Ngân hàng Nhà nước ra tay can thiệp, tỷ giá dần hạ nhiệt
(VNF) - Ngân hàng Nhà nước đã có nhiều động thái can thiệp nhằm ổn định tỷ giá, đặc biệt là bán ngoại tệ giao ngay và đấu thầu vàng. Tỷ giá USD/VND đã dần hạ nhiệt và được dự báo sẽ giảm từ quý III.
Ngân hàng Nhà nước bán ngoại tệ, tỷ giá dần hạ nhiệt
Những tháng đầu năm 2024, tỷ giá USD/VND trong nước liên tục tăng nóng.
Đáng chú ý, giai đoạn giữa tháng 4/2024, giá USD tại các ngân hàng từng tăng hết biên độ được phép, bất chấp việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) liên tục nâng tỷ giá trung tâm (kéo trần tỷ giá tăng theo).
Theo số liệu của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) tính đến ngày 25/4, tiền đồng đã mất giá khoảng 3,8-4,3% trên thị trường chính thức và phi chính thức.
Trước đó, các dự báo đưa ra tỷ giá chỉ tăng khoảng 3-5% trong năm 2024. Tuy nhiên, mới chỉ gần 4 tháng đầu năm, tỷ giá đã tăng ngấp nghé bằng mức dự báo cho cả năm. Trong bối cảnh đó, NHNN đã có hai động thái can thiệp nhằm ổn định tỷ giá là bán ngoại tệ giao ngay và đấu thầu vàng.
Theo Báo cáo vĩ mô tiền tệ được thực hiện bởi WiResearch (WiGroup), tính đến ngày 3/5, tỷ giá VND/USD trên thị trường tự do và ngân hàng đã có tín hiệu hạ nhiệt sau động thái bán USD giao ngay của NHNN.
Theo WiGroup, NHNN đã bán khoảng 500 - 700 triệu USD (trên tổng số gần 90 tỷ USD dự trữ ngoại hối – tính đến năm 2023).
Trước đó, theo số liệu không chính thức từ Chứng khoán Rồng Việt, NHNN đã bán ra khoảng 350 - 370 triệu USD (tương đương 8.907 - 9.416 tỷ đồng) trong hai ngày 22 - 23/4.
WiGroup cho rằng, tỷ giá tăng mạnh chỉ là vấn đề lo ngại tạm thời và dự kiến sẽ hạ nhiệt trong quý II/2024.
Nguyên nhân giúp giảm áp lực tỷ giá, theo các chuyên gia của WiGroup, là do: Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) chưa xác định thời điểm cắt lãi suất lần đầu tiên trong năm 2024 nhưng đã giảm nhịp độ thắt chặt định lượng (được xem là động thái nới lỏng nhẹ).
Cùng với đó, nguồn thu ngoại tệ từ FDI dự kiến tăng cao, đồng thời, NHNN đang lấy ý kiến sửa đổi Thông tư 02/2021/TT-NHNN, hướng tới tỷ giá VND/USD trong giao dịch kỳ hạn…
Tương tự, báo cáo thị trường tiền tệ tháng 4/2024 của Công ty Chứng khoán MB (MBS) vừa công bố cũng đưa ra đánh giá tỷ giá đã ổn định sau hàng loạt biện pháp của NHNN.
Theo đó, trong tháng 4, NHNN đã tổ chức đấu thầu vàng miếng nhằm thu hẹp chênh lệch giá bán trong nước và thế giới; đẩy lãi suất liên ngân hàng nhằm hạn chế các hoạt động, đồng thời bán can thiệp ngoại tệ cho các tổ chức tín dụng có trạng thái ngoại tệ âm.
Nhóm phân tích cho rằng nỗ lực mạnh mẽ NHNN đã phần nào giải tỏa tâm lý thị trường cũng như nhu cầu USD giảm nhẹ theo mùa vụ đã giúp tỷ giá ổn định trong tuần cuối của tháng 4.
Theo MBS, tính đến cuối tháng 4, tỷ giá USD/VND liên ngân hàng ở mức 25.415 đồng/USD giảm nhẹ 0,1% kể từ đỉnh ngày 23/4, tăng 4,4% kể từ đầu năm. Tỷ giá tự do ở mức 25.735 đồng/USD, tỷ giá trung tâm ở 24.261 đồng/USD, lần lượt tăng 4,4% và 1,6% so với đầu năm.
Nhìn chung, diễn biến của đồng VND vẫn khá tương đồng với các đồng tiền khác trong khu vực: baht Thái (giảm 7,8%), Malaysia riggit (-3,8%), Singapore dollar (-3,4%),…
Khi tỷ giá tăng nóng trong tháng 4, NHNN đã phải sử dụng linh hoạt 2 công cụ trên thị trường OMO. Trong đó, hoạt động mua kỳ hạn 7 ngày nhằm đáp ứng thanh khoản ngắn hạn và mang định hướng điều hành chính sách tiền tệ. Đồng thời, tín phiếu - kỳ hạn 28 ngày - được phối hợp sử dụng với khối lượng gọi thầu trước đó dần đáo hạn.
Tính đến ngày 3/5, NHNN duy trì trạng thái bơm ròng gần 62.000 tỷ đồng nhằm đưa lãi suất liên ngân hàng về vùng mục tiêu mong muốn.
Các chuyên gia của Bộ phận Nghiên cứu Thị trường & Kinh tế Toàn cầu, Ngân hàng UOB, cho rằng việc NHNN can thiệp vào thị trường ngoại hối trong tháng 4 đã giúp kiểm soát biến động tỷ giá.
Tỷ giá sẽ giảm từ quý III?
Tuần sau kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5, đặc biệt sau khi Fed quyết định giữ nguyên lãi suất ở mức hiện tại 5,25-5,5% vào sáng 2/5, giá USD tại các ngân hàng thương mại giảm ở cả hai chiều mua vào và bán ra.
Cụ thể, trong phiên 6/5, tỷ giá trung tâm được NHNN niêm yết ở mức 24.245 đồng/USD, giảm 4 đồng so với cuối tuần trước. Nếu so với đỉnh khoảng 2 tuần trước ở vùng 24.275 đồng, tỷ giá trung tâm đã giảm khoảng 30 đồng.
Tại các ngân hàng thương mại, giá USD cũng hạ nhiệt. Vietcombank ngày 6/5 giao dịch USD mua vào 25.157 đồng/USD, bán ra 25.457 đồng/USD, giảm khoảng 30 đồng so với mức đỉnh khoảng 2 tuần trước.
Tương tự, các ngân hàng khác như BIDV, Sacombank, ACB… cũng đồng loạt hạ giá giao dịch USD khoảng 30 đồng so với vài tuần trước.
Quyết định giữ nguyên lãi suất chuẩn ở mức hiện tại 5,25-5,5% của Fed nằm trong dự báo của thị trường ngay từ đầu năm.
Theo giới phân tích, Ngân hàng Trung ương Mỹ sẽ tiếp tục duy trì mức lãi suất cao trong 6 tháng đầu năm nay nhằm kéo giảm lạm phát tại nước này về mục tiêu còn 2%.
Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh nhìn nhận, thông báo từ Fed không nằm ngoài dự đoán và đợt này cũng không phải là yếu tố mới gây tác động đến tỷ giá hối đoái USD/VND. Sau những động thái như các công cụ bơm hút tiền trên thị trường liên ngân hàng và bán ngoại tệ cho các ngân hàng có trạng thái âm từ NHNN, tỷ giá USD/VND đã hạ nhiệt dần và đang ổn định.
Theo giới chuyên môn, thời gian qua, áp lực gia tăng lên tỷ giá USD/VND đã được NHNN xem xét và có nhiều động thái nhằm hạ nhiệt.
Lý giải nguyên nhân tỷ giá tăng, các chuyên gia cho rằng, chỉ số này tăng xuất phát từ sự kỳ vọng thị trường Fed trì hoãn hạ lãi suất điều hành, đồng USD thế giới tăng và duy trì ở mức cao. Chênh lệch lãi suất giữa VND và USD trên thị trường liên ngân hàng tiếp tục duy trì âm cũng là nguyên nhân đẩy tỷ giá gia tăng. Một lý do khác đến từ nhu cầu ngoại tệ đầu năm tương đối lớn phục vụ nhập khẩu nguyên vật liệu.
Giá USD tăng cao một phần xuất phát từ biến động trên thị trường thế giới nhưng trong nước tâm lý đầu cơ tỷ giá và vàng cũng đẩy giá USD tự do lên mạnh.
Tuy nhiên, hiện Việt Nam vẫn có điều kiện để duy trì tỷ giá ổn định trong năm nay dù khả năng Fed chỉ giảm lãi suất ở mức rất ít hoặc thậm chí không giảm.
"Áp lực hiện tại lên tỷ giá hối đoái cũng không vì thế mà nhiều hơn và chấp nhận ở biên độ cao như từ đầu năm đến nay. Việt Nam vẫn có các điều kiện để duy trì tỷ giá ổn định cho đến hết năm", PGS-TS Đinh Trọng Thịnh đánh giá.
Trong khi đó, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, nếu các yếu tố vĩ mô ổn định và các thị trường tài chính, chứng khoán, bất động sản khởi sắc, vàng trong nước giảm nhiệt... thì sẽ tác động tích cực lên tỷ giá trong thời gian tới.
Nhận định về tỷ giá VND/USD trong thời gian tới, các nhà phân tích thuộc Bộ phận Nghiên cứu thị trường và Kinh tế toàn cầu của UOB đánh giá, trong lĩnh vực ngoại hối, tác động từ chu kỳ nới lỏng của Fed bắt đầu muộn hơn dự kiến đối với USD là rất rõ ràng. Gần như chắc chắn rằng đồng USD có thể sẽ tiếp tục mạnh, ít nhất là trong quý II năm 2024.
Song nhất quán với quan điểm về việc lãi suất của Mỹ sẽ giảm trong thời gian tới, các nhà phân tích của UOB cho rằng đồng USD sẽ lại suy yếu nhưng có thể bắt đầu muộn hơn vào quý III năm 2024.
Các chuyên gia phân tích của UOB dự báo tỷ giá USD/VND trong quý II sẽ đạt 25.600 đồng/USD; quý III đạt 25.100 đồng/USD; quý IV đạt 24.800 đồng/USD và quý I/2025 đạt 24.600 đồng/USD
Còn các chuyên gia của MBS dự báo tỷ giá USD/VND sẽ dao động trong khoảng 25.100 - 25.300 đồng/USD trong quý II năm nay.
Tỷ giá VND/USD tăng 'giật mình', áp lực đẩy lãi suất đi lên nhanh chóng?
- Phó Thống đốc: Tỷ giá là một vấn đề lớn, chưa đặt vấn đề điều chỉnh lãi suất 26/04/2024 12:53
- Tỷ giá USD tăng mạnh: Nhiều nước chọn tăng lãi suất, Việt Nam duy trì ở mức thấp 26/04/2024 10:11
- Tỷ giá vẫn chưa hạ nhiệt, cách nào để dứt cơn sốt? 23/04/2024 11:21
Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn
(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.