Tài chính

Ngấm đòn suy thoái, bán lẻ công nghệ lao đao

(VNF) - Khó khăn tiếp tục bủa vây nền kinh tế Việt Nam trong quý I khiến sức mua của người dân chịu ảnh hưởng tiêu cực. Điều này đã tác động rất mạnh tới kết quả kinh doanh của các hãng bán lẻ hàng công nghệ.

Ngấm đòn suy thoái, bán lẻ công nghệ lao đao

Lợi nhuận sụt giảm kỷ lục

Công ty Cổ phần đầu tư Thế Giới Di Động (HoSE: MWG) vừa công bố báo cáo tài chính quý I/2023 với doanh thu đạt hơn 27.105 tỷ đồng, giảm 27,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Quý này, lợi nhuận sau thuế của công ty chỉ đạt vỏn vẹn hơn 21,2 tỷ đồng, giảm tới hơn 98% so với cùng kỳ năm ngoái. Với kế hoạch lợi nhuận sau thuế năm dự kiến đạt 4.200 tỷ đồng, công ty chỉ mới hoàn thành 0,5%. Đáng chú ý, đây cũng là mức lợi nhuận quý thấp nhất của MWG khi trong vòng 10 năm trở lại đây, chưa quý nào lợi nhuận của công ty xuống dưới 21,2 tỷ đồng.

Nói thêm về lợi nhuận, tính ra, với hơn 5.700 cửa hàng (gồm Thế giới Di động, Điện Máy Xanh, Bách Hóa Xanh, An Khang, AVA KIDs) trên cả nước, MWG chỉ lãi trung bình 7 tỷ đồng/tháng trong quý này. Theo MWG, kết quả này là do sức mua điện thoại và điện máy suy yếu kể từ quý IV/2022 và tiếp tục giảm mạnh hơn so với dự báo trước đó. Bên cạnh đó, tâm lý thận trọng, trì hoãn trong quyết định chi tiêu đối với các sản phẩm giá trị cao diễn ra ngay cả đối với nhóm khách hàng cao cấp do suy giảm niềm tin tiêu dùng.

Cũng theo MWG, biên lợi nhuận gộp giảm từ 22% trong quý I/2022 xuống 19% trong quý I/2023. Chi phí hoạt động mặc dù đã giảm đáng kể nhưng mức giảm chi phí không tương ứng với sự sụt giảm doanh thu do một số chi phí cố định, điều này đã tác động mạnh lên lợi nhuận ròng. Mặt khác, doanh thu và lợi nhuận trong quý này sụt giảm đáng kể còn do tương quan so sánh với nền cơ sở rất cao trong quý I/2022 khi nhu cầu mua sắm tăng mạnh do bị dồn nén sau đại dịch Covid-19. Bên cạnh đó là chi phí phát sinh một lần từ việc đóng cửa hàng tại Campuchia, việc dọn dẹp hoạt động kinh doanh về cơ bản đã hoàn tất trong quý I/2023.

Khó khăn bủa vây MWG còn thể hiện trong vấn đề nhân sự. Theo số liệu công bố tại báo cáo tài chính, MWG giảm hàng nghìn nhân sự chỉ trong vài tháng. Nhà bán lẻ công nghệ này cũng cho biết biến động nhân sự là hoàn toàn do tự nhiên và công ty không có kế hoạch sa thải nhân viên. Các năm trước, số lượng nhân viên nghỉ việc được bù đắp bằng số lượng tuyển mới, song năm nay kinh tế khó khăn và sức mua giảm nên công ty tạm ngưng tuyển dụng.

Tại Công ty Cổ phần Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FPT Retail, HoSE: FRT), tổng số nhân viên cũng ghi nhận giảm từ 15.481 người xuống 15.275 người, tức giảm 206 người trong quý I/2023 bất chấp việc mở mới thêm hơn 100 nhà thuốc Long Châu. Còn nhớ vào quý cuối năm ngoái, số lượng nhân viên của FRT vẫn tăng gần 1.000 người để đáp ứng cho kế hoạch tăng tốc mở rộng nâng số lượng cửa hàng Long Châu lên 1.000 – trở thành chuỗi dược phẩm lớn nhất nước.

Về kết quả kinh doanh, báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2023 của FRT ghi nhận doanh thu gần như đi ngang so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 7.753 tỷ đồng. Theo FRT, chuỗi FPTShop liên tục chịu ảnh hưởng xấu từ áp lực giảm cầu, sự cạnh tranh mạnh mẽ trên thị trường bán lẻ dẫn đến công ty đã đưa ra nhiều chính sách giảm giá, khuyến mại nhằm kích cầu cho các sản phẩm điện tử, đặc biệt là sản phẩm Apple. Áp lực nói trên làm doanh thu thị trường chung sụt giảm rất mạnh trong quý I vừa qua. Theo đó, FRT đã nỗ lực đưa doanh thu của chuỗi FPTShop trong quý I về mức 4.513 tỷ đồng, giảm 20% so với cùng kỳ. Nhưng cũng chính bởi tác động từ khó khăn của chuỗi FPTShop, lợi nhuận sau thuế hợp nhất của FRT chỉ đạt 2 tỷ đồng, giảm 99% so với cùng kỳ năm 2022, tương đương với giảm 167 tỷ đồng.

Được biết, trong năm 2023, FPT Retail đặt kế hoạch tổng doanh thu đạt 34.000 tỷ đồng, bằng 113% so với thực hiện trong năm 2022 và lợi nhuận trước thuế mục tiêu đạt 240 tỷ đồng, bằng 49% so với thực hiện trong năm 2022. Như vậy, kết thúc quý I/2023, công ty mới chỉ hoàn thành 0,9% kế hoạch lợi nhuận năm.

Công ty Cổ phần Thế giới số (Digiworld, HoSE: DGW) trước đó cũng đã có thông tin về kết quả kinh doanh quý I/2023 với doanh thu ước đạt 3.960 tỷ đồng, giảm 44% so với cùng kỳ năm trước. Với việc sụt giảm về doanh thu, DGW cũng ước tính lợi nhuận quý I/2023 sụt giảm 63% so với cùng kỳ năm trước, đạt 79 tỷ đồng.

Kì vọng phục hồi, nhưng không đáng kể

Đa phần các lãnh đạo doanh nghiệp bán lẻ đều nhìn nhận tình hình kinh tế vĩ mô xấu sẽ kéo dài cho đến hết quý II, nửa cuối năm phục hồi nhưng không đáng kể. Do vậy, các doanh nghiệp sẽ tiếp tục chiến lược kiểm soát hàng tồn kho, cắt giảm chi phí và ưu tiên đảm bảo dòng tiền duy trì hoạt động kinh doanh.

Chủ tịch HĐQT DGW Đoàn Hồng Việt cho rằng thị trường tiêu thụ nói chung sẽ phục hồi nhưng không đáng kể. DGW sẽ ghi nhận tăng trưởng trở lại từ năm 2024 ở những ngành hàng hiện hữu và sự đóng góp của những ngành hàng mới. “Sức mua của người tiêu dùng có thể sẽ có phục hồi ở nửa sau 2023 nhưng không nhiều và sẽ trở lại bình thường vào nửa sau 2024, do áp lực lãi suất cao”, ông nói.

Nhận định về DGW, Công ty Cổ phần Chứng khoán SSI cho rằng áp lực lạm phát tiếp tục gia tăng trong quý II/2023 do giá điện và phí dịch vụ công có thể tiếp tục tăng lên, trong khi việc làm và xuất khẩu vẫn yếu. Tuy nhiên, mức sụt giảm lợi nhuận trong quý II và quý III/2023 của DGW có thể không đáng kể như trong quý I do được hưởng nhu cầu bị dồn nén trong quý đầu năm. SSI cũng cho hay trong bối cảnh chi tiêu không thiết yếu thắt chặt, DGW có thể phải triển khai nhiều chương trình khuyến mãi hơn để giải phóng hàng tồn kho và bảo vệ thị phần.

“Các nhà phân phối thường có tỷ suất lợi nhuận rất mỏng, do đó chi phí bán hàng và quản lý không đổi kết hợp với doanh thu giảm có thể ảnh hưởng đáng kể đến tỷ suất lợi nhuận ròng. Chúng tôi kỳ vọng doanh thu sẽ phục hồi trong năm 2024, nhờ: các điều kiện kinh tế vĩ mô thuận lợi hơn; các công ty tài chính tiêu dùng cấp nhiều tín dụng hơn và liên tục bổ sung thêm nhiều thương hiệu vào danh mục sản phẩm. Điều này sẽ giúp cải thiện tỷ suất lợi nhuận ròng”, SSI cho hay.

Chủ tịch hội đồng quản trị MWG Nguyễn Đức Tài dự báo 2 quý cuối năm 2023, tình hình kinh doanh mảng công nghệ thông tin và điện tử gia dụng sẽ khả quan hơn 2 quý đầu năm khi vấn đề lãi suất, xuất khẩu, bất động sản, đầu tư công được tháo gỡ.

Với các mảng kinh doanh khác như dược phẩm, MWG đưa ra kế hoạch ngừng mở cửa hàng mới thuộc chuỗi cửa hàng thuốc An Khang trong năm 2023 và có thể cần thuê chuyên gia bên ngoài để tham gia tư vấn cho quá trình phát triển trong tương lai.

Trong khi đó, lãnh đạo FRT dự kiến sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn và thách thức, đặc biệt đến từ chuỗi FPTShop khi nhu cầu mua sắm các sản phẩm ICT tiếp tục giảm mạnh và khó dự báo về thời gian hồi phục. Tuy nhiên, công ty cũng dự kiến tới quý III/2023, tình hình sẽ khả quan hơn.

Để xoay xở trong bối cảnh này, đối với chuỗi FPTShop, FRT cho biết sẽ chủ động đưa nhiều chính sách/chương trình khuyến mãi, trợ giá. Mặc khác, công ty sẽ tập trung từng bước cải thiện lãi gộp bằng cách mở bán các mặt hàng gia dụng trong các cửa hàng FPTShop hiện hữu. Cho đến nay, số lượng cửa hàng FPTShop bán hàng gia dụng đã đạt hơn 300 cửa hàng, dự kiến đến cuối năm 2023, con số này tăng lên 600 cửa hàng.

Tin mới lên