Ngân hàng

Ngân hàng đồng loạt 'chuyển nhà' lên không gian số

(VNF) - Quá trình chuyển đổi số nhằm tự động hoá các quy trình, dịch vụ hướng tới phát triển mô hình ngân hàng số.

Ngân hàng đồng loạt 'chuyển nhà' lên không gian số

Tốc độ tăng trưởng và tỷ lệ sử dụng các dịch vụ ngân hàng số đều tăng rất mạnh.

Chuyển nhà lên không gian số

Theo kế hoạch chuyển đổi số toàn ngành, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đặt mục tiêu cho các mốc 2025 tới 2030 tương ứng 50% – 70% nghiệp vụ ngân hàng cho phép thực hiện hoàn toàn trên kênh số; 50% – 80% người dân trưởng thành sử dụng dịch vụ thanh toán điện tử; 70% số lượng giao dịch của khách hàng được thực hiện thông qua các kênh số; có 60% – 80% đơn vị có doanh thu từ kênh số đạt trên 30%; 50% – 70% quyết định giải ngân của ngân hàng, công ty tài chính đối với các khoản vay nhỏ lẻ, vay tiêu dùng cá nhân được số hoá và 70% – 90% hồ sơ công việc được lưu trữ/xử lý trên môi trường số.

Trước cuộc chuyển nhà lên môi trường số, điều quan trọng phải có những quy định mở đường cho những công nghệ mới, mô hình mới được ứng dụng nhằm phát triển dịch vụ số như: hướng dẫn mở tài khoản thanh toán, phát hành thẻ bằng phương thức điện tử với cốt lõi là xác thực bằng phương pháp eKYC - giải pháp định danh xác thực khách hàng điện tử, cho phép ngân hàng định danh khách hàng 100% online dựa vào các thông tin sinh trắc học (biometrics), nhận diện khách hàng bằng trí tuệ nhân tạo (AI) … mà không cần gặp mặt trực tiếp như quy trình hiện tại; hoàn thiện quy định về thanh toán không dùng tiền mặt; ban hành và chuẩn hoá các tiêu chuẩn chung như tiêu chuẩn QR Code, tiêu chuẩn thẻ chip.

Ngân hàng là môt trong những ngành đầu tiên áp dụng cơ chế sandbox mở cửa cho thử nghiệm có kiểm soát các hoạt động công nghệ tài chính.

Những quy định và cơ chế mới đã lập tức tạo ra tác động mạnh với những dịch vụ mới thay đổi thị trường như: mở thẻ ngân hàng từ xa, nhận diện qua công nghệ mà không cần các bước xác thực truyền thống trở nên phổ biến. Chuyển đôi thẻ chip gắn với phát triển các dịch vụ trên thẻ chip phát triển, nhất là dịch vụ chuyển tiền bằng mã QR đã phát triển rất nhanh, đạt tới 3 triệu khách hàng chỉ sau 1 năm.

Tính đến cuối tháng 6/2022 đã có 5,5 triệu tài khoản mở bằng eKYC đang hoạt động, 8,9 triệu thẻ mở bằng eKYC đang lưu hành và 123 triệu tài khoản thanh toán. Mobile money đã có hơn 1,77 triệu khách hàng sử dụng, trong đó 67% là khách hàng ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa, hải đảo.

Đặc biệt, với cơ chế sanbox, hàng loạt fintech đã ra đời và kinh doanh sáng tạo, phát triển dịch vụ mới rất sôi động. Có thể nói, các fintech liên quan đến lĩnh vực ngân hàng chính là lĩnh vực có nhiều thành công nhất hiện nay.

Nếu việc phát triển và số hoá dịch vụ được các ngân hàng thương mại và các trung gian thanh toán chú trọng thì NHNN tập trung vai trò tạo lập môi trường và nền tảng để thúc đẩy chuyển đổi số. NHNN đã thiết lập hạ tầng kết nói các bộ ngành, kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và hạ tầng viễn thông với các hệ thống trục quan trọng như hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng, hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử (Napas), hệ thống thông tin tín dụng quốc gia; hệ thống chuyển mạch thẻ quốc tế.

Các hệ thống này đã kết nối hệ thống hơn 20 nghìn máy ATM, Internet banking tới 80 ngân hàng, mobile banking với 51 ngân hàng, hơn 100 nghìn điểm thanh toán QR và 347 nghìn POS, 48 tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian tài chính và 3 đơn vị viễn thông phát triển mobile money…

Các dịch vụ online, dịch vụ số của ngân hàng đã kết nối hệ sinh thái tới các dịch vụ công; hoạt động mua sắm hàng hoá dịch vụ, kết nối thanh toán liên thông ngân hàng cũng như hệ sinh thái các đối tác…

Đến nay, giao dịch qua kênh mobile banking tăng trưởng hơn 90%, tại một số ngân hàng thương mại đi đầu về chuyển đổi số, 90% giao dịch của khách hàng được thực hiện qua kênh số. 100% nghiệp vụ thanh toán cơ bản đều đã được số hoá.

Nhờ ứng dụng công nghệ hiện đại, công nghệ số đã giúp các ngân hàng tiết kiệm chi phí, kinh doanh hiệu quả hơn. Việc ứng dụng QR, NFC, eKYC nhiều trong thanh toán, mở tà khoản, thẻ từ xa; ứng dụng AI, ML và Big Data trong quản trị nội bộ, cho vay và marketing, cloud trong lưu trữ và xử lý dữ liệu… đã giúp chỉ số chi phí/doanh thu (CIR) tại nhiều ngân hàng giảm 30% – 40%.

Khai thác dữ liệu quốc gia về dân cư

Tài chính - ngân hàng được xác định là một trong 8 lĩnh vực cần ưu tiên trong chương trình “Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, do có thể thay đổi nhận thức nhanh nhất, giúp tiết kiệm chi phí và mang lại hiệu quả xã hội cao.

Theo hãng tư vấn chiến lược toàn cầu McKinsey, năm 2021, ngành ngân hàng Việt Nam được đánh giá có mức độ ứng dụng ngân hàng số với tốc độ nhanh nhất trong khu vực, cao hơn mức tăng bình quân của toàn khu vực và thậm chí cao hơn mức tăng bình quân của thị trường mới nổi.

Kế hoạch chuyển đổi số 2022 của NHNN đã đề ra các mục tiêu: phát triển chính phủ số, cung cấp 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 của NHNN đáp ứng yêu cầu trên cổng dịch vụ công quốc gia; tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính xử lý trực tuyến đạt 100%; tỷ lệ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính đạt 100%... Phát triển kinh tế số và xã hội số: tỷ lệ người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc các tổ chức được phép khác đạt 65% - 70%.

Một hướng mở lớn cho chuyển đổi số ngân hàng thời gian tới là hợp tác khai thác dữ liệu quốc gia về dân cư. Ngân hàng đã ứng dụng xác thực khách hàng thông qua thể căn cước công dân gắn chip tại máy ATM, đặc biệt xác thực từ xa thông qua đọc thẻ căn cước công dân trên điên thoại khách hàng có NFC; khai thác ứng dụng VNEID để xác thực khách hàng, kết nối với cơ sở dữ liệu quốc dân cư xác thực khách hàng và làm sạch dữ liệu khách hàng hiện hữu; tận dụng hệ sinh thái cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia để khai thác thông tin người dân như thuế, bảo hiểm xã hội, phục vụ đánh giá khách hàng.

Theo đó, NHNN và các ngân hàng thương mại sẽ kết nối cơ sở dữ liệu dân cư, phát triển hệ thống định danh và xác thực điện tử. Đi cùng với đó là hoàn thiện hạ tầng chuyển đổi số, kết nối tới các sơ sở dữ liệu khác để phát triển dịch vụ ngân hàng số phục vụ người dân.

Phát biểu mới đây tại “Ngày Chuyển đổi số Ngân hàng”, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Công an cùng NHNN và các bộ, ngành tích hợp, kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, các cơ sở dữ liệu chuyên ngành để từng bước xây dựng hệ sinh thái công dân số mang lại giá trị mới và lợi ích mới thiết thực cho người dân, doanh nghiệp.
 

Tin mới lên