Ngân hàng tuần qua: Nhiều nhà băng rao bán nợ, MB ‘chia tay’ một cổ đông lớn

Ngân Kim - 22/05/2022 08:39 (GMT+7)

(VNF) - Trong tuần vừa qua, cả VietinBank và BIDV đều thông báo về việc xử lý các khoản nợ xấu hàng trăm tỷ đồng.

VNF
Dragon Capital rời ghế cổ đông lớn của MB là một trong những tin tức ngân hàng đáng chú ý tuần qua

Dragon Capital rời ghế cổ đông lớn của MB

4 quỹ thành viên của Dragon Capital là KB Vietnam Focus Balanced Fund, Norges Bank, Samsung Vietnam Securities Master Investment Trust và Vietnam Enterprise Investments Limited cũng bán ra tổng cộng hơn 2,8 triệu cổ phiếu MBB của Ngân hàng TMCP Quân đội (HoSE: MBB).

Số lượng cổ phiếu MBB mà nhóm quỹ này nắm giữ giảm từ hơn 189,6 triệu đơn vị xuống còn hơn 186,7 triệu đơn vị. Tỷ lệ sở hữu tại MB giảm từ 5,02% về 4,94%.

Với việc đưa tỷ lệ sở hữu về mức dưới 5%, Dragon Capital chính thức không còn là cổ đông lớn của FPT và MB từ ngày 16/5/2022.

>>> Xem thêm: Dragon Capital rời ghế cổ đông lớn của FPT và MB

VietinBank chuyển nhượng khoản nợ 119 tỷ đồng của Công ty Dầu khí Đại Lộc

Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) trong tuần qua đã thông báo về việc chào bán/chuyển nhượng toàn bộ khoản nợ của Công ty TNHH Thương mại và Vận tải Dầu khí Đại Lộc tại chi nhánh Thủ Đức.

Theo đó, tổng dư nợ của Công ty Dầu khí Đại Lộc tại VietinBank là hơn 119 tỷ đồng, trong đó dư nợ gốc là 80,4 tỷ đồng, dư nợ lãi là 38,6 tỷ đồng.

Tài sản đảm bảo cho khoản nợ là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất tại số 336 Nguyễn Chí Thanh, phường 5, quận 10, TP. HCM; 1 xe ô tô Ford Everest, hàng tồn kho luân chuyển và quyền đòi nợ, thụ hưởng số tiền phát sinh từ các hợp đồng kinh tế.

Giá bán hiện chưa được phía VietinBank tiết lộ công khai.

>>> Xem thêm: VietinBank chuyển nhượng khoản nợ 119 tỷ đồng của Công ty Dầu khí Đại Lộc

BIDV sắp đấu giá khoản nợ 123 tỷ đồng của Công ty GAC Việt Nam

BIDV sắp đấu giá khoản nợ 123 tỷ đồng của Công ty GAC Việt Nam

Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) trong tuần vừa qua đã phát đi thông báo tìm doanh nghiệp đấu giá khoản nợ của Công ty TNHH GAC Việt Nam.

Theo đó, tạm tính đến ngày 11/1/2022, tổng dư nợ của GAC Việt Nam tại BIDV là hơn 123 tỷ đồng, bao gồm dư nợ gốc hơn 104 tỷ đồng, dư nợ lãi là hơn 18 tỷ đồng.

Tài sản đảm bảo cho khoản nợ là quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà ở tại số nhà 8A1, đường 379, khu phố 1, phường Tăng Nhơn Phú, quận 9, TP. HCM và tại số 38, đường Dương Đức Hiền, phường Tây Thạnh, quận Tân Phú, TP. HCM.

Khoản nợ này từng được BIDV rao bán hồi tháng 6/2020 với giá khởi điểm 112,2 tỷ đồng

Theo tìm hiểu, GAC Việt Nam hiện là công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, được thành lập vào ngày 10/11/2012. Công ty đặt trụ sở tại số 109 Đồng Khởi, phường Bến Nghé, quận 1, TP. HCM. Người đại diện theo pháp luật là bà Trần Thị Ngọc Bích.

Ngành nghề chính của công ty là bán buôn nông, lâm sản nguyen liệu (trừ gỗ, tre, nứa) và động vật sống, ngoài ra công ty còn bán buôn máy móc, thiết bị điện tử, viễn thông.

>>> Xem thêm: BIDV sắp đấu giá khoản nợ 123 tỷ đồng của Công ty GAC Việt Nam

WB: Nhiều cá nhân và doanh nghiệp Việt Nam bị loại khỏi hệ thống tài chính

Báo cáo Cập nhật Đánh giá Quốc gia (2021) của nhóm World Bank nhận định ngành tài chính của Việt Nam vừa tương đối phát triển vừa kém phát triển theo tiêu chuẩn quốc tế. Trong đó, phát triển ở đây là về khả khả năng cung cấp tín dụng cho khu vực tư nhân với 130% GDP, đạt mức cao nhất trong số các nước có thu nhập trung bình, gần với mức được quan sát thấy ở các nền kinh tế tiên tiến hơn, và nằm trong số tốt nhất trong các nước cùng trình độ phát triển.

Tuy nhiên, ngành này còn kém phát triển ở cấp độ hộ gia đình và doanh nghiệp. Báo cáo cho rằng khoảng 2/3 dân số trưởng thành vẫn không sử dụng ngân hàng (không có tài khoản tại một tổ chức tài chính) trong năm 2017, được cho là thấp so với các nhóm đồng hạng.

Tỷ lệ doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, gặp khó khăn tiếp cận tín dụng tuy không cao hơn quá nhiều nhưng vẫn thuộc nhóm cao nhất trong khu vực. Hai đặc điểm này của ngành tài chính Việt Nam nhấn mạnh vai trò không rõ ràng đối với sự phát triển kinh tế của đất nước - tích cực ở cấp độ tổng thể đối với tín dụng tổng thể, nhưng tiêu cực đối với tài chính toàn diện.

Theo báo cáo, các yếu tố này ngụ ý rằng nhiều cá nhân và doanh nghiệp Việt Nam bị loại khỏi hệ thống tài chính và không thể tận dụng đòn bẩy tài chính vào các hoạt động kinh tế.

>>> Xem thêm: WB: Nhiều cá nhân và doanh nghiệp Việt Nam bị loại khỏi hệ thống tài chính

NHNN siết vốn vay ngắn hạn nước ngoài đầu tư chứng khoán, BĐS để tránh ‘bong bóng’ tài sản

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang lấy ý kiến của các tổ chức, cá nhân đối với dự thảo thông tư quy định về điều kiện vay nước ngoài của doanh nghiệp không được Chính phủ bảo lãnh.

Dự thảo của NHNN bổ sung một số quy định mới nhằm tăng tính minh bạch chính sách và tăng tính linh hoạt cho doanh nghiệp, quy định rõ doanh nghiệp được thực hiện khoản vay ngắn hạn nước ngoài để thanh toán các khoản nợ ngắn hạn có nghĩa vụ phải trả trong vòng 12 tháng kể từ thời điểm ký thoả thuận vay nước ngoài, song không bao gồm các khoản nợ phát sinh từ hợp đồng vay với người cư trú, các khoản phải trả phát sinh từ mua chứng khoán kinh doanh, góp vốn mua cổ phần, mua bất động sản đầu tư và nhận chuyển nhượng dự án.

Ngân hàng Nhà nước cho rằng việc tăng trưởng nóng, ồ ạt của thị trường chứng khoán và kinh doanh bất động sản tiềm ẩn rủi ro lớn vì có thể tạo ra tình trạng vốn "ảo", "bong bóng" tài sản, là mầm mống của những bất ổn tài chính vĩ mô.

“Do đó, trong bối cảnh dòng vốn vay nước ngoài ngắn hạn cần được quản lý chặt chẽ hơn nữa để hạn chế các nguy cơ đảo chiều, cần hạn chế việc doanh nghiệp vay nước ngoài ngắn hạn cho các mục đích tiềm ẩn rủi ro bong bóng giá như chứng khoán, bất động sản”, dự thảo nêu rõ.

>>> Xem thêm: NHNN siết vốn vay ngắn hạn nước ngoài đầu tư chứng khoán, BĐS để tránh ‘bong bóng’ tài sản

Cùng chuyên mục
Tin khác