Ngân hàng

Ngân hàng tuần qua: Lãi suất tiết kiệm giảm nhanh, đại hạ giá tài sản thu hồi nợ xấu

(VNF) - Trong tuần qua, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) đã thông báo bán đấu giá cùng lúc 5 tài sản đảm bảo cho khoản vay của Công ty cổ phần Nông dược HAI tại Agribank Chi nhánh Phú Nhuận.

Ngân hàng tuần qua: Lãi suất tiết kiệm giảm nhanh, đại hạ giá tài sản thu hồi nợ xấu

Ngân hàng tuần qua: Lãi suất tiết kiệm giảm nhanh, đại hạ giá tài sản thu hồi nợ xấu

Đếm thu nhập nhân viên ngân hàng: Cao nhất và thấp nhất năm 2022

Trong nhóm ngân hàng quốc doanh, Agribank mới chỉ công bố báo cáo tài chính hợp nhất giữa niên độ 2022. Theo đại diện của Agribank cho biết, tổng thu nhập gồm tiền lương, thưởng, công tác phí,…không cao hơn năm 2021 vì đã nằm trong khung quy định mức lương hàng năm trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, bình quân khoảng 30 triệu đồng/cán bộ.

Vietcombank đứng thứ 2 với mức thu nhập bình quân đầu người (lương, thưởng, phụ cấp) của nhân viên ngân hàng đạt 35,685 triệu đồng/người/tháng, tăng 3 triệu đồng so với bình quân năm 2021. Trong năm 2022, Vietcombank đã chi 9.371,1 tỷ đồng lương và phụ cấp cho nhân viên.

Đứng thứ ba trong nhóm ngân hàng quốc doanh là VietinBank với thu nhập bình quân nhân viên ghi nhận tại thời điểm cuối năm 2022 tăng 5,7% so với năm 2021, ở mức 31,416 triệu đồng/tháng. Năm 2022, VietinBank đã chi 8.625,2 tỷ đồng cho 22.879 nhân viên.

Ở khối ngân hàng tư nhân, Techcombank tiếp tục “vô đối” về chế độ đãi ngộ nhân viên. Trong năm 2022, Techcombank đã chi hơn 6.515 tỷ đồng để trả lương, phụ cấp và thu nhập khác cho nhân viên trên toàn hệ thống, tăng 2,5% so với năm 2021. Tính bình quân mỗi nhân sự trực thuộc Techcombank có thu nhập 43 triệu đồng/tháng, dẫn đầu toàn ngành ngân hàng; riêng lương là 36 triệu đồng/người/tháng. Mức thu nhập này không thay đổi so với năm 2021.

Eximbank bất ngờ vượt lên vị trí thứ hai. Mức lương và phụ cấp bình quân mỗi tháng trong quý IV/2022 của nhân viên Eximbank tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ, đạt 42 triệu đồng/người/tháng.

Xếp thứ 3 là MBBank. Trong năm 2022, MBBank đã chi hơn 6.817 tỷ đồng để trả lương cho nhân viên trên toàn hệ thống, tăng 18,4% so với năm trước. Tính bình quân mức thu nhập của nhân viên MB năm qua là 39,57 triệu đồng/tháng, tăng 3,67 triệu đồng/tháng so với năm 2021.

Thu nhập của nhân viên ngân hàng ACB đang thấp nhất trong ngành, chỉ gần 12,1 triệu đồng/người/tháng, giảm 70.000 đồng/tháng so với thu nhập của năm 2021.

>>> Xem thêm: Đếm thu nhập nhân viên ngân hàng: Cao nhất và thấp nhất năm 2022

Chuyển Bộ Công an vụ gửi tiết kiệm tại SCB thành hợp đồng bảo hiểm

Bộ Tài chính đã nhận được đơn tố cáo các công dân liên quan đến việc giới thiệu, tư vấn mua bảo hiểm của nhân viên Ngân hàng SCB (đại lý của Công ty TNHH Manulife Việt Nam).

Các đơn thư cùng tố giác việc đại lý bảo hiểm có hành vi lừa đảo, giả mạo để ký hợp đồng bảo hiểm và đề nghị cơ quan có thẩm quyền xác minh, khởi tố hình sự để điều tra, đưa ra truy tố, xét xử cá nhân, tập thể lừa đảo; buộc Ngân hàng SCB và Manulife giải quyết trả lại tiền cho người mua sản phẩm bảo hiểm.

Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm thuộc Bộ Tài chính đã chuyển đơn tố giác của người dân liên quan đến việc gửi tiền tiết kiệm tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) sang Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (Bộ Công an).

Trước đó, một số người dân có đơn tố giác gửi cơ quan quản lý, giám sát bảo hiểm về việc giới thiệu, tư vấn mua bảo hiểm của nhân viên SCB - đại lý của Công ty TNHH Manulife Việt Nam.

Sau khi nhận đơn khiếu nại, cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng của Ngân hàng Nhà nước đã chuyển đơn của tập thể khách hàng đến SCB xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật, trả lời tập thể khách hàng và thông báo kết quả giải quyết đến cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng.

>>> Xem thêm: Chuyển Bộ Công an vụ gửi tiết kiệm tại SCB thành hợp đồng bảo hiểm

Dấu ấn thua lỗ đầu tư chứng khoán trong báo cáo các ngân hàng

Năm 2022, tại VietinBank, trong khi các mảng kinh doanh khác đều có lãi thì hoạt động mua bán chứng khoán ghi nhận lỗ tới 126 tỷ đồng. Trong năm 2021, VietinBank có lãi 720 tỷ đồng ở mảng kinh doanh này.

Ngay cả “ông lớn” Vietcombank cũng không nằm ngoài xu hướng. Năm 2022, hoạt động mua bán chứng khoán kinh doanh  của Vietcombank lỗ 115 tỷ đồng trong khi năm 2021 lãi 137 tỷ đồng. Trong khi đó, hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư của nhà băng này trong năm 2022 tích cực hơn, với mức lãi 81 tỷ đồng.

Còn ở BIDV, mảng chứng khoán đầu tư trong quý IV/2022 ghi nhận mức giảm hơn 74% khi chỉ ghi nhận hơn 141 tỷ đồng nhưng cả năm ghi nhận tăng 24,7%.

Tại khối ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân, năm 2022, hàng loạt ngân hàng cũng lỗ nặng ở mảng đầu tư, kinh doanh chứng khoán.

Hoạt động mua bán chứng khoán kinh doanh của Techcombank trong năm 2022 lỗ 241 tỷ đồng, trong khi năm trước lãi 152 tỷ đồng; lãi thuần từ mua bán chứng khoán đầu tư cũng giảm tới 76,4%, từ mức 1.804 tỷ của năm 2021 về còn 425 tỷ đồng năm 2022.

Với Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank), năm 2022, mảng chứng khoán kinh doanh và chứng khoán đầu tư lỗ lần lượt 57 tỷ đồng và 22 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ đều lãi hơn 200 tỷ đồng.

Theo thông tin từ Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), năm qua, mảng chứng khoán đầu tư của ngân hàng này lỗ 20 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm trước lãi 164 tỷ đồng.

>>> Xem thêm: Dấu ấn thua lỗ đầu tư chứng khoán trong báo cáo các ngân hàng

Buôn ngoại tệ: Hai thái cực lời - lãi của ngân hàng

Báo cáo tài chính quý IV/2022 của các ngân hàng cho thấy con số bất ngờ về mảng kinh doanh ngoại hối và có sự phân hóa khá rõ. Trong khi 3 “ông lớn" trong nhóm Big 4 là Vietcombank, VietinBank và BIDV tiếp tục ghi nhận khoản lãi hàng nghìn tỷ đồng từ kinh doanh ngoại hối trong quý IV/2022 thì các ngân hàng ABBank, VPBank, Techcombank, HDBank, VIB,... đồng loạt ghi nhận lỗ từ mảng này.

Sự phân hóa về kết quả kinh doanh ngoại hối thể hiện hiệu quả hoạt động của các ngân hàng trong điều kiện tỷ giá biến động mạnh như quý IV/2022.

Kinh doanh ngoại hối là một trong những nghiệp vụ chuyên biệt của các ngân hàng, bên cạnh nghiệp vụ cho vay. Với người dân, nghiệp vụ kinh doanh ngoại hối dễ nhìn thấy nhất của ngân hàng là mua/bán ngoại tệ, trong đó ngân hàng đóng vai trò trung gian và hưởng tỷ lệ chênh lệch tỷ giá.

Tuy nhiên, hoạt động kinh doanh ngoại hối của ngân hàng không chỉ đơn thuần mua/bán ngoại tệ theo nhu cầu và tỷ giá tại ngày giao dịch (FX Spot), ngân hàng còn cung cấp các công cụ tài chính phái sinh tiền tệ như dịch vụ hoán đổi (FX Swap), quyền chọn (FX Option) hay kỳ hạn (FX Forward) nhằm đảm bảo an toàn, giảm thiểu rủi ro biến động tỷ giá. Với các hợp đồng này, doanh nghiệp được mua/bán ngoại tệ tại một thời điểm trong tương lai với tỷ giá chốt sẵn hoặc có quyền mua/bán ngoại tệ khi tỷ giá diễn biến thuận lợi…

Theo các chuyên gia ngân hàng, mức lợi nhuận từ các khoản vay này là bền vững ngay cả khi tỷ giá diễn biến bất lợi. Khi tỷ giá diễn biến thuận lợi, ngân hàng thu được lãi kép từ cả hai nghiệp vụ: cho vay và ngoại hối. 

>>> Xem thêm: Buôn ngoại tệ: Hai thái cực lời - lãi của ngân hàng

Lãi suất tiết kiệm giảm nhanh, dân tranh thủ gửi tiền sớm

Sau hội nghị về công tác tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tổ chức ngày 8/2, nhiều ngân hàng tiếp tục hạ lãi suất. Mức lãi suất 10%/năm đã biến mất, mức 8-9%/năm đang được xuất hiện nhiều hơn.

NCB vừa tiến hành hạ lãi suất huy động từ 0,2 - 0,45%/năm tuỳ từng kỳ hạn. Theo đó, lãi suất kỳ hạn 6 tháng tại nhà băng này giảm từ 9,5%/năm xuống 9,3%/năm; ở kỳ hạn 12 tháng, lãi suất tiết kiệm giảm từ 9,7%/năm xuống 9,45%/năm.

Tương tự, SCB cũng vừa điều chỉnh giảm lãi suất tiết kiệm ở một loạt kỳ hạn. Trong thời gian vừa qua, SCB luôn chiếm lĩnh vị trí quán quân về lãi suất huy động. Đến nay, mức lãi huy động cao nhất tại nhà băng này ở kỳ hạn 24 tháng đã hạ từ 9,95%/năm xuống 9,45%/năm; lãi suất 12 tháng giảm từ 9,95%/năm xuống 9,5%/năm. 

Sau thông tin các ngân hàng sẽ tiếp tục hạ lãi suất huy động, nhiều người dân có tiền nhàn rỗi đã nhanh chóng tìm kiếm các ngân hàng có lãi suất cao để gửi số lượng lớn ở kỳ hạn dài.

Vài ngày qua, lượng người đến giao dịch tại các ngân hàng đông hơn. Qua trao đổi với một số khách hàng, họ đến ngân hàng tranh thủ gửi tiền lúc lãi suất còn cao.

Chị Lan Anh (Hà Nội) cho biết, nghe tin lãi suất tiền gửi có thể hạ xuống nên chị đã tranh thủ đem số tiền 3 tỷ đồng vừa bán nhà đem đi gửi tiết kiệm.

Nhiều nhân viên ngân hàng chia sẻ, sau Tết, lượng người gửi tiền nhiều hơn. Vì thế, các chương trình cộng lãi suất cũng đã hạ mức thưởng và nâng điều kiện về số dư tối thiểu để được khuyến mãi. Ngoài ra, các quà tặng bằng hiện vật cũng đã ít hơn.

Một số lãnh đạo ngân hàng tiết lộ, mức lãi suất tối đa ở các ngân hàng lớn thời gian tới sẽ chỉ còn khoảng 8,7%/năm, thay vì mức tối đa 9,5% như hiện nay.

Thống kê cho thấy, không còn ngân hàng nào niêm yết lãi suất tiết kiệm trên 10%/năm. So với giai đoạn cao điểm hồi tháng 11/2022, lãi suất huy động hiện nay đã giảm 0,5-2%/năm tùy từng kỳ hạn.

>>> Xem thêm: Lãi suất tiết kiệm giảm nhanh, dân tranh thủ gửi tiền sớm

Đại hạ giá, rao bán loạt tài sản liên quan ông Trịnh Văn Quyết để thu nợ

Mới đây, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) đã thông báo bán đấu giá cùng lúc 5 tài sản đảm bảo cho khoản vay của Công ty cổ phần Nông dược HAI tại Agribank Chi nhánh Phú Nhuận.

Tài sản đấu giá bao gồm: Quyền sử dụng đất diện tích 2.287 m2; Quyền sử dụng đất diện tích 2.352 m2; Quyền sử dụng đất diện tích 1.920 m2; Quyền sử dụng đất diện tích 2.193 m2 và Quyền sở hữu Công trình xây dựng trên diện tích đất 4113,00 m2.

Mức giá khởi điểm trọn gói cho 5 tài sản này là 42,036 tỷ đồng. Mức giá này giảm tới gần 18 tỷ đồng so với hồi tháng 10/2022, khi Agribank rao bán các tài sản nói trên.

Các tài sản này được HAI dùng làm tài sản đảm bảo cho khoản vay tại Agribank Phú Nhuận. Tháng 8/2022, HĐQT của HAI đã thông qua nghị quyết về bàn giao 5 tài sản trên tại Tiền Giang cho Agribank Phú Nhuận.

Bên cạnh đó, Agribank cũng rao bán quyền sử dụng khu đất 3.048m2 tại phường An Lạc, quận Bình Tân, TP.HCM. Lô đất vàng này được Sở TN-MT TP.HCM cấp Giấy Chứng nhận Quyền sử dụng đất cho Công ty Cổ phần Nông dược HAI.

Đây là lần thứ ba Agribank thông báo bán đấu giá lô đất vàng này. Giá khởi điểm cho lần đấu giá này là 171,712 tỷ đồng.

HAI là thành viên thuộc hệ sinh thái FLC - doanh nghiệp do ông Trịnh Văn Quyết từng làm Chủ tịch HĐQT. Tập đoàn FLC (mã chứng khoán: FLC) hiện sở hữu hơn 8% cổ phần Nông dược HAI.

>>> Xem thêm: Đại hạ giá, rao bán loạt tài sản liên quan ông Trịnh Văn Quyết để thu nợ

Tin mới lên