Nước này cần một dòng tiền mạnh ổn định cũng như lương thực, năng lượng và hỗ trợ công nghiệp. Những điều này Moscow đều có thể đáp ứng.

Lực lượng quân đội Triều Tiên rất lớn, đứng thứ tư trên thế giới. Tuy nhiên lực lượng của họ bị coi là lỗi thời. Do đó, nước này luôn hoan nghênh việc chuyển giao vũ khí tiên tiến của Nga, như máy bay chiến đấu và hệ thống phòng không, thông qua trao đổi hàng hóa hoặc với mức giá thân thiện.

Tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm, Pukguksong-5, được Triều Tiên công bố vào tối 14/1/2021. Ảnh: KCNA.

Bên cạnh việc thu thập thông tin tình báo, sự hỗ trợ của Nga về các phương tiện phóng vào không gian cũng sẽ hỗ trợ chương trình tên lửa đạn đạo xuyên lục địa của Triều Tiên vì công nghệ tương tự nhau.

Liên quan đến các vấn đề hạt nhân của Bình Nhưỡng, lực lượng Hải quân Triều Tiên đang tìm kiếm sự hỗ trợ cho các chương trình tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm, mà Moscow từ lâu đã có kinh nghiệm và chuyên môn đáng kể.

Nước này cũng có thể đang tìm cách giảm sự phụ thuộc kinh tế vào Trung Quốc - nước hiện là nhà viện trợ lớn nhất cho đến nay. Đối trọng với Bắc Kinh bằng mối quan hệ ngày càng tăng với Moscow có thể giúp Bình Nhưỡng có thêm ảnh hưởng trong quan hệ với Trung Quốc và đa dạng hóa các nguồn hỗ trợ.

Yêu cầu của Nga

Tất nhiên, Nga cũng có một danh sách nhu cầu. Đầu tiên và quan trọng nhất, Moscow muốn có trang thiết bị cho cuộc xung đột ở Ukraine. “Tốc độ đốt cháy” vũ khí của nước này, đặc biệt là đạn pháo, cực kỳ lớn trong cuộc xung đột và ngành công nghiệp quốc phòng Nga đang phải vật lộn để đáp ứng,

May mắn thay cho Điện Kremlin, pháo binh Triều Tiên có nguồn gốc từ Liên Xô và tương thích với các hệ thống hiện tại của Nga. Ngoài ra, Triều Tiên được cho là có kho dự trữ lớn đạn pháo và tên lửa và có thể sản xuất thêm.

Pháo phản lực siêu lớn của Triều Tiên trong lễ duyệt binh tại Bình Nhưỡng tháng 10/2020. Ảnh: KCNA.

Vũ khí hạng nhẹ của Nga và Triều Tiên cũng tương thích với nhau, cho phép Bình Nhưỡng cung cấp đạn dược cho súng trường tấn công của Moscow.

Tin đồn về việc chuyển giao tên lửa đạn đạo đã lan truyền nhưng cho đến nay dường như không có cơ sở. Giới chức Mỹ khẳng định Triều Tiên đã vận chuyển một lượng lớn container qua biên giới Nga bằng đường sắt và đường biển, có khả năng chứa vũ khí phục vụ cuộc chiến ở Ukraine.

Nga rất cần pháo binh và vũ khí hạng nhẹ cho cuộc chiến Ukraine. Trung Quốc, một nhà cung cấp tiềm năng khác, có thể sẽ là một đối tác bất đắc dĩ và thận trọng do lo ngại về phản ứng quốc tế. Trong kịch bản này, Triều Tiên là nhà cung cấp quan trọng hơn cả.

Tạm thời hay dài lâu?

Các yếu tố bên ngoài, như thời gian diễn ra cuộc chiến ở Ukraine, sẽ định hình mối quan hệ Nga-Triều trong thời gian ngắn. Nhưng phần lớn, chính Moscow và Bình Nhưỡng sẽ là những người định hình mối quan hệ và quyết định xem mối quan hệ đó là tạm thời hay lâu dài.

Mối quan hệ giữa hai quốc gia khó có thể trở nên chặt chẽ vì một số lý do. Triều Tiên coi trọng sự độc lập của mình, đặc biệt là trước các cường quốc lớn hơn, dựa trên kinh nghiệm lịch sử của Triều Tiên với Nhật Bản, Trung Quốc, Nga và Mông Cổ. Bán đảo Triều Tiên từ lâu đã được gọi là “con tôm trong biển cá voi” và ông Kim Jong-un hiểu rõ điều này.

Tổng thống Nga Vladimir Putin và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tham quan sân bay vũ trụ Vostochny ngày 13/9.

Theo các chuyên gia, Moscow có lẽ cũng không muốn có mối quan hệ quá chặt chẽ với Triều Tiên do nước này nổi tiếng là khó đoán định. Điện Kremlin cũng đang cải thiện quan hệ với Bắc Kinh và sẽ ý thức được việc cố gắng thay thế Trung Quốc trở thành nước có ảnh hưởng nhất ở Triều Tiên có thể gây mâu thuần với nước này.

Do đó, các chuyên gia cho rằng mặc dù Moscow và Bình Nhưỡng sẽ hỗ trợ lẫn nhau do nhu cầu hiện tại, nhưng đó sẽ là mối quan hệ đối tác cần thiết trong ngắn hạn hơn là vì lợi ích quốc gia lâu dài, khiến cho một liên minh lâu dài khó có thể xảy ra.

Xem thêm >> Nga: Doanh thu các ‘ông lớn’ năng lượng giảm sâu, nợ công tăng vọt

Tin mới lên