Ngân hàng

Ngân hàng cổ phần tăng dùng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn

(VNF) - Tính tới cuối tháng 8, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn tại ngân hàng thương mại cổ phần bất ngờ tăng mạnh lên mức 39,11%, cao hơn so với trần cho phép (34%).

Ngân hàng cổ phần tăng dùng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn

Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến cuối tháng 8/2023, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn của toàn hệ thống đã tăng lên 28,78%, từ mức 26,14% vào cuối tháng 7.

Đáng chú ý, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn tại nhóm ngân hàng thương mại (NHTM) Nhà nước giảm từ mức 24,97% tháng 7 xuống còn 24,67% vào tháng 8; còn nhóm NHTM cổ phần tăng mạnh từ 33,66% lên 39,11% - cao hơn mức trần cho phép 34% trong giai đoạn 1/10/2022-30/9/2023.

Từ ngày 1/10, theo quy định của Thông tư 08/2020/TT-NHNN, tỷ lệ tối đa vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn của các ngân hàng chính thức giảm từ 34% xuống 30%.

Theo giới phân tích, với tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn của tăng mạnh trước thời điểm quy định mới có hiệu lực, nhóm NHTM cổ phần sẽ chịu áp lực lớn trong việc cơ cấu lại nguồn vốn và dư nợ cho vay. Còn các NHTM Nhà nước sẽ thoải mái hơn khi tuân thủ quy định mới.

Các chuyên gia cho rằng việc giảm tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn là cần thiết nhằm đảm bảo an toàn vốn cho hệ thống ngân hàng.

Đánh giá về việc giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn về mức 30%, chuyên gia tài chính ngân hàng, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh cho biết: Giảm tỉ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn là việc làm mà NHNN đã giảm trong nhiều năm nay và giảm có lộ trình. Hiện nay, hầu hết ngân hàng lớn trong hệ thống các ngân hàng thương mại tại Việt Nam đã giảm mức vốn huy động ngắn hạn cho vay trung, dài hạn xuống chỉ còn đâu đó 25%-27%. Vì vậy, việc giảm tỉ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn về mức 30% không ảnh hưởng gì đến hoạt động huy động vốn cũng như cho vay trung, dài hạn của hệ thống ngân hàng Việt Nam.

Thực tế, lộ trình giảm rủi ro thanh khoản qua tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn đã được đưa ra hơn 3 năm qua. Trước khi giảm xuống mức 30% kể từ ngày 1/10/2023, tỷ lệ này đã giảm từ mức 40% xuống 37% từ ngày 1/10/2021 và giảm tiếp xuống 34% từ ngày 1/10/2022.

Trong khi đó, các chuyên gia kinh tế tại Công ty Chứng khoán KB Việt Nam cho rằng: Trong ngắn hạn, việc hạ tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn sẽ làm chậm quá trình giảm lãi suất cho vay các kỳ hạn dài của các ngân hàng trong bối cảnh nền kinh tế đang cần được hỗ trợ để tăng trưởng.

Thông tư mới cũng phần nào gây áp lực lên nhu cầu huy động kỳ hạn dài của các ngân hàng, làm tăng chi phí vốn của các ngân hàng, gây áp lực làm thu hẹp biên lãi ròng (NIM).

Tuy nhiên, trong dài hạn, với chủ trương lành mạnh hóa hoạt động tín dụng và bảo đảm thanh khoản cho hệ thống ngân hàng, việc áp dụng quy định mới được kỳ vọng sẽ giúp các ngân hàng kiểm soát tốt hơn rủi ro thanh khoản; ổn định hoạt động trước những thay đổi trong và ngoài nước, góp phần thúc đẩy phát triển nền kinh tế bền vững.

Hiện nay, nguồn vốn của các ngân hàng chủ yếu là vốn ngắn hạn, dưới một năm. Theo số liệu từ NHNN, có tới 88% nguồn vốn huy động của các ngân hàng là tiền gửi dưới 12 tháng. Trong khi đó, tỷ trọng cho vay trung, dài hạn lên tới 52% trên tổng dư nợ tín dụng của hệ thống. Riêng lĩnh vực bất động sản, có tới 94% dư nợ tín dụng là cho vay trung, dài hạn.

Điều này cho thấy hệ thống ngân hàng đang phải gánh trên vai cả thị trường tiền tệ lẫn thị trường vốn. Trong khi vai trò của các ngân hàng thương mại là huy động và phục vụ nhu cầu vay vốn ngắn hạn. Đối với nhu cầu vay vốn trung, dài hạn phục vụ cho mục đích đầu tư, các doanh nghiệp phải tìm đến thị trường vốn thông qua phát hành trái phiếu, cổ phiếu.

Mặc dù thanh khoản của thị trường này đã có sự cải thiện trong hai tháng trở lại đây nhưng tổng khối lượng phát hành mới vẫn còn hạn chế, chỉ vỏn vẹn 39.000 tỷ đồng trong hai tháng 6 và 7.

Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho rằng cần thiết phải giảm dần gánh nặng về vốn trung, dài hạn của ngân hàng thương mại, thay vào đó là các kênh huy động khác trong thị trường vốn, trong đó có trái phiếu.

Từ khoá: vay vốn, ngân hàng,
Tin mới lên