Ngân hàng chạy chỉ tiêu cuối năm: Đồng loạt chào mời, ưu đãi lãi suất cho vay

Khánh Tú - 01/10/2023 22:07 (GMT+7)

(VNF) - Áp lực tăng tín dụng, giảm ế đọng vốn, bắt đầu vào quý cuối cùng của năm, nhiều ngân hàng tung ra nhiều gói ưu đãi lãi suất, chào mời khách vay mua nhà, mua xe... doanh nghiệp vừa và nhỏ vay vốn kinh doanh.

VietinBank vừa triển khai chương trình cho vay với lãi suất ưu đãi đối với khách hàng cá nhân và doanh nghiệp.

Cụ thể, kể từ nay đến cuối năm, các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) vay vốn tại VietinBank sẽ được hưởng lãi suất ưu đãi từ 6,3%/năm với quy mô gói ưu đãi lên tới 15.000 tỷ đồng. Lãi suất ưu đãu này được áp dụng cho các khoản vay kỳ hạn đến 6 tháng. Đặc biệt, nếu dư nợ của doanh nghiệp SME ngày càng tăng thì lãi suất cũng sẽ được giảm tương ứng.

Trong khi đó, khách hàng cá nhân có nhu cầu vay vốn trả nợ trước hạn tại các ngân hàng khác với các khoản vay phục vụ sản xuất kinh doanh có thể vay với lãi suất ưu đãi từ VietinBank với mức 5,6%/năm.

Các khách hàng đang có khoản vay tiêu dùng phục vụ nhu cầu đời sống như: Vay mua nhà ở, đất ở, xây mới/cải tạo/sửa chữa nhà để ở; phương tiện đi lại (ô tô, xe máy)… tại các ngân hàng khác cũng có thể vay vốn tại VietinBank để trả nợ trước hạn khoản vay cũ với lãi suất cho vay trung và dài hạn từ 7,0%/năm.

Các ngân hàng đồng loạt hạ lãi suất cho vay.

OCB cũng triển khai nhiều gói vay ưu đãi với quy mô lên đến 5.000 tỷ đồng và lãi suất chỉ từ 6,5%/năm, nhằm thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh cùng đáp ứng các nhu cầu phục vụ đời sống như mua nhà, mua xe... của người dân.

Trong đó, với các khoản vay mua nhà có lãi suất ưu đãi chỉ từ 7,5%/năm và lãi suất vay mua ô tô chỉ từ 9,5%/năm. Trước đó, OCB cũng đã tung 2 gói lãi suất ưu đãi dành cho hách hàng cá nhân với tổng hạn mức lên đến 12.000 tỷ đồng.

Các ngân hàng cũng mạnh tay giảm lãi suất đối với các khách hàng có nhu cầu vay vốn để trả nợ ở ngân hàng khác.

Vietcombank triển khai chính sách cho khách hàng cá nhân vay vốn để trả nợ trước hạn khoản vay tại ngân hàng khác. Chương trình này được áp dụng đối với các khoản vay phục vụ nhu cầu đời sống của khách hàng cá nhân với lãi suất ưu đãi từ 6,9%/năm trong 6 tháng đầu hoặc 7,5%/năm trong 12 tháng đầu hoặc 8,0%/năm trong 24 tháng đầu.

Tại BIDV, lãi suất vay chỉ từ 6%/năm đối với khoản vay ngắn hạn và 6,8%/năm đối với khoản vay trung dài hạn.

Techcombank cho phép khách hàng có thể chuyển khoản vay bất động sản từ ngân hàng khác sang Techcombank với lãi suất vay từ 7,3%/năm. MB cũng triển khai chương trình chuyển khoản vay bất động sản từ ngân hàng khác với lãi suất chỉ 8%/năm cố định trong 12 tháng.

Người mua nhà có thể được vay vốn với lãi suất thấp hơn trước.

Động thái giảm lãi suất cho vay cũng như triển khai nhiều chương trình ưu đãi của các ngân hàng diễn ra trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng vẫn còn thấp.

Theo Tổng Cục Thống kê, tính đến ngày 20/9, tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 5,73%, thấp hơn so với con số 10,54% của cùng kỳ năm ngoái.

Như vậy, trải qua gần 2/3 chặng đường, ngành ngân hàng mới chỉ thực hiện được hơn 1/3 kế hoạch tăng trưởng tín dụng khoảng 14 – 15% mà Ngân hàng Nhà nước đã đề ra trong đầu năm.

Theo Tổng cục Thống kê lý giải, nhu cầu trong và ngoài nước thấp gây khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, giảm khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp, khiến cho tăng trưởng tín dụng thấp.

TS Nguyễn Hữu Huân, Giảng viên Trường đại học kinh tế TP.HCM cho hay hiện nhiều doanh nghiệp không có nhu cầu vay vốn để sản xuất, kinh doanh khiến hệ thống ngân hàng “thừa tiền”.

Nói về triển vọng của tăng trưởng tín dụng trong quý cuối cùng của năm, ông Huân nhận định, sức cầu giảm trong khi đầu ra sản phẩm của nhiều doanh nghiệp đang khó khăn nên nhu cầu về vốn của doanh nghiệp khó tăng cao, kể cả khi vào mùa kinh doanh cao điểm cuối năm. Dự báo tăng trưởng tín dụng của năm 2023 khả năng chỉ đạt khoảng 12-13% so với mục tiêu ngành đưa ra là 14-15%.

Cùng chuyên mục
Tin khác