Ngân hàng rao bán các khoản nợ xấu 1.110 tỷ liên quan đến Tân Hoàng Minh

Mai Anh - 07/10/2023 23:08 (GMT+7)

(VNF) - Các khoản nợ của các doanh nghiệp liên quan đến Tập đoàn Tân Hoàng Minh được ngân hàng này rao bán trong thời gian qua có giá tới 1.110 tỷ đồng.

VNF

Mới đây, chi nhánh ngân hàng đã thông báo bán đấu giá 4 khoản nợ phải thu của một số doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh.

Đầu tiên là khoản nợ của Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản THM Thịnh Vượng với giá trị ghi sổ khoản nợ (tạm tính đến ngày 31/8/2023) là 94,3 tỷ đồng; giá khởi điểm là 95,1 tỷ đồng.

Khoản nợ thứ hai của CTCP Đầu tư Bất động sản Ngọc Viễn Đông với giá trị ghi sổ khoản nợ (tạm tính đến ngày 31/8/2023) là 81,7 tỷ đồng; giá khởi điểm là 82,4 tỷ đồng.

Thứ ba là khoản nợ của CTCP Đầu tư Xây dựng Phú Thanh (cổ đông lớn của CTCP Tổng Bách Hóa) với giá trị ghi sổ khoản nợ (tạm tính đến ngày 31/8/2023) là 76,2 tỷ đồng; giá khởi điểm là 76,9 tỷ đồng.

Cuối cùng là khoản nợ của Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Bắc Hà với giá trị ghi sổ khoản nợ (tạm tính đến ngày 31/8/2023) là 55,4 tỷ đồng; giá khởi điểm là 55,8 tỷ đồng.

Tổng giá khởi điểm của các khoản nợ hơn 306 tỷ đồng. Thời gian tổ chức bán đấu giá các khoản nợ này diễn ra vào ngày 20/10/2023.

4 khoản nợ trên đều của các công ty thuộc Tân Hoàng Minh, được bảo đảm bằng tài sản thế chấp của bên thứ ba, là Quyền tài sản phát sinh từ Hợp đồng thuê dài hạn và không hủy ngang tòa nhà văn phòng và trụ sở Nhà xuất bản chính trị quốc gia – Sự Thật, số 24 Quang Trung, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Đây được giới thiệu là trụ sở của Tân Hoàng Minh và hàng loạt doanh nghiệp có liên quan khác.

Vào tháng 9, ngân hàng này cũng rao bán 7 khoản nợ của các doanh nghiệp liên quan đến Tập đoàn Tân Hoàng Minh với tổng dư nợ gần 500 tỷ đồng. Các doanh nghiệp đó là: Công ty TNHH MTV Đầu tư Xây dựng và Dịch vụ Thương mại Hà Phương, CTCP Tư vấn thiết kế xây dựng và Nội thất Thanh Xuân, Công ty TNHH XNK – Đầu tư Kinh doanh và Dịch vụ Thương mại Hà Nội, Công ty TNHH Dịch vụ Xây dựng Xuân Nam, Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Mivi Việt Nam, Công ty CP Hạ tầng cảnh quan Green-Art, Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Mạnh Loan.

Các khoản nợ này có tài sản đảm bảo là một số bất động sản thuộc Khu du lịch Thiên Bảo Phú Quốc và Khu du lịch phức hợp Hoàng Hải. Các bất động sản tạo tổ hợp du lịch giải trí này được chia nhỏ diện tích để thế chấp cho các khoản vay của 7 doanh nghiệp tại ngân hàng này.

Hồi đầu tháng 8, ngân hàng này cũng rao bán khoản nợ của Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển nhà Hoàng Hải Phú Quốc với giá khởi điểm là hơn 281,6 tỷ đồng. Công ty này là một thành viên trong hệ sinh thái Tân Hoàng Minh và do Đỗ Hoàng Việt - con trai chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh - Đỗ Anh Dũng làm người đại diện theo pháp luật.

Đầu năm nay, ngân hàng này cũng thông báo bán đấu giá tài sản đảm bảo là một loạt xe trộn bê tông và nhiều ô tô, máy móc, thiết bị để thu hồi nợ của Công ty cổ phần Sản xuất và Thương mại THM - Concrete (THM - Concrete) - công ty thành viên của Tập đoàn Tân Hoàng Minh. Khoản nợ của THM - Concrete tính đến thời điểm 1/12/2022 là gần 28,3 tỷ đồng và bị xếp vào nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn).

Như vậy, các khoản nợ liên quan đến Tập đoàn Tân Hoàng Minh được ngân hàng này rao bán từ đầu năm đến nay có giá trị ít nhất là 1.110 tỷ đồng.

Trong kết luận điều tra vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Khách sạn Tân Hoàng Minh và các đơn vị liên quan, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an kiến nghị Ngân hàng Nhà nước (NHNN) rà soát tổng thể các ngân hàng thương mại đang cung cấp dịch vụ quản lý tài sản bảo đảm của các gói trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ.

Cơ quan điều tra cũng kiến nghị NHNN yêu cầu các ngân hàng đánh giá lại tính pháp lý, giá trị tài sản để đảm bảo tính hợp lý, hợp lệ của tài sản và khả năng thanh toán, thanh khoản khi tổ chức phát hành không trả được gốc, lãi trái phiếu đến hạn. Đồng thời, yêu cầu các ngân hàng thương mại phải quy định rõ quy trình, thủ tục tiếp nhận tài sản bảo đảm của trái phiếu, mở tài khoản trái phiếu đảm bảo chặt chẽ, phòng ngừa vi phạm.

"Yêu cầu các ngân hàng thương mại gồm VietinBank, Vietcombank, SHB tổ chức rà soát, kiểm điểm việc cung cấp dịch vụ quản lý tài khoản, quản lý tài sản bảo đảm các gói trái phiếu riêng lẻ của Công ty Ngôi Sao Việt, Soleil, Cung Điện Mùa Đông", kết luận của Cơ quan Cảnh sát điều tra nêu.

Theo bản kết luận điều tra vụ án, trong quá trình thực hiện việc phát hành trái phiếu, các Công ty Ngôi Sao Việt, Soelil, Cung Điện Mùa Đông đã ký các hợp đồng với VietinBank Chi nhánh Tây Thăng Long; SHB Trung tâm kinh doanh; Vietcombank Chi nhánh Thanh Xuân để cung cấp dịch vụ quản lý tài sản đảm bảo và dịch vụ quản lý tài khoản trái phiếu.

Cùng chuyên mục
Tin khác